Chính phủ Thái và phe biểu tình cùng đưa ý tưởng cải cách chính trị

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 13/12, Thư ký văn phòng Thủ tướng Thái Lan Thongthong Chandrangsu cho biết sẽ có khoảng 100 người được mời tham dự diễn đàn cải cách chính trị do chính phủ nước này tổ chức.

Những người biểu tình phá hàng rào bên ngoài tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok ngày 12/12. Ảnh: THX-TTXVN


Ông Thongthong là người được Thủ tướng Yingluck Shinawatra giao nhiệm vụ tổ chức diễn đàn. Theo ông, khách mời tham dự sẽ bao gồm đại diện của cả khu vực công và tư, trong đó có bí thư thường trực của các bộ, giới truyền thông, các đảng phái chính trị, hiệu trưởng các trường đại học, các thượng nghị sĩ, Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) của người biểu tình chống chính phủ, Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) của người "Áo đỏ" và 7 hiệp hội kinh doanh. Ông Thongthong bày tỏ hy vọng diễn đàn sẽ giúp vạch ra một lộ trình cho Thái Lan trước thềm Năm mới để tiến tới cuộc bầu cử vào tháng 2/2014.

Dự kiến diễn đàn này được tổ chức vào 15/12 tới, sẽ tiến tới thành lập một ủy ban cải cách chính trị gồm từ 400 đến 1.000 người, và sau khi ủy ban này được thành lập bà Yingluck có thể sẽ rời nhiệm sở để cấp phó của bà là ông Phongthep Thepkanchana tiếp quản vị trí thủ tướng tạm quyền.

Những người biểu tình chống chính phủ thông báo sẽ cử 2 đại diện tham dự diễn đàn là cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Sathit Wongnongtoey và người phát ngôn của phong trào biểu tình Ekkanat Promphan. 

Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban cho biết DPRC sẽ tổ chức một diễn đàn riêng vào ngày 14/12. Ông Suthep cũng công bố kế hoạch thành lập một "Hội đồng nhân dân" gồm 400 thành viên, trong đó có 300 thành viên được bầu chọn từ tất cả các ngành nghề và 100 thành viên được những người biểu tình chỉ định. Những thành viên của hội đồng này đều không phải là chính trị gia và sau khi hoàn thành nhiệm vụ họ cũng sẽ không được tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm.

Ông Suthep cho rằng hội đồng trên sẽ giúp đưa ra những biện pháp cải cách cho Thái Lan trước khi có thể tổ chức một cuộc bầu cử mới. Trong thời gian thực hiện cải cách, Thái Lan cần có một thủ tướng được chỉ định và bà Yingluck cũng như toàn bộ nội các của bà phải từ chức để mở đường cho việc thực hiện tiến trình này.

Dự kiến tiến trình mà ông Suthep đưa ra sẽ kéo dài hơn một năm, đến tháng 5/2015 thì tiến hành tổng tuyển cử.
Ông Suthep trình bày ý tưởng trên trong cuộc gặp đại diện của 7 hiệp hội kinh doanh tư nhân của Thái Lan và cho biết sẽ trình bày kế hoạch này tại diễn đàn do quân đội tổ chức vào ngày mai (14/12).

Theo quan điểm của Chính phủ Thái Lan, "Hội đồng nhân dân" do ông Suthep đề xướng được coi như một hội đồng lập pháp và điều này không thể thực hiện được trong khuôn khổ hiến pháp hiện nay. Bà Yingluck nhắc lại rằng sắc lệnh của Hoàng gia về việc giải tán quốc hội đã quy định một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức vào 2/2/2014.

Cùng ngày 13/12, Chủ tịch đảng Puea Thai (Vì nước Thái) Charupong Ruangsuwan đã đưa ra đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân, trong trường hợp cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào đầu tháng 2/2014 không thể diễn ra.

Ông Charupong cho biết nếu đảng Dân chủ đối lập tẩy chay bầu cử, mục tiêu tiến hành bầu cử sẽ không còn, và như vậy Thái Lan cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc nhằm tìm lối thoát cho những bế tắc chính trị. Theo ông Charupong, đảng Puea Thai đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử và dự kiến vẫn tiến cử Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra làm đại diện tranh cử. 

Chủ tịch đảng Puea Thai cũng kêu gọi đảng Dân chủ tham gia bầu cử và trao quyền quyết định tương lai chính trị của Thái Lan cho cử tri.

Dự kiến, đảng Dân chủ tổ chức đại hội trong những ngày tới để thảo luận về việc có tham dự cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2/2014 hay không. Tại đại hội này, đảng Dân chủ cũng sẽ bầu lại ban lãnh đạo và đưa ra ý tưởng về tiến trình cải cách đất nước.


TTXVN/Tin Tức


Thủ lĩnh biểu tình Thái Lan đề ra thời hạn cải cách
Thủ lĩnh biểu tình Thái Lan đề ra thời hạn cải cách

Thủ lĩnh phong trào biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban tuyên bố Thủ tướng Yingluck Shinawatra nên chủ động từ chức, nếu không sẽ bị ép phải từ chức và sau đó phong trào của ông sẽ cần khoảng 1 năm để thông qua các cải cách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN