Trung tướng cảnh sát Keerop Kritteeranont, Tổng thư ký Văn phòng Thanh tra Quốc hội, cho biết 17 đơn khiếu nại đã được đệ trình phản đối nghị quyết của Quốc hội bác bỏ việc tái đề cử ông Pita làm thủ tướng và tuyên bố đó là hành vi vi phạm quyền hiến định của họ. Theo ông Keerop, các khiếu nại đến từ cả các thành viên của công chúng và các thành viên của quốc hội. Một số đơn khiếu nại đề nghị Tòa án Hiến pháp hoãn cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng tiếp theo dự kiến vào ngày 27/7 trong khi chờ phán quyết của tòa án. Theo đó, Thanh tra Quốc hội đã đề nghị Tòa án Hiến pháp ra lệnh cho Quốc hội hoãn cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng trong khi chờ phán quyết để ngăn chặn mọi thiệt hại khó khắc phục trong tương lai.
Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký đảng MFP Chaithawat Tulanon xác nhận đảng MFP đã kiến nghị Thanh tra Quốc hội đề nghị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết liệu ông Pita có thể được tái đề cử hay không.
Trong cuộc họp ngày 19/7 về việc bầu chọn thủ tướng mới, Quốc hội đã bác bỏ việc tái đề cử ông Pita làm thủ tướng theo đa số phiếu, với lý do điều này trái với quy định 41 về hoạt động nghị viện, theo đó cấm đệ trình lại một kiến nghị đã bị bác bỏ trong cùng một phiên họp. Ông Pita là ứng cử viên duy nhất được đề cử trong cuộc họp chung của Hạ viện và Thượng viện để bầu thủ tướng mới ngày 13/7, nhưng ông đã không giành được đủ số phiếu ủng hộ cần thiết để đắc cử.
Cuộc bỏ phiếu chiều 19/7 huỷ bỏ việc tái đề cử ông Pita diễn ra sau khi ứng cử viên của đảng giành nhiều ghế Hạ viện nhất này đã phải rời khỏi phòng họp Quốc hội vì bị Toà án Hiến pháp đình chỉ tư cách nghị sĩ do liên quan đến cáo buộc ông sở hữu cổ phần của công ty truyền thông khi đăng ký tranh cử Hạ viện, vi phạm Hiến pháp.
Tuy nhiên, Hiến pháp Thái Lan cũng quy định rõ một ứng cử viên thủ tướng không nhất thiết phải là nghị sĩ và một ứng cử viên thủ tướng có thể được tái đề cử.
Cùng ngày 24/7, có 115 giảng viên luật từ 19 trường đại học ở Thái Lan đã bày tỏ phản đối việc Quốc hội thông qua nghị quyết vào ngày 19/7 ngăn chặn việc ông Pita được tái đề cử.