Trên tài khoản Twitter cá nhân, người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba nhận định đây là hành động mang tính chuyên quyền nữa của Mỹ nhằm siết chặt thêm cuộc bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính từ hơn nửa thế kỷ qua chống lại đảo quốc Caribe. Trước đó, Washington nhấn mạnh quyết định mở rộng danh sách trừng phạt này xuất phát từ việc Mỹ cho rằng cuộc trưng cầu ý dân thông qua Hiến pháp mới của Cuba ngày 24/2 vừa qua là "không dân chủ", cũng như việc lực lượng an ninh Cuba "trợ giúp" cho Chính phủ Venezuela của Tổng thống Nicolás Maduro.
Danh sách trên được Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành lần đầu vào tháng 11/2017 và mở rộng 1 năm sau đó. Hiện tại, trước lần mở rộng sắp tới, danh sách này đang bao gồm 205 doanh nghiệp và chi nhánh liên quan tới an ninh, quốc phòng của Cuba, từ Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng, Lực lượng Cảnh sát cách mạng quốc gia, cho tới Đặc khu phát triển Mariel hay hải cảng La Habana. Danh sách trừng phạt thường xuyên được Washington cập nhật và chủ yếu nhắm vào các khách sạn cùng cơ sở du lịch của Cuba.
Quyết định này là bước đi leo thang căng thẳng mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Cuba sau khi hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ lần đầu tiên áp dụng một phần Đề mục III của Luật Helms-Burton, qua đó cho phép các công dân Cuba có tài sản bị chính quyền cách mạng quốc hữu hóa, sau khi nhập quốc tịch Mỹ, được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ đòi các doanh nghiệp, của Cuba hay nước ngoài, bồi thường nếu sử dụng các tài sản bị tịch biên đó qua những thỏa thuận với Chính phủ Cuba.
Luật Helms-Burton, được Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký ban hành năm 1996, đã trở thành một trong những nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận kinh tế - tài chính - thương mại của Mỹ chống Cuba.