Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo có tựa đề "Downward Spiral" ("Vòng xoáy đi xuống") được Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) công bố ngày 21/9.
Bản báo cáo được thực hiện dựa trên các đánh giá và khảo sát tại 14 quốc gia chịu ảnh hưởng do xung đột, trong đó có Afghanistan, Iraq, Libya, Mali, Somalia và Yemen. NRC cho biết gần 75% trong số 1.413 người được khảo sát cho biết điều kiện sống của họ trở nên tồi tệ kể từ khi đại dịch bùng phát. Cụ thể, 70% người được hỏi chia sẻ khẩu phần ăn hằng ngày bị giảm, 77% mất việc làm hoặc thu nhập, trong khi 73% cho biết không đủ điều kiện cho con tiếp tục đến trường.
Theo ông Jan Egeland, Tổng Thư ký NRC, những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang rơi vào "vòng xoáy nguy hiểm" do các tác động của đại dịch. Không những phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn tình trạng bạo lực và bị hạn chế về quyền lao động hoặc tiếp cận các dịch vụ của chính phủ, tình trạng của nhóm đối tượng trên càng tồi tệ hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đẩy họ đến bờ vực "thảm họa".
Ngay cả trước khi dịch COVID-19 ập đến, Liên hợp quốc đã quan ngại về nạn đói đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Theo Báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu 2020, cứ 9 người lại có 1 người trên thế giới bị thiếu ăn hoặc hoặc thiếu dinh dưỡng; trong khi cứ 3 người lại có 1 người bị thừa cân hoặc béo phì. Gần 25% số trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu có thể trạng còi cọc.
Ông Philip Alston, cựu đặc phái viên của Liên hợp quốc về vấn đề nghèo đói cùng cực và nhân quyền, từng cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ đẩy hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói, đồng thời làm gia tăng số người có nguy cơ bị thiếu lương thực trầm trọng thêm hơn 250 triệu người.
Theo ông Alston, ngay các trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã lãng phí một thập kỷ trong cuộc chiến chống đói nghèo khi đạt được những "chiến thắng không đúng chỗ", gây cản trở cho những cải cách vốn lẽ ra đã có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất do dịch bệnh nguy hiểm này.