Quốc gia Nam Á này hiện phải vật lộn để nhập khẩu các nhu yếu phẩm cơ bản cho 22 triệu dân do dự trữ ngoại hối cạn kiệt và nợ công tăng cao, gây ra làn sóng biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tuần vốn đã biến thành bạo lực thời gian gần đây. Thủ tướng Mahinda Rajapaksa từ chức có thể mở đường cho việc thành lập một chính phủ lâm thời với sự tham gia của các đảng phái đối lập, song những bất ổn kinh tế-chính trị và bạo lực kéo dài dường như sẽ khiến quốc gia Nam Á này tiếp tục sôi sục và làm gia tăng những lời kêu gọi đòi phế truất Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
Trong nhiều tháng, người dân Sri Lanka đã phải xếp hàng dài chờ mua các mặt hàng thiết yếu vì khủng hoảng ngoại hối khiến lương thực, thuốc men và nhiên liệu nhập khẩu bị thiếu hụt. Tình trạng thiếu dầu đã dẫn đến các đợt cắt điện trên diện rộng. Đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine càng khiến tình hình trở nên tồi tệ, nhưng những dấu hiệu cảnh báo về một thảm họa kinh tế tiềm tàng đã xuất hiện từ lâu. Năm 2019, Tổng thống Gotabaya lên nắm quyền vài tháng sau khi xảy ra các vụ đánh bom liều chết nhằm vào các nhà thờ và khách sạn dịp lễ Phục sinh khiến 290 người thiệt mạng.
Các cuộc tấn công đã khiến ngành du lịch- một nguồn thu ngoại tệ quan trọng - bị thiệt hại nặng nề và Tổng thống Gotabaya hứa hẹn sẽ đưa Sri Lanka thoát khỏi những khó khăn kinh tế và đảm bảo an toàn cho đất nước. Thời điểm đó, Chính phủ Sri Lanka cần tăng thu ngân sách, đặc biệt khi nợ nước ngoài tăng cao để trang trải cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Nhưng chỉ vài ngày sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Gotabaya đã thực hiện đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử Sri Lanka. Động thái này đã dẫn đến phản ứng nhanh chóng từ thị trường toàn cầu. Các chủ nợ đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Sri Lanka, ngăn nước này vay thêm tiền giữa lúc dự trữ ngoại hối sụt giảm.
Không lâu sau đó, đại dịch COVID-19 ập đến, làm chao đảo ngành du lịch khi mà nợ nước ngoài tăng cao còn lượng kiều hối giảm mạnh. Đến tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Gotabaya bất ngờ tuyên bố cấm nhập khẩu phân bón hóa học để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, nhưng không có kế hoạch phù hợp.
Điều này khiến người nông dân bị bất ngờ, làm ảnh hưởng đến hoạt động trồng lúa - ngành thu hút sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của hơn 30% lực lượng lao động tại Sri Lanka - và khiến giá lúa gạo tăng cao. Cuộc chiến ở Ukraine cũng đã làm tăng giá lương thực và dầu mỏ trên toàn cầu, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết lạm phát tại nước này tăng lên đến 30% trong tháng 4 vừa qua, với giá lương thực tăng gần 50%. Dự trữ ngoại hối khả dụng đã giảm xuống dưới 50 triệu USD, buộc chính quyền Colombo phải đình chỉ thanh toán 7 tỷ USD nợ nước ngoài đáo hạn trong năm nay và gần 25 tỷ USD vào năm 2026 trong tổng số 51 tỷ USD.
Khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka đã biến thành cuộc bạo loạn tang tóc hôm 9/5, khiến 8 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Vị Thủ tướng đầy quyền lực Mahinda Rajapaksa đã phải từ chức và anh trai ông, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đang loay hoay tìm lối thoát khỏi sự hỗn loạn hiện nay. Những người biểu tình chống chính phủ bất bình vì những đợt cắt điện triền miên, thiếu thốn hàng hóa cơ bản và giá cả tăng cao đang xuống đường đòi tất cả các thành viên trong gia tộc Rajapaksa, những người nắm giữ nhiều vị trí khác nhau, bao gồm cả Tổng thống Gotabaya, phải từ chức. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo từng là sĩ quan quân đội này đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm duy trì quyền kiểm soát đất nước, khiến Sri Lanka rơi vào bế tắc chính trị.
Đối diện với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, Chính phủ Sri Lanka đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, là những cường quốc lâu nay vẫn tìm cách gây ảnh hưởng đối với đảo quốc có vị trí chiến lược ở Nam Á này. Năm nay, New Delhi đã cung cấp các khoản hỗ trợ tổng trị giá hơn 3,5 tỷ USD cho Colombo. Trước đó, Tổng thống Gotabaya đã đề nghị Trung Quốc tái cơ cấu các khoản thanh toán nợ trị giá khoảng 3,5 tỷ USD. Cuối năm ngoái, Bắc Kinh cũng đã cung cấp cho Sri Lanka khoản hoán đổi trị giá 1,5 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ. Ngoài ra, Sri Lanka đã tiến hành các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một kế hoạch cứu trợ và các kế hoạch tái cấu trúc nợ công. Tuy nhiên, bất chấp sự hỗ trợ từ bên ngoài, tình trạng thiếu nhiên liệu đã gây ra cảnh xếp hàng dài tại các trạm xăng và các đợt cắt điện liên tiếp trên diện rộng, trong khi nhiều loại thuốc men thiết yếu đã cạn kiệt. Bất ổn đã âm ỉ trong lòng xã hội Sri Lanka từ lâu và chỉ chờ cơ hội bùng phát.
Với việc không có thủ tướng và nội các đã tự động giải tán, giờ đây, Tổng thống Gotabaya có thể đề cử một thành viên quốc hội giữ chức thủ tướng tiếp theo và đứng ra thành lập chính phủ. Quyết định của ông sẽ cần sự ủng hộ của đa số trong cơ quan lập pháp gồm 225 ghế. Hiện không rõ liệu ông Gotabaya có còn nhận đủ sự ủng hộ trong quốc hội để phê chuẩn ứng cử viên của mình hay không. Tổng thống Gotabaya cũng có thể tìm cách thành lập một chính phủ đoàn kết, nhưng rất khó để thuyết phục các thành viên phe đối lập tham gia. Ông đang xúc tiến một loạt cuộc gặp với các chính trị gia đối lập để bàn về việc thành lập chính phủ mới trong những ngày tới. Tuy nhiên, trước đó, đề xuất của nhà lãnh đạo này về việc thành lập một chính phủ lâm thời, có sự tham gia của tất cả các đảng phái trong quốc hội, đã bị từ chối. Nếu tổng thống từ chức trong khi không có thủ tướng, chủ tịch quốc hội sẽ trở thành tổng thống lâm thời trong một tháng. Trong thời gian đó, quốc hội sẽ bầu một thành viên làm tổng thống cho đến khi bầu cử được tổ chức.
Một "kịch bản" khác là tiến hành luận tội Tổng thống Gotabaya cũng không dễ dàng. Kiến nghị này cần có sự hậu thuẫn của chủ tịch quốc hội, tòa án tối cao và sự ủng hộ của ít nhất 150 nghị sĩ. Các đảng đối lập hiện không nắm phe đa số trong quốc hội, khiến đề xuất này càng trở nên khó khăn hơn. Trong 45 năm Sri Lanka dưới chế độ tổng thống hành pháp, đã có một nỗ lực phế truất tổng thống nhưng bất thành. Hiến pháp nước này trao cho tổng thống quyền lực rộng rãi với tư cách là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, người đứng đầu nội các cũng như các quyền bổ nhiệm chánh án Tòa án tối cao, tư lệnh cảnh sát và những chức vụ khác. Mặc dù có quyền hạn rộng rãi, Tổng thống Sri Lanka vẫn cần một thủ tướng và nội các để thực hiện các chức năng hành pháp. Sự khó đoán định hiện nay liên quan đến các động thái tiếp theo của Tổng thống Gotabaya và khoảng trống hành chính đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc tiếp quản quân sự, đặc biệt nếu bạo lực leo thang.
Với những gì đã và đang diễn ra, sự ra đi của Thủ tướng Mahinda có lẽ là không đủ để xoa dịu những người biểu tình tại Sri Lanka và bất ổn chính trị ở nước này sẽ còn kéo dài. Bất cứ ai đảm nhận chức vụ thủ tướng giờ đây sẽ phải giành được lòng tin của người dân cũng như có ý chí chèo lái đất nước đến phục hồi kinh tế. Tổng thống Gotabaya sẽ phải lựa chọn một người có thể lãnh đạo phe đa số tại nghị viện, nhưng sự phẫn nộ trong dân chúng hiện nay chắc chắn sẽ làm nản lòng bất cứ nhân vật nào có quan hệ với gia tộc Rajapaksa. Trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Sajith Premadasa đã từ chối lời đề nghị đứng đầu một chính phủ dưới quyền của Tổng thống Gotabaya. Với tình trạng sôi sục hiện nay đòi phế truất gia tộc Rajapaksa và với lập trường cứng rắn không nhượng bộ của Tổng thống Gotabaya, triển vọng về một giải pháp chính trị tại Sri Lanka vẫn rất xa vời.