Khi đang trên đường trở về nhà bố mẹ sau buổi tiệc đêm với bạn bè, xe của Hilliard, 19 tuổi, bị sa xuống hào sâu và chết máy. Chỉ mặc một chiếc áo khoác, đeo găng tay và đi ủng, cô bước ra khỏi xe trong cái lạnh âm 30 độ C của trời đêm để tìm bạn giúp đỡ.
Bất thình lình, cô vấp ngã và bất tỉnh. Trong 6 giờ liên tục, cơ thể của Hilliard nằm giữa giá lạnh và mất đi hơi ấm. Cô bị "đóng băng", theo lời kể của một số nhân chứng.
Nhiều năm sau, trên sóng Đài phát thanh công cộng Minnesota, ông Nelson vẫn không giấu được nỗi choáng ngợp khi kể lại về sự việc năm đó: “Tôi túm lấy cổ áo và kéo lê cô ấy vào hiên nhà. Tôi tưởng cô ấy đã chết. Lạnh cứng hơn cả một tấm ván, nhưng tôi thấy vài bong bóng bay ra từ mũi cô ấy”.
Người Hilliard cứng đến mức Nelson và bạn của ông không thể đưa cô vào trong xe bán tải. Họ buộc phải đi xe khác lớn hơn. Hai người cẩn thận đưa Hillard vào xe và chở cô đến bệnh viện gần nhất. Bệnh viện nằm ở Fosston, cách nhà Nelson khoảng 10 phút lái xe. Các bác sĩ ban đầu nhìn thấy tình trạng của Hilliard đều không tin rằng cô có cơ hội sống sót. Da của Hilliard đông cứng đến mức họ không thể cắm mũi kim tiêm xuyên qua.
Nếu không có phản ứng kịp thời của Nelson, Hilliard có thể đã trở thành một trong hàng nghìn ca tử vong vì hạ thân nhiệt mỗi năm. Câu chuyện sống sót thần kỳ của cô cũng trở thành một truyền thuyết y học và gây tò mò về mặt khoa học.
Làm thế nào một cơ thể vẫn sống sót khi bị đông cứng? Những câu chuyện về người sống sót trong nhiệt độ đóng băng dù gây chấn động, nhưng cũng không hẳn là quá hiếm gặp. Trên thực tế, các chuyên gia y tế ở vùng khí hậu lạnh có câu nói rằng: “Không ai chết cho đến khi ấm lên và chết”.
Điều này có nghĩa là bệnh nhân hạ thân nhiệt sẽ được nỗ lực hồi sức cho đến khi cơ thể ấm lên. Nếu những nỗ lực vẫn không thành công dù cơ thể đã được làm ấm thì bệnh nhân mới được tuyên bố là đã chết.
Các bác sĩ xác định nhiệt độ cơ thể của cô là 27 độ C, thấp hơn 10 độ so với người khỏe mạnh. Cô ấy rõ ràng đã bị đóng băng. Bề ngoài cơ thể lạnh và tím tái, thậm chí cả đôi mắt mở to cũng vô hồn, giống như thủy tinh, mất phản xạ với ánh sáng.
Theo lời của George Sather, bác sĩ điều trị cho cô, cơ thể cô lạnh ngắt, cứng ngắc hoàn toàn, giống như một miếng thịt vừa lấy ra từ tủ đông lạnh. Họ vẫn đặt các miếng sưởi quanh người Hilliard, dù mười mươi nghĩ rằng cô đã nhận chắc "án tử".
Sau một thời gian chờ đợi, nhân viên y tế bất ngờ phát hiện mạch đập yếu. Chỉ có 12 nhịp mỗi phút nhưng chọ tin rằng có thể Hillard vẫn còn sống. Bác sĩ điều trị tin rằng cô đã chết, nhưng khi ông nghe thấy một tiếng rên yếu ớt, ông nhận thấy cô gái đang chiến đấu giành lại sự sống.
Vậy mà chỉ sau vài giờ sưởi ấm, cơ thể Hilliard đã có phản ứng trở lại. Cô đã nói chuyện được vào buổi trưa cùng ngày. Cô nói với mọi người rằng cô cảm thấy như thể mình vừa ngủ quên và tỉnh dậy trong bệnh viện. Ngay trong hôm đó, các sĩ nhanh chóng cho cô xuất viện để trở về với cuộc sống bình thường như trước đây, không chút ảnh hưởng từ cái đêm định mệnh biến thành “cây kem”.
Ở những trường hợp tương tự, bệnh nhân sẽ bị tổn thương về thể chất hoặc bị thương tật vĩnh viễn. Nhưng Hilliard đã có thể trở về nhà ngay vào ngày hôm đó mà chỉ bị tê và phồng rộp ngón chân. Tin tức về sự hồi phục kỳ diệu của cô lan truyền nhanh chóng. Hilliard được mệnh danh là “Cô gái kỳ diệu đến từ Lenby, Minnesota”. Cô thậm chí còn xuất hiện trong một tập của chương trình truyền hình “Những bí ẩn chưa được giải đáp”.
Đối với bạn bè và gia đình của cô, họ đã cầu nguyện để kỳ tích xảy ra. Nhưng cơ sở sinh học đã đóng vai trò như thế nào trong trường hợp này?
Không giống như nhiều vật liệu, nước ở dạng rắn chiếm thể tích lớn hơn so với thể tích ở dạng lỏng. Sự giãn nở này là tin xấu đối với các mô cơ thể bị lạnh, vì chất lỏng trong chúng có nguy cơ sưng phồng lên đến mức phá vỡ tan vật chứa. Ngay cả một vài tinh thể băng hình thành trong cơ thể cũng có thể xuyên qua màng tế bào bằng những mảnh sắc nhọn của chúng, khiến tứ chi trở thành những mảng da và cơ hoại tử, hay hiện tượng mà chúng ta thường gọi là tê cóng.
Nhiều loài động vật khác nhau đã tiến hóa khả năng thích nghi để đối phó với sự nguy hiểm của các tinh thể băng sắc nhọn, giãn nở trong điều kiện dưới nhiệt độ đóng băng. Ví dụ, loài cá biển sâu được gọi là cá đá vây đen ở Nam Cực sản xuất glycoprotein như một loại chất chống đông tự nhiên.
Ở loài ếch gỗ, chúng biến phần nhân tế bào thành dạng xi-rô bằng sản sinh đầy glucose trong cơ thể, qua đó chống lại sự đóng băng và mất nước. Bên ngoài tế bào, nước có thể biến thành chất rắn, bọc các mô cơ thể trong băng giá và khiến chúng trở nên cứng ngắc như những khối băng.
Không thể kiểm tra sâu hơn ngoài những quan sát bên ngoài, thật khó để nói chắc chắn làm thế nào cơ thể cô Jean Hilliard có thể vượt qua được việc bị đóng băng. Liệu có tính chất hóa học độc đáo này trong cơ thể cô ấy không, hoặc thậm chí là ở cấu trúc mô? Mọi điều vẫn chỉ là suy đoán. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì khi nói cô gái trẻ đã gặp may mắn.
Càng tìm hiểu về những điều kỳ diệu mà cơ thể con người có thể đạt được, chúng ta sẽ càng ít phải dựa vào vận may để cứu sống những người giống như Hilliard trong tương lai.