9 năm làm người rừng
Kưnh là người dân tộc Bahnar, sinh năm 1992, trú tại làng Ket Krot, xã H’Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, là một trong ba đối tượng cuối cùng bị bắt tại đợt truy quét Fulro, tà đạo Hà Mòn, do Công an tỉnh Gia Lai triển khai vào đầu tháng 3/2020. Lẩn trốn trong rừng sâu 9 năm, cả 3 đối tượng này sống như những người rừng, không tiếp xúc với con người, săn bắt sống qua ngày, sống trong chuỗi ngày tăm tối về cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Năm 2012, Kưnh cùng 2 thuộc cấp là Lũp (sinh năm 1972) và Jưr (sinh năm 1964) - dù nhỏ tuổi hơn nhưng do Kưnh biết ăn nói, rành công nghệ nên được bầu làm trưởng nhóm - bỏ lại gia đình, trốn biệt vào núi Jơ Mông. Nhẹ dạ cả tin, nghe theo các đối tượng xấu xúi giục, 3 đối tượng này quyết định rũ bỏ văn hóa truyền thống, ngày đêm cầu nguyện theo giáo lý tà đạo mù quáng.
Lúc đầu, sợ phát hiện, Kưnh liên tục thay đổi nơi ở, lúc thì trong hang đá, khi dưới gốc cây, tránh xa khu vực có suối nước vì dễ bị phát hiện. Sáng sớm cầu nguyện, rồi đi săn bắt kiếm thức ăn là cá, chim, chuột; đến lúc mệt lăn ra đất ngủ, tối đến không có điện, sống mò mẫm trong bóng đêm. Mùa lạnh, họ đốt lửa le lói vừa sưởi ấm, vừa xua đuổi thú dữ. Nhiều đợt sốt xuất huyết, những trận sốt rét rừng vật vã suýt lấy mạng cả ba người.
Mùa khô hạn kiệt quệ nguồn thức ăn, thiếu muối, thiếu gạo, thuốc chữa bệnh, lần lượt từng đối tượng lẻn về rẫy của người thân gần rừng, nhờ gia đình cứu trợ. Sợ bị lộ, Kưnh hẹn chỗ cất giấu thức ăn, đồ tiếp tế, dặn vợ bỏ đúng chỗ rồi tự đến lấy, không cho ai thấy, giữ an toàn cho mình và 2 người còn lại.
Để liên hệ với các đối tượng trong tổ chức tà đạo Hà Mòn, Kưnh dùng pin con thỏ mà vợ tiếp tế chế thành nguồn điện sạc điện thoại, tìm đến nơi có sóng điện thoại để trao đổi thông tin, thỉnh thoảng liên lạc, móc nối, lôi kéo một số người trong làng Ket Krot tiếp tục lén lút nhóm họp tà đạo trái pháp luật.
Đường về làng
9 năm ròng rã sống chui lủi, lẩn trốn, cả ba đối tượng dường như cũng đã biết những sai lầm của mình. Kưnh nói: "Mình đã biết mình sai nhưng nếu về làng, chúng tôi sợ bị chính quyền mời lên làm việc, bị nhốt tù rồi không có mặt mũi nào nhìn gia đình, vợ con, bà con làng xóm".
Ông Lũp, ông Jưr kể lại, 9 năm lẩn trốn, thiếu thốn mọi thứ, họ nhớ vợ, nhớ con, nhớ cộng đồng thôn làng nhưng vì xấu hổ, không dám quay về. Nhiều lần thấy các trinh sát công an đi tìm, muốn ra đầu thú nhưng sợ bị bắt tù nên họ lại chạy tiếp sâu vào trong núi.
Vào ngày 19/3/2020, Công an huyện Mang Yang phối hợp với Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành truy quét hoạt động tà đạo Hà Mòn tại xã H’ra và bắt được cả 3 đối tượng: Kưnh, Lũp và Jưr – là những đối tượng cuối cùng theo tà đạo Hà Mòn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Ông Lũp và Jưr vì lớn tuổi, không có kiến thức, nhẹ dạ cả tin, bị lôi kéo vào hoạt động tà đạo, lại nhanh chóng biết ăn năn hối cải nên nhận được khoan hồng của Nhà nước, sau đợt giáo dục cảm hóa vài ngày để lấy lời khai, hai đối tượng này được trả tự do về với địa phương.
Riêng Kưnh, do có trình độ, lại biết ứng dụng công nghệ thông tin và là đối tượng cầm đầu, nên Công an huyện Mang Yang đã quyết định để Kưnh ở lại cùng các trinh sát địa bàn tại khu nhà tập thể.
Những ngày mới về, Kưnh quên luôn cách ăn uống, tắm giặt. Kưnh rụt rè, im lặng không nói chuyện với ai. Nhưng với tình cảm, sự cảm hóa nhân văn của các trinh sát địa bàn, Công an huyện Mang Yang, Kưnh ngày càng nhận thức được nhiều điều, đặc biệt là ý thức được việc làm của mình là sai trái và mong muốn trở về đoàn tụ với gia đình.
Kưnh nói, lúc bỏ đi, con trai Kưnh mới được 1 tuổi. Lúc ở trong rừng Kưnh nhớ vợ, nhớ con, muốn thấy con lớn lên, được đi học hành đàng hoàng để có kiến thức sau này nhận biết đúng sai, không lầm đường, lạc bước như bố.
Tích cực chuyển biến tư duy, nhận thức nên Kưnh nhanh chóng hòa nhập cuộc sống, biết dậy sớm thể dục, chiều đá bóng cùng các chiến sỹ Công an huyện Mang Yang; biết cầm chổi quét sân, giúp cán bộ dọn dẹp, vệ sinh khu vực sống… Đến ngày 3/6, Công an huyện Mang Yang đã đưa Kưnh, Lũp và Jưr cùng các đối tượng cầm đầu tà đạo Hà Mòn các làng Kret Krot, Bok Ayơ, Kdung, xã H’ra và các đối tượng bị tù, bị bắt ra kiểm điểm, giáo dục trước dân. Sau đó, Công an huyện cũng đã bàn giao các đối tượng này cho chính quyền địa phương quản lý tại cộng đồng.
Kưnh xúc động cho biết: Tôi và gia đình rất vui mừng vì bản thân tôi được tha về, không bị khởi tố hình sự và vẫn được bà con chào đón trở về với thôn, làng. Tôi thật lòng muốn trở về làng cùng người thân. Tôi biết ơn sâu sắc chính sách khoan hồng của Nhà nước và hứa sẽ tu chí làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Tại buổi kiểm điểm này, Kưnh đại diện cho các đối tượng hoàn lương cam kết xóa bỏ tà đạo Hà Mòn, vận động thân nhân và gia đình quay lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy.
Đại úy Hoàng Thái Sơn, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Mang Yang cho biết, để đưa được các đối tượng theo tà đạo Hà Mòn về lại với cộng đồng buôn làng là cả một quá trình nằm gai, nếm mật của lực lượng trinh sát địa bàn huyện Mang Yang, cũng như Phòng an ninh đối nội, Công an tỉnh Gia Lai. Các đối tượng sống trong rừng khó khăn như thế nào, thì giai đoạn các anh em trinh sát đi thăm dò cơ sở của họ cũng vất vả như thế. Lội suối, băng rừng nhiều ngày đêm, nhiều mối nguy ập đến bất ngờ, nhưng với tinh thần quả cảm, nhiệt huyết với nghề, cộng với trách nhiệm giữ bình yên cho Tổ quốc, các chiến sỹ đã hoàn thành nhiệm vụ. Bắt, khởi tố các đối tượng lầm đường lạc lối không phải là mục đích chính của Công an huyện Mang Yang nói riêng và lực lượng Công an tỉnh Gia Lai nói chung. Vấn đề quan trọng là cảm hóa các đối tượng lầm đường lạc lối, giúp họ trở về hòa nhập với cộng đồng, hỗ trợ họ nhận thức tốt, có sống cuộc sống lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vốn có của họ.
Cộng đồng dân tộc Bahnar tại xã H’ra đã trở lại nhịp sống bình thường, rộn rã tiếng cười trong những ngày cùng nhau lên rẫy. Trách nhiệm gìn giữ bình yên của đất nước không chỉ ở lực lượng Công an, mà bình yên Tổ quốc - gốc là ở dân.