Khác với các Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trước, hội nghị lần này tại cố đô phương Bắc của nước Nga - St. Petersburg - là một bức tranh lập thể, với những gam màu nóng và lạnh tạo nên những mảng sáng tối đan xen.
Vùng sáng
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu đã cải thiện song còn quá sớm để nói cuộc khủng hoảng đã kết thúc, đồng thời khuyến cáo việc thay đổi chính sách tiền tệ cần được thực hiện một cách thận trọng và có sự phối hợp rõ ràng. Từ đây, sau hai ngày làm việc, hội nghị đã ra Tuyên bố chung gồm 32 trang với 20 chương bao hàm toàn bộ các vấn đề được thảo luận tại G20 và Kế hoạch hành động St. Petersburg. Tuyên bố chung đề cập đến một loạt vấn đề tăng trưởng bền vững và cân bằng của nền kinh tế thế giới, tạo việc làm, đầu tư tài chính, hoàn thiện thể chế thương mại đa phương, giải quyết các vấn đề về thuế...
Lãnh đạo các nước trong nhóm G20 chụp ảnh chung bên lề hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kế hoạch hành động St. Petersburg đề cập tới việc đảm bảo tăng trưởng ổn định cũng như công ăn việc làm, kế hoạch đầu tư dài hạn, báo cáo về việc thực thi cải cách qui định tài chính, và thu thuế. Các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí đến năm 2016 sẽ từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, kinh tế thế giới cần một cuộc cải cách cơ cấu toàn diện với trọng tâm là đảm bảo tăng trưởng và phát triển dài hạn và đây chính là logic của Kế hoạch hành động St. Petersburg vì tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Ông Putin cho biết cơ sở của kế hoạch là chiến lược ngân sách cũng như cam kết của các nước thực thi cải cách cơ cấu.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil) đã thống nhất thành lập một quỹ dự trữ ngoại hối trị giá 100 tỷ USD để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng cán cân thanh khoản, song chưa thông qua cơ cấu hoạt động của quĩ này.
Khoảng tối
Đối lập với vùng sáng là một khoảng tối đã được dự báo trước giờ khai mạc. Chủ đề Syria đã phần nào phủ bóng đen lên hội nghị với lập trường của Nga (bên chủ hòa), kiên quyết phản đối sự can thiệp quân sự thô bạo vào cuộc khủng hoảng Syria với một bên còn lại là Mỹ, chủ chiến với lý do chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã vượt qua cái gọi là “ranh giới đỏ” mà chính Washington dựng lên.
Ông chủ Nhà Trắng Barack Obama vẫn phớt lờ sức ép từ những người đồng cấp khác yêu cầu từ bỏ chiến dịch không kích Syria, dẫn tới sự chia rẽ lớn trong hội nghị, và đã phần nào phủ bóng đen lên những nỗ lực nhằm khôi phục kinh tế toàn cầu. Washington vẫn một mực cho rằng quân chính phủ Damacus đã tiến hành một vụ tấn công bằng khí độc khiến hơn 1.400 người thiệt mạng tại ngoại ô thủ đô thượng tuần tháng 8 vừa qua. Bảo vệ cho kế hoạch gây tranh cãi này, Tổng thống Obama lấy các quy định quốc tế về chống vũ khí hóa học làm “bia đỡ đạn”.
Trong khi đó, ở phía bên kia của khoảng tối, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ giúp đỡ Syria trong trường hợp quốc gia Trung Đông này bị nước ngoài tấn công. Tổng thống Nga cũng nói: "Chúng tôi cung cấp cho Syria vũ khí, hợp tác trên lĩnh vực kinh tế" và Nga muốn tăng cường viện trợ nhân đạo cho quốc gia này.
Thông báo về cuộc hội đàm tay đôi kéo dài gần một giờ đồng hồ bên lề hội nghị, Tổng thống Putin cho biết hai bên đã có cuộc hội đàm dựa trên tinh thần xây dựng, chân thành và ý nghĩa, song đôi bên vẫn giữ nguyên quan điểm của riêng mình.
Đồng thuận - khác biệt
Thực tế, hội nghị G20 lần này đã diễn ra theo đúng kịch bản mà giới quan sát quốc tế dự đoán.
Sự đồng thuận mà các nhà lãnh đạo thế giới đạt được trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế toàn cầu là điều tất yếu vì thúc đẩy tăng trưởng là mục tiêu xương sống của G20 trong giai đoạn hậu “bão” tài chính 2007-2009, vốn được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước. Quy tụ những gương mặt “anh tài” của thế giới, đại diện cho nhóm nước phát triển và nhóm nước mới nổi, G20 nhận về mình trọng trách tiếp tục duy trì sự đồng thuận trong các chính sách, định hướng khôi phục kinh tế. Trong khi Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới – vẫn đang khá chật vật, đa phần các nước châu Âu bị cuốn vào vòng xoáy nợ công, thì các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil cùng một số quốc gia Đông Nam Á đã trở thành những điểm tựa cho nỗ lực thúc đẩy kinh tế chung phát triển dù bản thân những nước này cũng phải đối mặt với không ít vấn đề nội tại.
Kết luận ở đây là khi mái nhà chung bị lung lay, các thành viên trong mái nhà ấy phải cùng “chung lưng đấu cật” để chống đỡ. Và đây chính là gam màu nóng ấm trong bức tranh lập thể hội nghị G20 lần này.
Tuy nhiên, chương trình nghị sự nói chung của G20 chưa bao giờ chỉ gói gọn trong vấn đề kinh tế mà luôn bao gồm các nội dung quan trọng khác của thế giới. Lần này là cuộc khủng hoảng tại Syria với căng thẳng giữa phương Tây và Damacus được đẩy lên đỉnh điểm. Khi Washington cho rằng Damacus đã vượt qua cái gọi là “ranh giới đỏ” đòi hỏi cần có hành động cảnh báo thì Washington cũng đồng thời dựng lên một chiến tuyến trong cộng đồng quốc tế nói chung và trong G20 nói riêng. Gam màu lạnh tại St. Petersburg chính là đây.
Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay và phải đối diện với những thách thức chung, một cái bắt tay giữa các nước G20 là cần thiết hơn bao giờ hết, tạo nên động lực quan trọng thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Và đây là cơ sở để nhận định rằng dù còn nhiều khác biệt, song điểm nhấn tại hội nghị vừa kết thúc này vẫn là những cái được.
Phương Hồ