Thậm chí, có những lần cô trở về tay không khi nước trong vòi cạn kiệt. Vòi nước công cộng này chỉ hoạt động khoảng 2 giờ cứ mỗi 5 ngày một lần. Tuy nhiên, cách đó khoảng 2km, cư dân thị trấn Liwali lại có được hưởng nguồn nước sạch quanh năm nhờ một trạm hệ thống mái hứng và xử lý nước mưa.
Trạm này được thiết lập từ năm 2017 trong một khu vực bỏ hoang do động đất. Người dân thị trấn Liwali hứng nước mưa thông qua một hệ thống các đường ống nối với mái tôn kẽm của những nhà lán dựng tạm sau 2 trận động đất lớn làm rung chuyển Nepal hồi năm 2015. Nguồn nước mưa thu được sẽ được trữ trong bể chứa ngầm dưới lòng đất có dung tích hơn 100.000 lít, sau đó được lọc và truyền qua một hệ thống các vòi nước, thậm chí được chia đều cho khoảng 100 hộ gia đình, mỗi hộ khoảng 40 lít nước mỗi ngày.
Người phụ trách quản lý nguồn nước của thị trấn Liwali, ông Narayan Khaitu, cho biết tổ chức từ thiện địa phương Guthi đã tài trợ 1,7 triệu rupee Nepal (14.400 USD) để triển khai dự án nói trên. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ phối hợp của tổ chức phi chính phủ International Rainwater Harvesting Alliance của Thụy Điển cùng công ty nước trong vùng Kathmandu Upatyaka Khanepani Limited (KUKL) và tổ chức từ thiện địa phương Lumanti, dự án đã có được các thiết bị lọc nước, máy bơm, vòi nước và các bể chứa dung tích lớn.
Cô Kamala Sitikhu, cư dân thị trấn Liwali cho biết tình cảnh trước đây của cư dân thị trấn Liwali không khác gì thị trấn Taumadhi. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, dự án trên đã giúp họ có đủ nước dùng miễn phí quanh năm, kể cả trong mùa khô từ tháng 2-4 hằng năm. Nhà chức trách địa phương khuyến khích mỗi người dân sử dụng nước ủng hộ khoảng 100 rupee (1 USD) mỗi tháng để chi trả tiền điện vận hành máy lọc nước.
Giới chuyên gia cho biết các dự án hứng và xử lý nước mưa giống như dự án ở thị trấn Liwali có thể mang tới giải pháp hiệu quả cho các địa phương khan hiếm nguồn nước khác trong bối cảnh các nhà khoa học cảnh báo tình trạng Trái Đất ngày càng nóng lên sẽ khiến vấn đề khan hiếm nước ngày càng trở nên trầm trọng hơn.