Câu chuyện lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu
Câu chuyện bỏ giải của tay vợt người Nhật Bản Naomi Osaka đã khiến làng banh nỉ thế giới vô cùng bất ngờ vì đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên trong lịch sử giải đấu.
Vì từ chối họp báo sau trận thắng ở vòng 1 trước Patricia Maria Tig, tay vợt số 2 thế giới người Nhật Bản đang sở hữu 4 Grand Slam đã bị Ban Tổ chức Roland Garros phạt 15.000 USD và dọa truất quyền thi đấu nếu tái diễn.
“Bất cứ ai biết tôi đều biết tôi là người sống nội tâm, và bất cứ ai đã nhìn thấy tôi tại các giải đấu sẽ nhận thấy rằng tôi thường đeo tai nghe vì điều đó giúp giảm bớt chứng lo sợ xã hội của tôi” - Osaka chia sẻ.
Viết trên trang cá nhân của mình, Osaka lý giải nguyên nhân không tham dự họp báo vì lo ngại việc lây lan dịch COVID-19 cũng như tránh bị stress vì những câu hỏi từ giới truyền thông.
“Ở Paris, tôi đã cảm thấy dễ bị tổn thương và lo lắng, nên tôi nghĩ tốt hơn là nên tự chăm sóc bản thân và bỏ qua các cuộc họp báo. Tôi đã thông báo trước vì tôi cảm thấy có vẻ như các quy tắc đã khá lỗi thời ở một số phần và tôi muốn làm nổi bật điều đó. Tôi nghĩ bây giờ điều tốt nhất cho giải đấu, các tay vợt khác và sức khỏe của tôi là tôi rút lui để mọi người có thể trở lại tập trung vào quần vợt đang diễn ra ở Paris" - tay vợt từng giành 4 danh hiệu Grand Slam chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Naomi Osaka đã nhiều lần bày tỏ sự bức xúc vì những câu hỏi ngoài chuyên môn sau những thất bại của mình ở các giải đấu trong quá khứ và cho rằng việc phải đối mặt với những câu hỏi như vậy đã ảnh hưởng tới tinh thần mình.
Naomi Osaka cũng chia sẻ rằng cô đã viết thư xin lỗi gửi đến Ban tổ chức Roland Garros, đồng thời hy vọng sẽ có dịp thảo luận để giúp các buổi họp báo tốt đẹp hơn. Phía ban tổ chức chưa đưa ra bình luận nào sau thông báo của tay vợt người Nhật.
Ủng hộ hay phản đối?
Trước thềm Roland Garros 2021, nữ tay vợt hạt giống số 2 này tuyên bố sẽ không tham dự bất cứ buổi họp báo nào để giảm tải áp lực tâm lý khi thi đấu. Hành động của Osaka được xem là tẩy chay báo chí, vi phạm quy tắc ứng xử và điều này đã gây nên sự bất hòa giữa cô với ban tổ chức của các giải Grand Slam trong năm. Hình phạt của Ban Tổ chức Roland Garros cũng khiến Osaka quyết định rút lui khỏi giải đấu dù đã lọt vào vòng 2.
Ban tổ chức giải Pháp mở rộng đưa ra tuyên bố: “Osaka đã được nhắc nhở về nghĩa vụ của mình. Cô ấy sẽ phải đối mặt với những hậu quả vì vi phạm quy tắc bình đẳng được áp dụng cho tất cả các VĐV. Việc lặp lại các vi phạm sẽ được áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, bao gồm cả việc bị loại khỏi giải đấu, thậm chí là bị cấm tham dự Grand Slam trong tương lai”.
Osaka cho biết lần rút lui này nhằm tạo điều kiện để có thể tập trung toàn bộ cho tennis, sau những ngày bị chú ý và trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận xoay quanh việc cô không muốn dự họp báo.
Hành động rút khỏi Roland Garros của tay vợt 23 tuổi Naomi Osaka nhận được sự ủng hộ của nhiều ngôi sao thể thao.
Hai tay vợt nữ huyền thoại Billie Jean King và Martina Navratilova đã dành lời động viên Osaka. Chị em Venus và Serena Williams, nữ đồng nghiệp Thụy Sĩ Belinda Bencic cùng tài năng trẻ người Mỹ Coco Gauff cũng rất ngưỡng mộ hành động quyết đoán của Osaka.
Ông "vua" sân đất nện Rafael Nadal và các VĐV nổi tiếng thế giới như tay golf Phil Mickelson hay nhà vô địch nhảy sào Johnson Thompson đều lên tiếng bảo vệ tài năng người Nhật Bản này.
Naomi Osaka là VĐV nữ có thu nhập cao nhất thế giới hiện tại và vừa được trao giải Laureus World Sports Award - giải thưởng thường niên nhằm vinh danh những cá nhân và tập thể xuất sắc trong năm của làng thể thao được ví như "Oscar Thể thao" cách đây không lâu.
Ở chiều phản đối, Hiệp hội Quần vợt nữ (WTA), tổ chức có nhiều quyền hành nhất trong hệ thống các giải đấu dành cho tay vợt nữ chuyên nghiệp vừa tuyên bố có thể sẽ cấm Osaka dự các giải đấu do họ tổ chức, vì cô vi phạm quy tắc truyền thông mà không có lý do chính đáng.
Osaka đã bị chỉ trích là một phản ứng không phù hợp, buộc Osaka phải lựa chọn giữa việc mạo hiểm chịu trừng phạt nghiêm trọng, hoặc tiếp tục dự các buổi họp báo khiến cô ấy lo lắng. Mối quan tâm của Osaka giờ đây không chỉ còn là khoản tiền phạt, mà còn là nguy cơ không được tham dự các giải đấu lớn.
Theo các chuyên gia thể thao, một tay vợt hẳn sẽ rất tiếc nuối khi không được thi đấu môn thể thao mình yêu thích và rồi Naomi Osaka sẽ suy nghĩ lại nếu không muốn dang dở cả sự nghiệp vì việc trả lời phỏng vấn.
Cùng với Roland Garros, các nhà tổ chức 3 giải Grand Slam còn lại là Wimbledon, US Open và Australian Open cũng đưa ra cảnh báo tương tự, và yêu cầu Naomi Osaka thay đổi lối suy nghĩ này.
Theo quy định, việc trả lời họp báo là nghĩa vụ của mọi tay vợt, bởi nó góp phần quan trọng trong sự phát triển không ngừng của môn quần vợt.