Cô Jasmine Reed, 32 tuổi, giáo viên ở Fairfax, cho biết do bánh mì và thực phẩm tăng giá, nên cô ít nấu ăn ở nhà hơn và thay vào đó, lựa chọn ăn ở nhà hàng. Điều này giúp cô tiết kiệm được đáng kể thời gian nấu nướng.
Ông Gavi, một người ăn chay, hiện là một DJ chuyên nghiệp, cho biết: “Mọi thứ nhìn chung đã trở nên đắt đỏ theo thời gian”. Số tiền chi tiêu cho việc mua thực phẩm của ông đã tăng gấp đôi, từ khoảng 100 USD/tuần lên 200 USD/tuần.
Về phần mình, ông James Russell, thừa nhận giá cả cao hơn đã buộc ông phải tính toán lại số lượng, cách mua và thời điểm đi mua đồ. Ông chia sẻ: “Mọi thứ không còn dễ dàng nữa…Tôi vào cửa hàng, kiểm tra giá cả và chỉ mua những gì tôi có thể mua được”. Tương tự, bà Mary Joe chia sẻ chỉ chọn mua những thứ thực sự cần thiết mỗi lần đi siêu thị.
Dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 16/5 cho thấy giá thực phẩm đã tăng 2,2% trong 12 tháng (tính đến tháng 4 vừa qua). Mặc dù giá trứng đã giảm mạnh 9% và sữa giảm hơn 1%, nhưng giá bơ tăng 3,5% và bánh mì vẫn tăng cao.
Trước đó, ngày 14/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương), ông Jerome Powell cảnh báo lạm phát đang giảm chậm hơn dự kiến và có thể khiến ngân hàng trung ương phải trì hoãn việc hạ lãi suất trong thời gian dài. Ông lưu ý rằng lạm phát đã giảm nhanh trong năm ngoái nhưng hiện đã chậm lại đáng kể, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc. Trong cuộc họp gần đây nhất, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, cũng đánh giá rằng chưa có tiến bộ đáng kể trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà ngân hàng trung ương đã đề ra, dù đã triển khai 11 đợt tăng lãi suất.
Lạm phát và chi phí của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và khí đốt có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng của hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và đối thủ - cựu Tổng thống Donald Trump.