Tuyên bố trên được đưa ra trong kết luận của Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ. Kết luận nêu rõ lãnh đạo 27 nước EU sẽ bàn để thống nhất về mục tiêu cắt giảm khí phát thải mới cho năm 2030, trong đó có tính đến hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, tính công bằng cũng như sự đoàn kết nội khối.
Theo cam kết trong Hiệp định khí hậu Paris, EU đặt mục tiêu sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, với lộ trình giảm 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức của năm 1990, EU sẽ khó có thể đạt được mong muốn đầy tham vọng này. Vì thế, Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của EU - đã đề xuất mục tiêu phải giảm ít nhất 55% lượng khí phát thải. Nghị viện châu Âu (EP) thậm chí còn đi xa hơn khi muốn giảm tới 60%.
Trong một lá thư chung đưa ra ngày 14/10, 11 quốc gia EU, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan, đã bày tỏ ủng hộ đối với việc cắt giảm ít nhất 55%. Nhưng một vài nước Đông Âu như Ba Lan, vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ than đá, lại phản đối và từ chối cam kết đưa mức phát thải ròng về 0.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis cũng nói rõ nước này không thể đạt được con số trên và EU cần tính tới phương án các nước phải bù trừ cho nhau thì mới đạt được mục tiêu chung của cả khối. Trong khi đó, Thủ tướng Bulgaria Boiko Borissov khẳng định mức cắt giảm 40% là ngưỡng tối đa mà nền kinh tế nước này có thể chịu được.
Nhiều khả năng, một số nước thành viên EU sẽ yêu cầu được nhận thêm tài trợ thông qua mô hình tạm gọi là “Quỹ chuyển tiếp châu Âu”.