Nghị quyết trên, do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch đề xuất, nêu rõ: "Việc ngừng GSOMIA trực tiếp phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ vào thời điểm Triều Tiên đang gia tăng hành động khiêu khích, trong đó có 12 vụ thử hơn 20 tên lửa đạn đạo trong năm nay, trong đó có các loại tên lửa đạn đạo có khả mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ trên bộ và trên biển".
Trên trang web của tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Risch nhấn mạnh: "GSOMIA có vai trò quyết định đối với an ninh quốc gia của chúng ta, cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tôi hối thúc Hàn Quốc tiếp tục tham gia hiệp định này".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo đã điện đàm thảo luận về GSOMIA và vấn đề chia sẻ kinh phí quân sự. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: “Hai bên đã nhất trí tiếp tục tham vấn chặt chẽ về các vấn đề khác nhau ở mọi cấp độ. Họ cũng nhất trí về yêu cầu sớm gặp trực tiếp để tiến hành những cuộc thảo luận sâu và nỗ lực dàn xếp kế hoạch này”.
Về lý thuyết, Hiệp định GSOMIA sẽ chính thức hết hiệu lực từ 12h00 ngày 23/11 giờ địa phương (tức 10h00 cùng ngày giờ Hà Nội) nếu các cuộc đàm phán về việc gia hạn văn kiện này không đạt đột phá.
Các cuộc đàm phán dường như đang diễn ra, song cơ hội rất ít để Seoul và Tokyo đạt thỏa thuận trước hạn chót trên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In) vẫn giữ quan điểm cứng rắn rằng Nhật Bản trước tiên phải rút lại lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao mà họ áp đặt để trả đũa Hàn Quốc.
Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi Seoul tự giải quyết vấn đề bồi thường cho các nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức thời chiến. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc dự kiến trong chiều 22/11 sẽ tái khẳng định công khai kế hoạch hủy GSOMIA nếu Nhật Bản không thay đổi thái độ.
Trong khi giới quan sát đánh giá việc kết thúc GSOMIA sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường, Tổng thống Moon và các trợ lý cho rằng những quan ngại về các lỗ hổng an ninh xảy ra khi GSOMIA hết hiệu lực là "lo lắng thái quá".
Nhà Xanh cho biết ngay cả khi không còn GSOMIA, sẽ không có tác động lớn nào đến hợp tác an ninh Seoul - Tokyo và không ảnh hưởng đến liên minh Seoul - Washington. Hàn Quốc sẽ sử dụng Thỏa thuận Chia sẻ thông tin ba bên (TISA) hiện hành - với Mỹ làm trung gian - giống như trước khi GSOMIA được ký hồi tháng 10/2016.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng khi thỏa thuận rất khó có được này bị "khai tử", việc đó sẽ phủ một bóng đen lên quan hệ Seoul-Tokyo vốn đang căng thẳng do những tranh cãi dai dẳng về các vấn đề lịch sử.
Và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ sử dụng động thái của Seoul làm "phép thử" cho cam kết hợp tác an ninh của mình trong khu vực. Mỹ vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của GSOMIA trong quan hệ đối tác an ninh 3 bên trong khu vực, như một đối trọng với Nga - Trung - Triều.