Gian nan cuộc chiến chống IS của Mỹ

Mỹ đã chính thức tuyên chiến với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi nhóm này hành quyết nhà báo James Foley. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình Trung Đông hiện nay, cuộc chiến chống nhóm khủng bố được đánh giá là nguy hiểm hơn cả mạng lưới Al-Qaeda này sẽ không dễ dàng với Mỹ.

 

Chính người đứng đầu Lầu Năm Góc Chuck Hagel đã lên tiếng thừa nhận sự nguy hiểm của IS là ở chỗ nhóm vũ trang này không thuần túy chỉ là một nhóm khủng bố tiêu biểu mà “chúng có sự liên kết ý thức hệ, biết áp dụng thành thạo những chiến lược, chiến thuật quân sự và có nguồn tài chính dồi dào, vượt qua tất cả những gì chúng ta từng thấy trước đây".

 

Người dân Mỹ tuần hành bên ngoài Nhà Trắng phản đối việc Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN


Bộ trưởng Quốc phòng Hagel khẳng định các tay súng IS hiện là một nguy cơ lớn, thậm chí còn lớn hơn cả nhóm khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Đội quân thánh chiến IS hiện đang đe dọa lợi ích quốc gia của Mỹ ở mọi nơi, không chỉ thuần túy ở Iraq. Với đánh giá này, ông Hagel cho biết Mỹ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài chống lại IS.


Một quan chức quân sự cấp cao khác của Mỹ là Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, Tướng Martin Dempsey, thì cho rằng đội quân IS không chỉ là một nguy cơ đối với Mỹ mà cũng là một mối đe dọa đối với các quốc gia Phương Tây vì có không ít công dân Mỹ và châu Âu đang tham gia cuộc “thánh chiến” của IS ở Syria và ở Iraq.


Mỹ đang đơn độc


Sau một thời gian nhiều nước giữ im lặng hoặc có lập trường không rõ ràng về hoạt động của IS, giờ đây cộng đồng quốc tế dường như đã nhất trí về sự cần thiết phải ra tay chống lại tổ chức khủng bố này.


Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 15/8 vừa qua đã thông qua một nghị quyết nhằm ngăn chặn việc tuyển mộ và tài trợ cho các tay súng IS ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, nghị quyết này trong thời gian trước mắt sẽ không làm thay đổi được tình hình theo hướng bất lợi cho IS. Có chăng nó chỉ tạo ra một khuôn khổ cho những nỗ lực để chống lại tổ chức này trong bối cảnh quốc tế đang lo ngại IS sẽ sử dụng vùng lãnh thổ đã chiếm đóng ở Syria và Bắc Iraq làm bàn đạp cho các cuộc tấn công khủng bố toàn cầu mới.


Tuyên bố là vậy nhưng hiện Mỹ vẫn đơn độc trong cuộc chiến chống IS hiện nay, khi chỉ có đồng minh thân cận là Anh cùng tham gia chiến dịch quân sự. Trong chiến dịch giải phóng đập Mosul tại Iraq từ tay IS, London đã bắt đầu sử dụng không quân để cung cấp hàng viện trợ nhân đạo và thu thập thông tin tình báo quân sự. Báo Độc lập của Nga nhận định cuộc chiến chống khủng bố đang chuyển sang hướng bảo vệ lợi ích của Mỹ, Anh và liên quân này sẽ còn phải ở lại Iraq lâu dài.


Việc Mỹ can thiệp vào Iraq là bước đi đầu tiên tiến tới khả năng xuất hiện các chiến dịch lớn chống IS. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là theo thỏa thuận đã ký giữa Iraq và Mỹ, các lực lượng vũ trang thuộc quân chính phủ Iraq bị cấm thâm nhập vào các khu vực của người Kurd ở miền Bắc, địa bàn hoạt động chính của IS. Đó là chưa kể đến việc khi bị tấn công ở Iraq, lực lượng IS sẽ chạy sang Syria, nơi chúng đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ và đã lập các căn cứ ở đó. Vì vậy, để diệt trừ IS tận gốc, ngoài việc quân chính phủ Iraq phải được phép vào khu vực của người Kurd ở miền Bắc, quân đội Syria và Iraq cần hợp lực với nhau, tham gia các chiến dịch chung để tạo ra một vòng vây khép kín đối với IS.


Cơ hội cho quan hệ Mỹ - Iran - Syria?


Mối đe dọa chung mang tên “Nhà nước Hồi giáo” được cho là có thể mở cánh cửa cho sự hợp tác giữa hai quốc gia thù địch Mỹ, Syria. Giới phân tích chính trị Syria đều cho rằng việc hai nước hợp tác là cần thiết để có thể tiêu diệt các tay súng IS.


Ngày 25/8, phía Syria tuyên bố sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ và Anh - hai nước ủng hộ phe nổi dậy lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày, Nhà Trắng tuyên bố sẽ không hợp tác với Syria để tiến hành tấn công phiến quân IS trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Tuyên bố này được đưa ra cùng thời điểm Washington bắt đầu tiến hành các cuộc do thám không phận Syria bằng máy bay không người lái để thu thập thông tin về IS.


Chính trị gia Maher Murhej, người đứng đầu Đảng Thanh niên Syria, cho rằng mối quan hệ hợp tác Mỹ - Syria, nếu có thể, chỉ tồn tại trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo. Ông Murhej cũng bày tỏ thái độ hoài nghi về những ý định của Mỹ khi cho rằng: "Điều mà họ đang cố gắng làm là đẩy các tay súng IS ra khỏi Iraq và dồn chúng sang Syria để sau đó họ có thể đưa ra một nghị quyết mở đường cho quốc tế can thiệp vào Syria".


Sự trùng hợp về lợi ích, đặc biệt liên quan đến chính quyền trung ương Iraq và khu tự trị của người Kurd, cũng buộc Washington và Tehran phải phối hợp hành động. Tuy nhiên, sự thiếu lòng tin lẫn nhau sẽ tiếp tục cản trở quá trình hợp tác này. Suốt quãng thời gian dài Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự ở Iraq, Iran và Mỹ đã tham gia "trò chơi" vừa hợp tác, vừa cạnh tranh phức tạp và kéo dài. Giờ đây, khi chính phủ tại Iraq - được cả Mỹ và Iran ủng hộ - phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ cuộc nổi dậy của người Sunni năm 2007, Tehran và Washington đã hợp lực để đối phó với mối đe dọa chung. Lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran đang tăng cường hiện diện tại Iraq, với việc tham gia trực tiếp hoạt động trên mặt đất hoặc hỗ trợ các lực lượng Iraq, trong khi đó, Mỹ chủ yếu tiến hành các chiến dịch không kích.


Tuy nhiên, do thiếu lòng tin, mức độ hợp tác trong việc chống lại lực lượng IS - đặc biệt trong các lĩnh vực quân sự và tình báo giữa Mỹ và Iran bị hạn chế rất nhiều. Không bên nào muốn để lộ vũ khí hoặc kế hoạch hành động cho bên kia khi hợp tác hỗ trợ Iraq.


Thực tế là IS “trưởng thành” nhanh chóng như vậy là nhờ sự hỗn loạn mà Mỹ, Phương Tây góp phần tạo ra ở Syria và Iraq. Sự nổi lên của IS đang đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực Trung Đông và Mỹ có thể sẽ sa chân vào một cuộc xung đột rất khó đoán trước khi tuyên chiến với lực lượng này.

 

Thái Nguyễn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN