Các bạn Lào nhớ về Tết Việt

Việt Nam và Lào là hai dân tộc đã gắn bó với nhau suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, lại có tình cảm đặc biệt keo sơn nên sự giao lưu văn hóa càng rộng mở. Qua mỗi cái Tết ở nước bạn, phóng viên TTXVN thường trú tại Lào lại có thêm những câu chuyện về tình cảm đặc biệt Việt - Lào để kể.

 

Nhắc đến tình cảm của người Lào đối với Tết Việt Nam, không thể không nói đến kỷ niệm khó quên vào chiều 27/12/2013. Chiều hôm đó, Quốc hội Lào chuẩn bị phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, khóa VII để thông qua những vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi đến làm tin như bình thường thì Phó Thủ tướng Somsavat vẫy vào hội trường và hỏi: “Tết này em có về Việt Nam không?”. Tôi báo cáo với Phó Thủ tướng là: TTXVN phải làm việc cả trong những ngày Tết, nên phải ở lại trực. Phó Thủ tướng nói: “Ngày Tết Việt Nam là ngày đoàn tụ, rất thiêng liêng, làm gì, ở đâu cũng về đoàn tụ, trừ trường hợp đặc biệt”.

 

Phó Thủ tướng Thongloun Sisoulith (áo xanh) dự cuộc thi “Mâm cỗ Tết” do bà con người Việt tổ chức.


Nói đến Tết Việt Nam, các đại biểu Quốc hội ngồi hàng đầu như Thượng tướng Deuangchay Phichit, Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bounpon Buttanavong, Ủy viên BCT, Chánh văn phòng Trung ương; Bounthong Chitmani, Ủy viên BCT, Trưởng Ban kiểm tra Trung ương đều góp vui rất sôi nổi. Tôi rất xúc động vì không ngờ trong không khí trang nghiêm, Quốc hội chuẩn bị nghe thông báo kết quả kỳ họp mà câu chuyện Tết Việt Nam vẫn được các nhà lãnh đạo Lào quan tâm. Điều đó chứng tỏ họ có tình cảm sâu nặng với Việt Nam và đặc biệt là ngày Tết cổ truyền dân tộc.


Về kỷ niệm Tết Việt Nam, anh Kikeo Khaykhamphithoun, Ủy viên TW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào cho biết, năm nào anh cũng được mời lên Sứ quán ăn Tết, các bạn bè thân Việt Nam cũng như các học sinh Lào đã từng học tại Việt Nam thường tổ chức gặp gỡ mừng Xuân Việt Nam. Anh nói vui, thế hệ của các anh là “thế hệ 21 kg”, để nhắc lại những ngày nhân dân Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, đời sống nhân dân miền Bắc khó khăn, cơm chưa đủ no, áo không đủ ấm, nhưng cái gì thuận lợi cũng dành cho học sinh Lào.

 

Ngày mồng 1 Tết, cộng đồng người Việt và Lào lên chùa Phật tích làm lễ, hái lộc.

Mỗi tháng học sinh Lào được cấp 18 kg gạo, hiểu được người Lào thích ăn nếp, Đảng và Chính phủ Việt Nam cấp thêm cho học sinh Lào mỗi tháng thêm 3 cân nếp nữa là 21 kg. Chúng tôi quen gọi “thế hệ 21 kg” cũng xuất phát từ đó, để bày tỏ lòng biết ơn mãi mãi với Việt Nam. Đã qua nhiều năm nhưng hình ảnh của Việt Nam, đặc biệt là những nét đẹp của Tết Việt Nam, học sinh Lào cũng đi chúc Tết thầy, cô Việt Nam và những người nuôi dưỡng mình và cũng lại được những lời chúc tốt đẹp nhất, là những kỷ niệm đẹp, không bao giờ quên.


Bây giờ trở về quê hương, rất nhiều người trong số học sinh Lào học ở Việt Nam đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền Trung ương và nhiều địa phương nhưng họ vẫn không thể quên sự cưu mang đùm bọc của nhân dân Việt Nam và cũng như những mùa Xuân Việt Nam.
Anh Buangeun Sapuovong, Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa Lào luôn nhắc đến Tết Việt Nam với tình cảm đầm ấm. Anh nói: “Người dân Việt Nam luôn dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới. Chiều 30 Tết có bữa cơm đoàn tụ rất đặc biệt là nét văn hóa đẹp”.

 

Hoa mai rừng phục vụ Tết Việt.


Điều bất ngờ đối với chúng tôi là anh không những nhớ sâu sắc về Tết Việt mà anh còn đọc thơ và hát rất hay về mùa Xuân Việt Nam. Đặc biệt với Bác Hồ kính yêu, anh luôn nhớ lời thơ chúc Tết của Bác và đó cũng là sợi chỉ đỏ giúp anh sáng tác rất hay những bài về Bác. Ở Lào, giờ đây trong những lúc liên hoan mừng Xuân Việt, ca khúc “Hồ Chí Minh sống mãi muôn đời” do anh sáng tác đã trở thành ca khúc quen thuộc của nhiều người.


Ngày Tết ở Lào, bà con trong cộng đồng vẫn giữ được nét đẹp cội nguồn, ngoài ra còn tổ chức thi mâm cỗ Tết truyền thống. Mặc dầu bận nhiều công việc nhưng khi được mời, lãnh đạo cao cấp của Lào cũng đến tham dự. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith, một lần đến dự đã bày tỏ xúc động khi được nhìn mâm cỗ Tết đầy đủ hương vị như: bánh chưng, thịt đông, dưa hành, xôi vò gấc, nem rán, thịt gà luộc, canh măng hầm móng giò, xào thập cẩm do tự tay bà con làm. Phó Thủ tướng cho rằng đây là nét đẹp của văn hóa Việt và khuyên bà con nên giữ gìn bản sắc dân tộc.


Để Tết Việt thêm sắc Xuân, dọc tuyến đường lên khu du lịch Thangon có rất nhiều chợ bán mai và đào rừng cho cộng đồng Lào - Việt ở đây và một phần chuyển về Việt Nam phục vụ Tết. Ngoài ra trên đại lộ Kaysone Phomvihane và Souphanouvong ở Viêng Chăn cũng có nhiều địa điểm bán quất do Việt Nam chuyển sang, làm cho Tết Việt Nam trên đất Lào càng gần gũi, ấm áp.


Do có quan hệ gần gũi, có nhiều người lấy vợ (hoặc chồng) người Việt nên trong nhiều gia đình người Lào cũng cúng ông Công, ông Táo như ở Việt Nam. Trong chiều 23 Tết, nhiều người Lào đã lên nghĩa trang cây số 9 của Việt kiều để viếng những người đã khuất. Nhưng có lẽ vui nhất là sáng mồng một Tết tại chùa Bang Long, chùa Phật tích, nhiều bạn Lào, kể cả thanh niên đã đến chùa để niệm phật, hái lộc đầu năm.


Anh Pualen Phengprom làm việc tại Đài Phát thanh Quốc gia Lào cho biết, vợ chồng anh đã học ở Việt Nam từ nhỏ nên khắc sâu phong tục tập quán đẹp của Việt Nam, đặc biệt là phong tục ngày Tết, nên Tết nào anh và gia đình đều lên chùa làm lễ, hái lộc đầu xuân, rồi về đi làm.


Cũng như ở quê nhà thời điểm này, nhiều ngả đường, con phố của thủ đô Viêng Chăn đã rộn ràng không khí ấm áp của ngày Tết cổ truyền. Tại dãy quán của người Việt trên đường Naxay, bên cạnh người Việt cũng có nhiều bạn Lào đang mua lễ chuẩn bị cho ngày Tết.


Tại các nhà hàng, bà con người Lào cũng gói các loại bánh chưng và bánh tét đáp ứng sở thích và nhu cầu Tết của cộng đồng người Việt Nam và một số người Lào. Chị Khamphoung, chủ nhà hàng bánh chưng tâm sự: Tết Việt đã khắc sâu trong tim người Lào, đặc biệt bánh chưng là món không thể thiếu trong những ngày Tết Việt. Bánh chưng ngon, người Lào thích ăn nếp nên họ mua rất nhiều.


Không khí Tết Việt đã về trên đất Lào. Người Việt thì háo hức, chờ đợi, còn người Lào có dịp hòa chung niềm vui, ôn lại kỷ niệm khó phai mờ.


Bài và ảnh:Hoàng Chương(P/v TTXVN tại Lào)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN