Thắng lợi áp đảo của Đảng xã hội thống nhất cầm quyền tại Venezuela (PSUV) trong cuộc bầu cử cấp bang ngày 16/12 vừa qua, chỉ hai tháng sau khi Tổng thống Hugo Chávez tái đắc cử, đã khép lại một năm bầu cử tràn đầy thắng lợi của PSUV. Thế nhưng, căn bệnh ung thư tái phát có thể khiến nhà lãnh đạo cánh tả không thể nhậm chức vào ngày 10/1 tới đặt cuộc cách mạng Bôliva trước một thách thức lớn trong sứ mệnh làm sâu sắc những mục tiêu đề ra cho những năm tới.
Tổng thống Hugo Chavez giơ cao quốc kỳ Venezuela sau khi có thông báo kết quả bầu cử tổng thống ở Caracas, ngày 7/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Niềm tin vào chủ nghĩa xã hội ngày càng được củng cốCuộc bầu cử tổng thống ngày 7/10 vừa qua tại Venezuela được đánh giá là phép thử lớn nhất đối với Tổng thống Chavez sau gần 14 năm cầm quyền và xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này.
Thế nhưng, với gần 81% số cử tri đi bầu, ông đã tái đắc cử với 55,26% số phiếu ủng hộ, dễ dàng vượt qua đối thủ Henrique Capriles - ứng cử viên duy nhất được các lực lượng đối lập thống nhất đề cử với hy vọng ngăn chặn tiến trình cách mạng Bôliva. Đây là tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất từ trước tới nay tại Venezuela, thể hiện sự chín muồi về ý thức chính trị của dân chúng dưới thời Tổng thống Chavez. Ông vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân như hồi đắc cử lần đầu tiên năm 1998 khi ông giành được tới 56% số phiếu bầu - tỷ lệ được đánh giá là cao tại hầu hết các nước trong khu vực.
Và cuộc bầu cử cấp bang vừa qua được ví như “món tráng miệng ngon" của "bữa tiệc bầu cử” hoàn hảo trong năm 2012 đối với PSUV vì đảng cầm quyền giành được 20 trong tổng số 23 ghế thống đốc bang, đồng thời chiếm đa số ghế tại 22 trong tổng số 23 hội đồng lập pháp (nghị viện) bang. Thắng lợi này vang dội hơn nhiều so với cuộc bầu cử địa phương cách đây 4 năm khi PSUV chỉ giành được 16 ghế thống đốc. Màu đỏ cách mạng của PSUV đã bao phủ hầu như toàn bộ bản đồ bầu cử của Venezuela.
Chiến thắng áp đảo của PSUV có thể nói đã chặn đứng ý đồ của phái hữu muốn quay trở lại cầm quyền nhằm tái lập chủ nghĩa tự do mới và khôi phục những đặc quyền mà họ có được dựa trên sự nghèo đói của đa số dân chúng và tình trạng bất bình đẳng xã hội. Mặt khác, kết quả bầu cử cũng cho thấy những thành tựu to lớn mà chính phủ của Tổng thống Chavez đã làm được vẫn được đại bộ phận nhân dân Venezuela thừa nhận.
Trong giai đoạn 1999-2010, chính phủ Venezuela đã đầu tư 330 tỷ USD cho các chương trình xã hội, giảm tỷ lệ nghèo từ 70% xuống còn 23,9% và tỷ lệ bần cùng từ 40% xuống 5,9%. Theo Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC), trong giai đoạn 1996-2010, Venezuela là nước có tỷ lệ nghèo giảm mạnh nhất trong khu vực.
Ngoài ra, cũng trong giai đoạn 1999-2010, số người được hưởng trợ cấp xã hội tăng từ 387.000 người lên 1,92 triệu người, hệ thống giáo dục và y tế công cộng ngày càng được mở rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Venezuela là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất cho giáo dục tại Mỹ Latinh; hơn 40% ngân sách quốc gia được dành cho các chương trình xã hội. Chính sách này thành công đến mức mà ngay cả ứng viên đối lập Capriles cũng phải cam kết nếu đắc cử sẽ duy trì một phần các chương trình xã hội do Tổng thống Chavez khởi xướng.
