“Hung thần mới” của thời đại

Trong năm 2012 trên toàn cầu đã có 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí. Nói cách khác, ô nhiễm không khí và thiên tai đã trở thành những hung thần mới của thời đại.

Nguy cơ với sức khỏe và môi trường

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những rủi ro từ ô nhiễm không khí hiện nay lớn hơn nhiều so với suy nghĩ hay hiểu biết trước đây, đặc biệt đối với bệnh tim và đột quỵ, bởi những ca tử vong vì ô nhiễm không khí chủ yếu là do bệnh tim, đột quỵ hay bệnh phổi mãn tính. Ngoài ra còn có các ca liên quan đến ung thư phổi hay nhiễm trùng cấp đường hô hấp.


 

Nhiều ngôi nhà bị phá hủy sau trận lũ quét ở Honiara, quần đảo Solomon ngày 4/4. Ảnh: AFP/TTXVN

 

WHO lưu ý rằng số ca tử vong nói trên cao gấp đôi so với ước tính trước đó, tương đương với 12,5% các ca tử vong trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc trong 8 ca tử vong trên thế giới năm 2012 thì có 1 ca liên quan đến ô nhiễm không khí. Tình trạng này đòi hỏi phải tăng cường giảm ô nhiễm bên trong và bên ngoài nơi ở của người dân, để có thể cứu được hàng triệu sinh mạng trong tương lai.


Theo báo cáo của WHO, các nước nghèo và có thu nhập trung bình ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương chịu tác động nặng nề nhất, với 3,3 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 triệu ca tử vong vì ô nhiễm ngoài trời năm 2012.


Flavia Bustreo, một chuyên gia hàng đầu về sức khỏe gia đình của WHO, cho biết ô nhiễm trong nhà chủ yếu là do nấu ăn bằng than, củi... Trên thế giới có khoảng 2,9 tỷ người sống trong các ngôi nhà sử dụng than, củi, hay phân gia súc phơi khô làm nhiên liệu nấu ăn chính. Phụ nữ và trẻ em - đặc biệt là ở những nước nghèo - là những đối tượng chịu rủi ro cao nhất từ ô nhiễm trong nhà.


Tác nhân gây ô nhiêm ngoài trời chủ yếu do giao thông, sản xuất điện, khí thải công nghiệp và nông nghiệp, hoạt động sưởi ấm nhà ở và nấu ăn. Nghiên cứu của WHO cho thấy mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời đã tăng đáng kể ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có dân số đông, thông qua công nghiệp hóa nhanh chóng, như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, Cơ quan Nghiên cứu ung thư của WHO (IARC), trên cơ sở một nghiên cứu tiến hành trong năm 2013, đã khuyến cáo rằng không khí chúng ta đang thở có chứa những chất gây ung thư.


Mất 140 tỷ USD vì thiên tai

Kết quả khảo sát của Tập đoàn Bảo hiểm Swiss Re của Thụy Điển cho thấy các thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra khiến thế giới thiệt hại 140 tỷ USD trong năm 2013.


Theo Swiss Re, tổng thiệt hại vì thảm họa trong năm 2013 đã giảm so với 196 tỷ USD trong năm 2012, thời gian bão Sandy tàn phá nước Mỹ. Các công ty bảo hiểm phải thanh toán 45 tỷ USD trong tổng số 140 tỷ USD thiệt hại vì thảm họa trong năm ngoái. Thảm họa gây thiệt hại lớn nhất đối với các công ty bảo hiểm là các trận lụt lớn ở Trung và Đông Âu hồi tháng 5 và tháng 6 năm ngoái, trong đó Đức, Cộng hòa Séc, Hunggari và Ba Lan bị tác động mạnh nhất.


Cụ thể, thiệt hại về kinh tế do nạn lụt gây ra lên tới 16,5 tỷ USD, trong đó các công ty bảo hiểm phải thanh toán 4,1 tỷ. Mưa đá ở Pháp và Đức hồi tháng 7 năm ngoái gây thiệt hại 4,8 tỷ USD. Riêng ở Đức, các công ty bảo hiểm phải chi trả 3,8 tỷ USD thiệt hại, mức lớn nhất trong các chi trả thiệt hại vì mưa đá trên toàn thế giới. Nạn lụt ở Canada hồi tháng 6 năm ngoái gây thiệt hại 4,7 tỷ USD, bao gồm 1,9 tỷ USD được bảo hiểm. Thảm họa gây tốn kém tiếp theo đối với khu vực bảo hiểm là đợt bão gây mưa lớn và lốc xoáy ở Mỹ, bao gồm trận lốc xoáy bất thường ở bang Oklahoma khiến các công ty bảo hiểm thiệt hại 1,8 tỷ USD và gây thiệt hại kinh tế nói chung lên đến 3 tỷ USD.


Đứng ở góc độ bảo hiểm, các nước giàu phải chứng kiến những thảm họa gây tốn kém nhất, nhưng chỉ về kinh tế. Trong khi đó, các nước đang phát triển tiếp tục gánh chịu thiệt hại cả về người và của. Bằng chứng là các nước đang phát triển chiếm phần lớn trong số 26.000 trường hợp thiệt mạng vì thảm họa trong năm ngoái, tăng so với 14.000 trong năm 2012. Giống như nhiều khu vực nghèo khác trên thế giới, tỷ lệ người dân được bảo hiểm ở châu Á rất thấp nên họ chịu thiệt hại nặng nề nhất.


Trận lở đất vì lốc xoáy Phailin hồi tháng 10 năm ngoái ở Ấn Độ phá hủy 100.000 ngôi nhà và hơn 1,3 triệu ha đất trồng trọt, đồng thời gây thiệt hại 4,5 tỷ USD. Chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực sơ tán dân sớm giúp cứu sống hàng nghìn sinh mạng, song chỉ một phần rất nhỏ trong số thiệt hại này được bảo hiểm.


Carlos Dora, một chuyên gia khác về y tế công cộng của WHO, đã kêu gọi các chính phủ cần có và thực hiện chính sách phát triển bền vững, các cơ quan y tế cần chú trọng đến tuyên truyền và các biện pháp giảm ô nhiễm không khí, bởi ô nhiễm không khí quá mức thường là một sản phẩm phụ của chính sách phát triển không bền vững trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, quản lý chất thải và công nghiệp.


Ngoài ra, có được một chiến lược y tế lành mạnh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời cải thiện sức khỏe con người và cắt giảm tác động của biến đổi khí hậu.

 

TKT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN