Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) nhấn mạnh rằng việc phê chuẩn Kế hoạch tổng thể IMT-GT giai đoạn 2022 - 2026 là bước đi đầu tiên và việc thực hiện cần tiếp tục được giám sát nhằm hiện thực hóa tầm nhìn IMT-GT 2036.
Nhắc lại rằng trong giai đoạn 2014 - 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của IMT-GT đã tăng 39% bất chấp đại dịch COVID-19, Tổng thống Jokowi khẳng định rằng trong tương lai, cam kết này cần được tăng cường, đặc biệt trong điều kiện thế giới ngày càng phức tạp với nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm 2023.
Tổng thống Indonesia cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ và các bên liên quan trong việc triển khai thực tế Kế hoạch tổng thể nói trên là rất quan trọng, đồng thời đề xuất 3 trọng tâm chính cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo ông, điểm đầu tiên là vực dậy ngành du lịch tiểu vùng IMT-GT. Đây là điều hết sức cấp bách trong bối cảnh lĩnh vực du lịch đã sụt giảm nghiêm trọng, với mức 90% trong 2 năm vừa qua. Để đạt được mục tiêu trên, cần phải tìm kiếm cách thức mới thông qua việc thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số trong tiếp thị, phát triển du lịch bền vững và linh hoạt, và khởi động sáng kiến “IMT-GT Visit Year 2023 - 2025” như một nền tảng quảng bá và tiếp thị chung của cả 3 nước. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Indonesia cũng kêu gọi 3 nước phát triển du lịch halal như một phần trong mục tiêu trở thành trung tâm halal toàn cầu với giá trị thị trường lên tới 7.000 tỷ USD vào năm 2030.
Trọng tâm thứ 2 là đẩy nhanh sự phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm, cụ thể là cơ sở hạ tầng vật chất và nguồn nhân lực vốn không thể tách rời nhau và cần bổ sung cho nhau. Theo Tổng thống Jokowi, trọng tâm này phù hợp với ưu tiên của Indonesia là xây dựng đồng thời cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực bằng cách tiếp tục xây dựng kết nối vật lý như cảng, sân bay, đường cao tốc thu phí. Ngoài ra, Tổng thống Jokowi cũng khuyến khích phát triển nguồn nhân lực thông qua hợp tác giáo dục trong khuôn khổ Mạng lưới các trường đại học IMT-GT với tư cách là trung tâm nghiên cứu và đổi mới của tiểu vùng.
Điểm thứ 3 là tạo ra nền kinh tế tiểu vùng xanh và bền vững. Trong đó, kinh tế xanh là tương lai của nền kinh tế ASEAN và ASEAN đang cam kết mạnh mẽ hiện thực hóa tương lai bền vững với việc nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 35% vào năm 2025. Ông Jokowi cho rằng 3 nước có thể đạt được mục tiêu trên thông qua việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển các cơ hội việc làm, đầu tư vào năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện Khung phát triển Thành phố Xanh giai đoạn 2019-2036.
Cho rằng tất cả các nỗ lực phát triển trên sẽ trở thành “khối xây dựng” vì sự thịnh vượng của ASEAN và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Jokowi thông báo Indonesia sẽ tổ chức Diễn đàn Cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm tới nhằm thúc đẩy kết nối khu vực.