Xét về địa chính trị, sự tái cử của ông Chavez có ý nghĩa chiến lược vì cùng với Brazil, Venezuela là một trụ cột quan trọng của quá trình hội nhập Mỹ Latinh. Việc ông tái cử là sự bảo đảm vững chắc của sự tồn tại và phát triển của các tổ chức khu vực do ông thúc đẩy và vận hành trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, khác hẳn với mô hình khu vực tự do thương mại toàn châu lục do Mỹ khởi xướng.
Có thể kể đến những tổ chức hoạt động hiệu quả như Liên minh Bôliva cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA ra đời năm 2004) và tổ chức liên kết năng lượng Petrocaribe được thành lập năm 2005 nhằm tạo điều kiện cho các nước vùng Caribe tiếp cận nguồn dầu mỏ phong phú của Venezuela với những điều kiện ưu đãi.
Những thách thức lớn trước mắtMặc dù bỏ xa đối thủ đáng gờm Capriles tới 11% trong cuộc bầu cử hồi tháng 10, song Tổng thống Chavez cho rằng sự cách biệt có thể còn lớn hơn nếu ông không bị ngã bệnh. Chính căn bệnh ung thư được ông thông báo năm 2011 là một trong những điểm yếu được lực lượng đối lập khai thác triệt để để tìm kiếm lợi thế khi tranh cử.
Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe đã không trở thành trở ngại trong nỗ lực tranh cử của nhà lãnh đạo được đánh giá là người chèo lái con thuyền cánh tả không chỉ tại Venezuela mà cả Mỹ Latinh này.
Ngay sau khi ông Chavez tái đắc cử, báo chí tiếp tục xếp bệnh tình của ông vào danh sách những thách thức lớn nhất đối với ông trong nhiệm kỳ tới. Và thách thức đã thực sự xuất hiện khi ông phải phẫu thuật chữa ung thư lần thứ 4 vào ngày 11/12 vừa qua. Cuộc phẫu thuật phức tạp đến nỗi lần đầu tiên nhà lãnh đạo 58 tuổi có sức lôi cuốn dân chúng này thừa nhận khả năng không thể tiếp tục điều hành đất nước.
Theo Hiến pháp Venezuela, trong trường hợp bị qua đời hoặc không thể điều hành vì lý do sức khỏe sau khi hoàn thành 4 năm đầu của nhiệm kỳ tới, phó tổng thống do tổng thống chỉ định sẽ có trách nhiệm hoàn tất nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nếu sự cố trên xảy ra sớm hơn, trong vòng 30 ngày, phó tổng thống phải tổ chức bầu cử. Trong trường hợp ông Chavez không thể nhậm chức nhiệm kỳ mới, chủ tịch quốc hội sẽ quyết định tiến hành bầu cử trong vòng 30 ngày để chọn tổng thống thay thế.
Tổng thống Chavez đã chỉ định Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Nicolás Maduro làm người thay ông nếu tình huống xấu trên xảy ra và kêu gọi dân chúng bầu cho ông Maduro nếu phải tổ chức bầu cử tổng thống sớm.
Ông Maduro, 50 tuổi, là Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2006 sau khi từng đảm nhiệm vai trò nghị sĩ và Chủ tịch Quốc hội. Nếu phải ra tranh cử, đối thủ của ông Maduro nhiều khả năng sẽ là ông Capriles, một nhân vật có tố chất của một chính trị gia bẩm sinh: trúng cử nghị sĩ năm 1998 khi mới 26 tuổi và sau đó trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hạ viện, làm quận trưởng một quận ở Caracas và mới đây tái đắc cử Thống đốc bang Miranda.
Theo một số nhà phân tích, sự nghiệp cách mạng tại Venezuela sẽ lâm vào tình thế hết sức khó khăn nếu chính quyền rơi vào tay ông Capriles. Nhưng ngay cả trong trường hợp ông Maduro đắc cử, cuộc cách mạng cũng gặp không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn là cho đến nay, nền kinh tế Venezuela vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Trong trường hợp giá dầu giảm, nguồn tài chính cho các chương trình xã hội sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng dù sao đi nữa, người dân Venezuela vẫn tin tưởng rằng Tổng thống Chavez sẽ phục hồi sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tới nhằm làm sâu sắc thêm cuộc cách mạng Bôliva và đưa sự nghiệp xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” tới giai đoạn không gì có thể đảo ngược.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)