Hợp tác nghiên cứu chiến lược, ngoại giao Việt Nam-Na Uy

Ngày 25/6 tại Oslo, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao (Học viện Ngoại giao, Bộ ngoại giao Việt Nam), đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về Hợp tác với Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy (NUPI) - một trung tâm nghiên cứu độc lập hàng đầu của Na Uy về các vấn đề quan hệ quốc tế và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến chính sách đối ngoại của Na Uy.

Quang cảnh lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao Việt Nam và Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy. 


Theo bản MOU, hai viện nghiên cứu thỏa thuận sẽ tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của mỗi nước, quan hệ Việt Nam-Na Uy, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà các học giả của hai nước quan tâm. Chứng kiến lễ ký MOU có Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai và Phó Vụ trưởng Vụ Đông Á và Đại Dương - Bộ Ngoại giao Na Uy Gunn Roset.

Phát biểu sau lễ ký, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao TS. Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh lãnh đạo Việt Nam và Na Uy đều thể hiện quyết tâm chính trị rất cao đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới. Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác hôm nay giữa hai Viện nghiên cứu chủ chốt về quan hệ quốc tế của Việt Nam và Na Uy tạo tiền đề để các học giả của hai Viện hợp tác nghiên cứu, tham gia đề xuất các chính sách, cũng như hợp tác khu vực và quốc tế nhằm khai thác thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước trong quan hệ song phương.

Ông Ulf Sverdrup, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy cho rằng, an ninh và sự thịnh vượng của Na Uy ngày nay càng gắn bó chặt chẽ hơn với các diễn biến tại Đông Nam Á và Đông Á. Việc ký Bản ghi nhớ hợp tác với Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao Việt Nam sẽ giúp giới học giả, cũng như giới hoạch định chính sách tại Na Uy tiếp cận thêm thông tin đa chiều và có sự hiểu biết tốt hơn về Việt Nam và khu vực, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác giữa Na Uy với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á..

Trước đó, ngày 24/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy đã phối hợp cùng NUPI tổ chức Tọa đàm về tình hình Biển Đông và các tác động đối với an ninh khu vực, với sự tham dự của các học giả NUPI, đại diện Bộ Ngoại giao Na Uy, Đại sứ Philippines tại Na Uy Bayani S. Mercado và Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai. Diễn giả chính là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao Hoàng Anh Tuấn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn thuyết trình tại buổi tọa đàm.


Cuộc tọa đàm này là sự kiện mới nhất trong chuỗi các hoạt động và vận động ngoại giao gần đây của Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy như gặp gỡ các giới chức chính quyền, lãnh đạo Quốc hội, báo giới, học giả và bà con Cộng đồng người Việt ở Na Uy để thông tin về hành động sai trái của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như chủ trương, biện pháp đấu tranh của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền, biển đảo, góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Trao đổi tại tọa đàm, học giả Hoàng Anh Tuấn nêu rõ Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử, căn cứ pháp lý chứng minh nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau đã khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đặc biệt Việt Nam đã cai quản hành chính liên tục và không có bất kỳ tranh chấp nào đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến khi bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực năm 1974. Hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn trái pháp luật; đường 9 đoạn của Trung Quốc là hết sức vô lý, thiếu căn cứ lịch sử, lẫn pháp lý và thiếu nhất quán, đặc biệt trái với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); việc Trung Quốc hành động quyết đoán, đe dọa sử dụng vũ lực để tìm cách cưỡng chiếm toàn bộ khu vực trong phạm vi đường 9 đoạn là nguyên nhân chính gây căng thẳng ở Biển Đông; việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nêu trên là bước đi mới, hết sức nguy hiểm, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thỏa thuận song phương Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trên cơ sở đó, học giả Hoàng Anh Tuấn đề nghị giới học giả Na Uy cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chấm dứt các hành động đơn phương đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

TS. Asmund Weltzien, Giám đốc truyền thông của NUPI, các học giả NUPI và Đại sứ Philippines tại Na Uy Bayani S. Mercado hoan nghênh việc Việt Nam chủ động trao đổi, góp phần giúp giới học giả và dư luận Na Uy hiểu rõ hơn tình hình tranh chấp ở Biển Đông hiện nay và các nguy cơ đối với an ninh và ổn định khu vực. Nhiều ý kiến phát biểu tại Tọa đàm bày tỏ lo ngại về cách hành xử đơn phương và quyết đoán của Trung Quốc, đồng thời chỉ rõ chỉ có giải pháp đạt được trên cơ sở thương lượng hòa bình, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mới đem lại hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực Đông Á.


Tin, ảnh: Huy Hiệp
(P/v thường trú TTXVN tại London)




Tọa đàm về biển Đông tại Sri Lanka ủng hộ Việt Nam
Tọa đàm về biển Đông tại Sri Lanka ủng hộ Việt Nam

Tại cuộc tọa đàm về tình hình Biển Đông ở Sri Lanka, các ý kiến cho rằng Việt Nam đã có lịch sử lâu dài trong việc quản lý và thực thi chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và giải pháp cần nhất lúc này là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN