Hy Lạp chính thức từ bỏ kế hoạch trưng cầu ý dân

* G20 thông qua kế hoạch hành động

Ngày 4/11, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos tuyên bố, Hy Lạp đã chính thức từ bỏ kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ tài chính mà Aten đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26/10 vừa qua. Ông Venizelos cũng đồng thời thông báo với các nhà lãnh đạo EU và Eurozone rằng, mục đích của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ được tiến hành cuối ngày 4/11 là nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, đảm bảo việc hoàn tất quá trình thực hiện những quyết định được thông qua ngày 26/10.

Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh chung tại hội nghị ngày 4/11.


Theo nhận định của giới phân tích, quyết định này của chính phủ Hy Lạp có thể giúp Aten được giải ngân khoản cứu trợ tài chính thứ sáu trị giá 8 tỷ euro từ EU và IMF ngay trong tháng 11 này.

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou ngày 2/11 tuyên bố Hy Lạp sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới đã đạt được với EU và IMF. Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ phía EU và các đảng phái đối lập trong Quốc hội Hy Lạp. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí còn đưa ra tối hậu thư dọa “trục xuất” Hy Lạp ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu Aten tiến hành trưng cầu ý dân nhằm xem xét lại thỏa thuận trên. Các nhà quan sát cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân, dự kiến diễn ra ngày 4/12 tới, cũng có thể xem là cuộc bỏ phiếu về tương lai của Eurozone. Việc người dân Hy Lạp nói “Không” với thỏa thuận cứu trợ mới không chỉ đồng nghĩa với việc Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone mà còn là việc Eurozone có nguy cơ tan rã.

Vấn đề Hy Lạp được xem là chủ đề nóng bỏng của Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra trong bối cảnh Eurozone đang hỗn loạn vì khủng hoảng nợ công. Các nhà lãnh đạo G20 khẳng định sẽ cùng với châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ thông qua một kế hoạch tổng thể, trong đó coi việc giảm nợ cho Hy Lạp, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tăng vốn cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) là ưu tiên hàng đầu. Mặc dù khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp, song Chủ tịch thường trực EU Herman van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tuyên bố, nước này cần phải trung thành với các điều kiện trong gói cứu trợ mà Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 26/10 vừa qua nhất trí dành cho Aten, cũng như tiếp tục thực thi cam kết đối với EU và IMF để nhận cứu trợ.

Bên cạnh vấn đề Hy Lạp, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 cũng đã thông qua kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm. Kế hoạch này bao gồm cam kết chung của tất cả các nước G20 cũng như các cam kết của các nước riêng rẽ đối với chính sách kinh tế vĩ mô và các cải cách cơ cấu. Các nước G20 cũng thông qua quyết định thành lập nhóm công tác về hỗ trợ việc làm và kế hoạch hành động hỗ trợ các thị trường trái phiếu quốc gia.

Hội nghị G20 cũng đạt đồng thuận về khả năng tăng nguồn vốn dự trữ cho IMF, nhấn mạnh định chế tài chính quốc tế này cần phải có mọi thứ cần thiết để thực hiện vai trò vốn có của mình trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng có hệ thống, mà trước mắt là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Các nước G20 cũng quyết định xem xét lại vào năm 2015 cái gọi là quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF và quyết định để định chế tài chính này sử dụng chính sách tín dụng mới nhằm hỗ trợ khả năng thanh khoản tại các nước có nền chính trị ổn định và không có các vấn đề về dài hạn, nhưng tồn tại nguy cơ liên quan tới các khoản vay bên ngoài ngắn hạn. Ngoài ra, IMF cũng được trao thêm thẩm quyền giám sát các luồng vốn và cơ sở thay đổi tỷ giá hối đoái.

Dương Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN