Cựu chuyên gia quân sự Liên Xô:“Việt Nam là dân tộc không thể bị khuất phục”

Nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2012), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại LB Nga đã có cuộc phỏng vấn ông Anatoli Pozdeev, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt, Thiếu tướng, nguyên là chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam những năm 1970 - 1971. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt, Anatoli Pozdeev.


- Những năm 1970 - 1971, cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam diễn ra ác liệt. Xin ông cho biết cảm nhận của bản thân khi nhận nhiệm vụ sang công tác tại Việt Nam trong thời gian này.

- Những năm 1960 - 1970, ở Việt Nam diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Việt Nam và Liên Xô là anh em, đồng chí. Khi đó, chính phủ Liên Xô đã cử chuyên gia quân sự sang giúp đỡ Việt Nam. Nhiều bạn bè của tôi đã được cử đi Việt Nam và tôi cũng như họ. Tháng 3/1970, nhóm chúng tôi gồm 22 người bay tới Việt Nam trên chiếc máy bay IL.18. Chúng tôi bay qua Taskent, Karachi, Calcutta, tới Hà Nội. Lần đầu tiên tôi xa Tổ quốc tới một đất nước xa xôi. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: Liệu mình có còn được nhìn thấy Tổ quốc mình nữa không!? Điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước, chúng tôi chưa hình dung được, nhưng chỉ biết rằng cuộc sống là phức tạp, là đa dạng, đặc biệt là trong chiến tranh. Chiến tranh theo cách của mình, sẽ mang đến cho chúng tôi những điều bất ngờ và những điều ngạc nhiên.

Trong cuộc sống có những điều kỳ lạ, số phận của con người gắn liền với nhau một cách lạ lùng. Bố vợ tôi - chỉ huy một tiểu đoàn phòng không đóng ở thành phố Reutov, tỉnh Mátxcơva. Từ đây ông đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Tây Ban Nha chống thực dân Pháp và đã hy sinh năm 1937 khi bảo vệ bầu trời Mađrít. Và năm 1970, tôi cũng từ Reutov, nơi tôi đang sống cùng gia đình mình, tới đất nước Việt Nam xa xôi mà tôi còn chưa biết gì nhiều. Khi tiễn tôi, mẹ vợ đáng kính của tôi nói: - Rõ ràng, số phận của gia đình chúng ta thật đặc biệt. Đã đến lượt của con đi giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Con hãy yên tâm mà đi, đừng lo gì về gia đình cả. Mọi việc sẽ ổn cả thôi.

Cảm xúc của tôi khi đó là như vậy. Sáng 24/3/1970, chúng tôi đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Và bắt đầu một nhiệm vụ mới.

- Một năm công tác ở Việt Nam, ông có nhận xét gì về đất nước, con người, về bộ đội Việt Nam trong chiến tranh?

- Tôi được cử sang Việt Nam với vai trò Phó Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, phụ trách công tác chính trị. Về lĩnh vực này tôi có ít nhiều kinh nghiệm. Trong thời bình, mọi việc đều rõ ràng và dễ hiểu. Nhưng trong thời chiến, con người cần ứng xử như thế nào? Cảm nhận được tâm trạng của mọi người, nâng cao và ủng hộ tinh thần đạo đức, hướng con người vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu vô điều kiện - tiêu diệt các máy bay của kẻ xâm lược - đây là việc hoàn toàn khác. Tôi đã tham gia vào quá trình giảng dạy cho bộ đội Việt Nam trong lĩnh vực chính trị - tư tưởng, để giúp họ nhanh chóng nắm bắt những bài học kỹ thuật sử dụng tên lửa, phục vụ nhiệm vụ chiến đấu. Bộ đội Việt Nam là những con người tuyệt vời. Họ chịu khó học tập, chăm chú lắng nghe, thảo luận sôi nổi và không ngại hỏi những gì còn thắc mắc, chưa hiểu. Kết quả học tập của họ được thể hiện qua những thành tích cao trong chiến đấu chống lại kẻ địch trên trời. Họ là những người thông minh, khéo léo. Vận dụng những điều đã học vào thực tiễn chiến đấu, mỗi quả tên lửa được họ phóng đi là trúng mục tiêu. Trong cuộc chiến tranh phá hoại, hàng ngàn máy bay Mỹ đã bị bắn rơi. Chúng tôi tự hào là đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bộ đội phòng không - không quân Việt Nam, không chỉ giúp họ nắm bắt kỹ thuật chiến đấu, mà còn củng cố niềm tin vào chiến thắng bọn xâm lược.

Tác giả (trái) và ông Anatoli Pozdeev.

Tôi muốn nói thêm một điều: Bộ đội và sĩ quan Việt Nam rất lạc quan, yêu đời, và ham hiểu biết. Họ thích nói chuyện với chúng tôi, nghe những câu chuyện kể của chúng tôi về cuộc sống của nhân dân Liên Xô, về các công trình vĩ đại, về Mátxcơva, về những thành tựu trong ngành vũ trụ. Họ tham gia các buổi sinh hoạt văn nghệ, hát những bài hát tiếng Nga và tiếng Việt, ngâm những bài thơ của những nhà thơ yêu thích, chẳng hạn như bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Simonov “Đợi anh về”. Sau khi kết thúc buổi sinh hoạt văn nghệ, họ lại đứng dậy và đồng thanh hô: “Hữu nghị! Hữu nghị!”.

