Tính tới 6 giờ sáng 16/3, thế giới đã có 169.175 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 6.500 ca tử vong. 15/3 trở thành một trong những ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ đầu dịch bệnh với 667 người thiệt mạng. Tới nay, cũng đã có 76.618 người bệnh được điều trị thành công.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận hiện đã có 157 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19. Trong ngày 15/3, Uzbekistan, CH Congo, Seychelles và Guinea Xích đạo đã ghi nhận các ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Châu Âu nói chung và Italy nói riêng trở thành điểm dịch nóng nhất thế giới, ngoài Trung Quốc, khi chứng kiến số ca mắc bệnh và thiệt mạng tăng vọt.
Tại châu Âu, nhiều quốc gia đang oằn mình chống dịch, đặc biệt tại Italy. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, quốc gia Nam Âu này đang là tâm dịch của khu vực. Ngày 15/3 (rạng sáng 16/3 theo giờ Việt Nam), giới chức Italy thông báo nước này đã ghi nhận thêm 368 ca tử vong vì bệnh COVID-19. Như vậy, Italy đã có tổng cộng 24.747 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 1.809 người tử vong. Trong vòng 24h qua, Italy cũng đã xác nhận có thêm 3.590 ca nhiễm mới và có 2.335 trường hợp được chữa khỏi.
Tây Ban Nha cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nước này đã chứng kiến thêm 96 người tử vong trong vòng 1 ngày qua và 1.407 ca bệnh mới, nâng tổng số nạn nhân tử vong mà mắc bệnh lên lần lượt là 292 và 7.798 trường hợp. Đây là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai bởi dịch COVID-19, sau Italy.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày để đối phó với COVID-19, trong đó có biện pháp cấm mọi người rời khỏi nhà trừ trường hợp đi làm, khám chữa bệnh, mua thuốc hoặc mua nhu yếu phẩm.
Đức cũng lần lượt ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Đức ghi nhận thêm 2 ca tử vong, 1.214 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số lên 11 người thiệt mạng và 5.813 ca bệnh. Đức đã quyết định đóng cửa biên giới với 5 nước Áo, Pháp và Thụy Sĩ, Đan Mạch và Luxemburg trong nỗ lực hạn chế tình trạng lây nhiễm khi số ca lây nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và thủ hiến 4 bang của Đức đã điện đàm và nhất trí đóng cửa một phần biên giới bắt đầu từ 8h sáng ngày 16/3 theo giờ Đức. Các bên nhất trí siết chặt kiểm soát vùng biên giới và đưa trả lại các trường hợp ra ngoài biên giới Đức, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa vẫn đảm bảo lưu thông.
Hiện các trường học ở 16 bang của Đức đều đã đóng cửa, trong khi đa số các quán bar, nhà hàng, vũ trường và các cơ sở công đều đã bị đóng cửa. Tính đến 15h ngày 15/3 (theo giờ Đức), trên cả nước Đức đã ghi nhận 5.426 ca nhiễm SARS-CoV-2, với 11 ca tử vong.
Áo tuyên bố từ ngày 16/3 sẽ áp đặt hạn chế đi lại tại những nơi công cộng, đồng thời cấm tụ tập từ 5 người trở lên nhằm ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan tại quốc gia này.
Tại Thụy Sĩ, áp lực ngày một gia tăng lên hệ thống y tế trong bối cảnh số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng vọt lên 2.200. Trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được ghi nhận tại Thụy Sĩ đã tăng gần 1000 ca - mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào ngày 25/2.
Hy Lạp thông báo sẽ cấm các tuyến đường trên bộ, trên biển, và hàng không tới Albania và CH Bắc Macedonia, đồng thời cấm các chuyến bay tới và từ Tây Ban Nha nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Pháp thông báo sẽ giảm dần các chuyến đi dài bằng bằng tàu, xe buýt và máy bay trong những ngày tới để hạn chế sự lây lan của virus.
