Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu tại cuộc họp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thông tin được phóng viên Điện Kremlin Alexander Yunashev đưa tin vào cùng ngày, phía Nga nhấn mạnh việc các nước châu Âu dỡ bỏ các hạn chế về năng lực tên lửa tầm xa cho Ukraine sẽ là một động thái nguy hiểm.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết quyết định như vậy sẽ đi ngược lại nguyện vọng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng biện pháp chính trị.
Trước đó, theo tờ The Kyiv Independent, ngày 26/5, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết các đối tác phương Tây không áp đặt bất kỳ hạn chế tầm bắn nào đối với các loại vũ khí được chuyển giao cho Ukraine để sử dụng chống lại các mục tiêu quân sự của Nga.
"Không còn bất kỳ hạn chế nào về phạm vi vũ khí được chuyển giao cho Ukraine nữa – cả từ Anh, Pháp và chúng tôi. Mỹ cũng không có hạn chế nào nữa", ông Merz phát biểu trong một diễn đàn do kênh WDR tổ chức.
"Điều này có nghĩa là Ukraine hiện có thể tự vệ, ví dụ, bằng cách tấn công các vị trí quân sự ở Nga", Thủ tướng Đức nói thêm. "Cho đến gần đây, họ không thể làm điều đó, và ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, họ cũng không làm như vậy".
Trước đây, Ukraine đã nhận được tên lửa tầm xa từ Mỹ, Anh và Pháp - bao gồm ATACMS, Storm Shadow và SCALP - nhưng ban đầu chỉ được phép triển khai để tấn công lực lượng quân sự Nga trên các “vùng lãnh thổ của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga”.
Chỉ đến cuối năm 2024, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden và các đồng minh châu Âu khác của Ukraine mới nới lỏng các hạn chế trên, cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa chống lại các mục tiêu quân sự của Nga ở các khu vực biên giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích quyết định nới lỏng các hạn chế của cựu Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh ông Trump đang theo đuổi một giải pháp đàm phán để đi đến thỏa thuận hòa bình giữa Moskva và Kiev.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Đức cũng cáo buộc rằng trong khi Ukraine sử dụng vũ khí để nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Nga thì Nga vẫn đang tiếp tục tấn công "các thành phố, trường mẫu giáo, bệnh viện và viện dưỡng lão" của Ukraine.
Trước khi trở thành Thủ tướng Đức, ông Merz đã từng phát đi tín hiệu rằng ông sẽ lật ngược lệnh cấm chuyển giao tên lửa hành trình Taurus của Đức dưới thời người tiền nhiệm Olaf Scholz. Taurus là loại tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 500 km. Tuy nhiên kể từ khi nhậm chức đến nay, ông vẫn chưa xác nhận liệu có ý định chuyển giao tên lửa này hay không.
Trong một động thái liên quan, cùng ngày 26/5, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Nga vẫn đang nghiêm túc xây dựng dự thảo đề xuất về thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn cho cuộc xung đột với Ukraine.
Trả lời báo giới, ông Peskov nhấn mạnh: “Đây là một dự thảo nghiêm túc, đòi hỏi quá trình kiểm tra và chuẩn bị kỹ lưỡng.”
Ông cũng nói rõ hiện chưa có dự thảo nào được chính thức đệ trình và tiến trình xây dựng thỏa thuận hòa bình sẽ dựa trên những thỏa thuận đạt được tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) với thỏa thuận trao đổi tù binh là bước đi đầu tiên.
Trong các thông báo đưa ra ngày 25/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này Ukraine đã hoàn tất cuộc ba cuộc trao đổi với 1.000 người mỗi bên, đánh dấu đợt trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi bùng nổ xung đột tháng 3/2022.
Việc trao đổi tù binh là kết quả của cuộc đàm phán giữa hai nước tại Istanbul hôm 16/5 vừa qua.
Trước đó hôm 23/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng sau khi nước này và Ukraine hoàn tất trao đổi tù binh, Moskva sẽ chuyển cho Kiev bản dự thảo, trong đó nêu rõ các điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình lâu dài.