Theo kênh CNN (Mỹ), khi Shelby Law sinh con sớm 7 tuần hồi cuối tháng 3, cô và chồng tự do gặp em bé trong khoa chăm sóc tích cực sơ sinh của bệnh viện Northside Cherokee ở Camden, bang Geogia. Nhưng ba ngày sau, bệnh viện này thay đổi quy định, không cho ai vào các khoa chăm sóc đặc biệt do ngày càng lo ngại về dịch bệnh COVID-19.
Law kể: “Họ bảo chúng tôi không được thăm con trai Rory trong khoa chăm sóc tích cực sơ sinh nữa. Chúng tôi đành chào con và về nhà”.
Hai vợ chồng giờ ngắm con ngày hai lần qua FaceTime trên điện thoại khi có y tá gọi điện vào giờ cố định lúc con đang tắm hoặc ăn.
Law nói: “Chúng tôi yên tâm vì có FaceTime để nhìn con trai và chúng tôi hiểu tại sao lại có quy định đó, nhưng tôi phải thừa nhận là tôi đã khóc nhiều ngày liền”.
Các bệnh viện khắp nước Mỹ tiếp tục quá tải bệnh nhân COVID-19. Ở New York, giường bệnh xếp dọc hành lang, nhà xác quá tải, máy thở ngày càng thiếu.
Hậu quả là ngày càng nhiều bệnh viện cấm hoặc hạn chế người vào thăm, đặc biệt là các khoa chăm sóc trẻ sinh non hoặc bị ốm – những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương nếu nhiễm bệnh bên ngoài.
Dịch vụ trò chuyện qua video do đó đã trở thành kênh quan trọng cho nhiều gia đình để nhìn ngắm con từ xa.
Julianna Grogan, một bà mẹ ở thành phố New York mắc COVID-19 trước khi sinh con gái ngày 2/4, cho biết khi cô sinh con, chồng đã động viên cô qua điện thoại vì không được vào phòng.
Giờ khi đang hồi phục một bình trong bệnh viện sau sinh và để điều trị COVID-19, cô được y tá cho nhìn con qua điện thoại vào giờ nhất định trong ngày.
Mairead McKenna, vừa sinh con lúc 26 tuần, cho biết cô và chồng phải gặp con qua FaceTime nhưng cô cũng cảm thấy rất khó khăn vì không được nhìn trực tiếp. Cô được yêu cầu tạm thời tránh xa con vì đang có triệu chứng ốm dù không liên quan tới COVID-19.
Một số bệnh viện đã áp dụng quy trình chính thức hơn. Tại Bệnh viện Phụ nữ Prentice ở Trung tâm y khoa Northwestern, chỉ cho bố hoặc mẹ vào thăm con nằm tại khoa chăm sóc tích cực sơ sinh. Bệnh viện có ứng dụng tên là SmartNICU2Home để cha mẹ kiểm tra con từ xa.
Cha mẹ có thể nhận thông tin cập nhật trong ngày về sinh hiệu của con, như thông tin nhịp thở, cân nặng, thuốc uống. Ứng dụng cũng giúp họ tiếp cận các tính năng về sức khỏe tâm thần như cách giảm căng thẳng.
Giáo sư nhi khoa Craig Garfield ở trung tâm Northwestern nói: “Khi COVID-19 bắt đầu lây lan và bệnh viện bắt đầu không cho người vào thăm, chúng tôi nhận thấy đây là mối liên hệ cần thiết và quan trọng giữa cha mẹ và con mới sinh”.
Ứng dụng này ra mắt cách đây vài năm để dành cho một nhóm trẻ ốm yếu nhất tại khoa chăm sóc tích cực nhưng giờ đã cho các gia đình có em bé nằm trong khoa sử dụng.
Để người thân yêu trong bệnh viện một mình mà không thể vào thăm là điều khó khăn. Với các bậc cha mẹ, họ đặc biệt bị tổn thương vì có khi phải chờ hàng tháng mới được đóng vai trò bố mẹ.
Trong khi đó, một số bệnh viện đã có hệ thống trò chuyện qua video chuẩn hóa. Chương trình FamilyLink của Trường Y khoa Davids thuộc Đại học California ra mắt năm 2014 cho phép bố mẹ có con mới sinh cần nằm viện lâu dài trong viện có thể về nhà để chăm sóc những đứa con khác hoặc trở lại làm việc.
Tương tác từ xa với trẻ sơ sinh dường như không tình cảm nhưng Tiến sĩ Kristin Hoffman tại Trường Y khoa Davids cho biết nghiên cứu cho thấy cha mẹ vẫn có thể gắn kết với trẻ theo cách này, đặc biệt là liên quan tới việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ sau này. Bà Hoffman nói: “Từ nghiên cứu trước đó, chúng tôi biết gia đình sử dụng FamilyLink có thể duy trì ý định nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ như thuốc, đặc biệt với trẻ nhỏ và vì thế, phát hiện này rất thú vị”.
Mặc dù gắn kết với trẻ nhỏ từ xa không phải là điều mà nhiều cha mẹ muốn và nghĩ tới nhưng với nhiều người, đó dần trở thành điều bình thường.