Ngày 15/3, nhà chức trách y tế Anh thông báo, trong 24h qua, số người nước này tử vong do virus SAR-CoV-2 đã tăng thêm 21 người, nâng tổng số trường hợp tử vong lên thành 35 người, trong khi số người được chẩn đoán nhiễm virus này tăng 20% lên 1.372 người. Trước đó cùng ngày Chính phủ Anh cho biết họ sẽ đẩy mạnh các biện pháp ứng phó với COVID-19, trong đó có việc cách ly người cao tuổi "trong những tuần tới".
Nhiều quốc gia châu Âu khác như Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển đều đã ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 vượt quá 1.000 người.
Tại châu Á, giới chức Iran ngày 15/3 thông báo thêm 113 ca tử vong do COVID-19 tại nước này trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 724 trường hợp. Đây cũng là số ca tử vong cao nhất trong một ngày tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Cũng trong thời gian này, Iran đã ghi nhận thêm 1.209 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 13.938 trường hợp. Nhà chức trách Iran đã khuyến cáo người dân nên hủy các chuyến đi và ở nhà cho đến khi tình hình cải thiện.
Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 15/3 thông báo đã ghi nhận thêm 20 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 10 ca tử vong tại Trung Quốc đại lục trong ngày 14/3. Đáng lưu ý 16 ca nhiễm mới liên quan tới người từ bên ngoài đến Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 24h sau đó, Trung Quốc không ghi nhận thêm ca tử vong nào vì dịch COVID-19.
Tại một điểm nóng dịch bệnh khác của châu Á, Hàn Quốc sáng 15/3 cũng thông báo ghi nhận thêm 76 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.162 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 3 ca lên 75 ca.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 15/3 đã tuyên bố thành phố Daegu ở khu vực Đông Nam và 3 vùng lân cận ở tỉnh Bắc Gyeongsang là những vùng thảm họa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố một khu vực nhất định là vùng thảm họa đặc biệt vì những lý do không liên quan đến thiên tai.
Trong khi đó, Malaysia và Thái Lan đều đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày. Cụ thể, Malaysia đã xác nhận thêm 190 ca nhiễm virus trong ngày 15/3, Tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã ghi nhận 428 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trở thành quốc gia có số ca mắc cao nhất tại Đông Nam Á. Thái Lan đã xác nhận thêm 32 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 114 trường hợp.
Chính phủ Malaysia đã yêu cầu hủy hoặc hoãn các cuộc hội họp quốc tế, các sự kiện thể thao, xã hội và tôn giáo cho tới sau tháng 4. Trong khi đó, kể ngày 15/3, thủ đô Manila của Philippines thực hiện biện pháp phong tỏa theo quyết định của chính quyền thành phố. Thời gian phong tỏa kéo dài 1 tháng.
Cùng ngày, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này đã ghi nhận thêm 13 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại nước này, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 51 người. Với trường hợp đầu tiên được công bố hôm 5/3, Nam Phi được xem là quốc gia có tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 nhanh nhất châu Phi.
Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 3.083 ca với 140 trường hợp nhiễm mới. Theo kết quả thăm dò độc lập được tờ The Hill đăng tải, có tới 51% người được hỏi bày tỏ không hài lòng với sự ứng phó dịch bệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước đã siết chặt biên giới, cấm tụ tập đông người, đóng cửa trường học và hoãn nhiều sự kiện để hạn chế sự lây lan của virus.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan sang quốc gia Trung Á này. Lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ 8h ngày 16/3 và kéo dài ít nhất tới 7h ngày 15/4.
Do lo ngại dịch bệnh, Syria đã quyết định hoãn tổ chức bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 13/4 tới sang ngày 20/5. Iran cũng đã quyết định lùi thời điểm tổ chức cuộc bầu cử vòng hai từ ngày 17/4 sang ngày 11/9 tới. Ban quản lý đền thờ Al-Aqsa và Mái vòm đá tại Jerusalem mà Israel gọi là Núi Đền, thông báo sẽ đóng cửa các địa điểm này cho đến khi có thông báo mới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh
Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố bất cứ ai đến nước này sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Quy định này có hiệu lực từ nửa đêm 15/3 theo giờ địa phương (20h ngày 15/3 theo giờ Việt Nam). Ngoài ra, Australia cũng cấm tất cả các tàu du lịch từ các cảng biển ở nước ngoài tới Australia trong vòng 30 ngày.