Còn người dân Việt Nam thì rất cần cù, chịu khó, yêu lao động và lạc quan. Họ tổ chức cuộc sống thời chiến một cách hợp lý. Vừa lao động, vừa chiến đấu trên từng vị trí của mình. Tham gia cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược không chỉ có những người lính, mà cả những trẻ em, ông già, phụ nữ - những người dân thường. Trên thực tế, ở đây cuộc chiến đấu mang tính toàn dân.

- Ông ấn tượng nhất với điều gì trong thời gian công tác ở Việt Nam?

- Ấn tượng nhất ư? Có nhiều ấn tượng, nhưng có một ấn tượng tôi không thể quên liên quan tới trẻ em, học sinh. Tôi là giáo viên và tôi đã bị chinh phục bởi bài giảng của một cô giáo, khi chúng tôi có dịp tham dự một tiết học ở một trường học trong thời chiến. Cô giáo đang dạy học trò làm phép toán: 2 + 2 =. Chợt máy bay Mỹ xuất hiện trên bầu trời. Chỉ vào 2 máy bay đang bay và những chiếc khác tiếp tục bay tới, cô giáo nói các em học sinh cộng xem có tất cả bao nhiêu máy bay Mỹ xuất hiện trên bầu trời. Ôi một phương pháp sinh động tôi chưa từng gặp! Tôi ấn tượng không thể nào quên! Bài giảng của cô giáo ấy đã chứng tỏ sự bất khuất, kiên cường, dũng cảm, không thể bị khuất phục của nhân dân Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà cây tre của Việt Nam tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất này. Đây là cốt cách dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đây là lý do giải thích tại sao Mỹ không thể khuất phục được nhân dân Việt Nam.

Một ấn tượng nữa là tôi có may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Lúc đó ông còn trẻ và tôi cũng là một sĩ quan trẻ. Và sau này, sau hơn 30 năm trở lại thăm Việt Nam, tôi lại có cơ hội được tới thăm Đại tướng tại tư dinh, được chụp ảnh kỷ niệm với ông. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn rất anh minh, sáng suốt. Ông thăm hỏi chúng tôi nhiều chuyện.

- Ông suy nghĩ thế nào về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và cuộc chiến tranh lâu dài chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam? Có điều gì chung giữa hai cuộc chiến tranh này?

-Tất cả các thành viên gia đình tôi đều tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1940 - 1945). Năm 1941, cha và cả 5 người anh của tôi cùng ra mặt trận. Cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng tôi và cuộc chiến tranh của các bạn đều là những cuộc chiến tranh vĩ đại, những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Giữa hai cuộc chiến có điểm chung là mục tiêu thống nhất đất nước. Bọn Đức đã tấn công tới gần Mátxcơva, nhưng rồi chúng bị đẩy lùi và gánh chịu thất bại. Kết thúc là Hồng quân Liên Xô đã chiếm được Béclin, phát xít Đức phải đầu hàng vô điều kiện. Những kẻ xâm lược Mỹ đến Việt Nam. Chúng gây chiến và muốn khuất phục dân tộc Việt Nam. Nhưng chúng không thể chiến thắng một dân tộc đoàn kết chặt chẽ.


- Sau chiến tranh, ông đã nhiều lần trở lại Việt Nam. Ông có nhận xét gì về nước Việt Nam đang đổi mới?

- Trở lại Việt Nam sau gần 35 năm, tôi rất ấn tượng về công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước của các bạn. Tôi thấy những thay đổi lớn lao ở đất nước các bạn cả trong lĩnh vực kinh tế, trong xây dựng và trong cuộc sống của nhân dân Việt Nam. Tôi nhớ thời kỳ chiến tranh, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn, thậm chí không có gì để ăn. Ngay bộ đội cũng chỉ được phân phối một lượng lương thực thực phẩm nhất định. Nhưng hiện nay, tôi thấy ở những nơi chúng tôi đến: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hạ Long, tràn ngập hàng hóa trong các cửa hàng. Tôi và bạn bè đã ở Hạ Long một số ngày. Đi thăm một số nơi chúng tôi thấy thành phố rất đẹp và cuộc sống của người dân rất tốt.Từ Hà Nội tới Hạ Long hai bên đường mọc lên nhiều khách sạn.

- Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và LB Nga?

- Giữa hai nước có mối quan hệ rất tốt đẹp, đã vượt qua thử thách của thời gian. Trước đây, Liên Xô không chỉ giúp đỡ Việt Nam, mà còn giúp nhiều nước khác nữa và các bạn là những người bạn thủy chung. Chúng tôi rất trân trọng tình cảm này. Tôi nghĩ, bây giờ cần nâng mối quan hệ này lên một tầm cao mới!
- Xin cám ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn và chúc ông còn nhiều cơ hội trở lại thăm Việt Nam.

Cường Dũng (P/v TTXVN tại LB Nga, thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN