Bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân xã Khánh Yên Trung vẫn ra sông vớt gỗ sau cơn lũ đi qua. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Mặc dù đã có những biện pháp phòng, chống tích cực, nhưng địa phương này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường khi mùa mưa bão được dự báo tiếp tục sẽ có những diễn biến phức tạp.
Một trong những nguy cơ cần báo động là việc bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân địa phương đã lội ra sông, suối, dù nước lũ vẫn ở mức cao để vớt gỗ, củi bị cuốn từ thượng nguồn về. Việc ra sông vớt gỗ đã trở thành thói quen thường xuyên khi có lũ lớn từ thượng nguồn đổ về của người dân địa phương.
Ông Phan Trung Bá, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho biết, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động, cử lực lượng chức năng ngăn cản, thậm chí chi cả tiền để động viên người dân không ra sông khi đang có lũ lớn nhưng không đạt hiệu quả cao. Ra sông, suối dù nước lũ vẫn ở mức cao để vớt gỗ, củi đã trở thành thói quen vì nhiều người cho rằng đó là “những món quà từ thiên nhiên” ban tặng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây số lượng gỗ bị cuốn từ thượng nguồn về mỗi khi có lũ lại nhiều hơn so với trước. Nhiều cây to có đường kính hàng mét, dài 4-5m, thậm chí có cả những súc gỗ đã được đẽo gọt như một thành phẩm có thể tiêu thụ ngay.
Một trong những điểm bất thường trong mùa mưa lũ năm nay tại Lào Cai, nhất là ở huyện Văn Bàn là biên độ lũ lớn, tốc độ lũ về rất nhanh. Điều này gây bất ngờ đối với cả những người chuyên làm công tác dự báo khí tượng, thủy văn của địa phương. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là rừng đầu nguồn đã không giữ được vai trò điều tiết và giữ nước khi có mưa lớn kéo dài, cho thấy sự suy giảm về chất lượng rừng. Mật độ xây dựng các Nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng là một nguyên nhân làm suy giảm chất lượng những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn. Bởi mật độ xây dựng lớn dẫn tới nhiều khu vực của Lào Cai xuất hiện tình trạng “sa mạc hóa”, có nhiều cây gỗ lớn ở ven các sông suối khô cạn đã chết, khi có lũ sẽ cuốn xuống vùng hạ du.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp làm thủy điện còn được giao quản lý, bảo vệ hàng trăm ha rừng phòng hộ đầu nguồn, nhưng công tác này không phải lúc nào cũng được thực hiện tốt. Nhất là tại khu vực rừng thuộc Văn Bàn, Sa Pa, nơi vẫn còn nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế cao.
Một vấn đề nữa cũng cần báo động là các thủy điện của Lào Cai đa phần là nhỏ và vừa, công suất không lớn nên đã chủ động tích nước để phát điện vào những giờ cao điểm sẽ được giá cao hơn (giờ cao điểm 2,2 nghìn đồng/1kW, còn giờ bình thường 800 đồng/1kW). Việc làm này vô hình chung làm các hồ chứa bị quá tải khi có lũ về đột ngột buộc phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập dẫn tới tình trạng “lũ chồng lũ” ở vùng hạ du.
Ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay tại Lào Cai có 45 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động trong tổng số 83 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.233,65MW.
Riêng tại huyện Văn Bàn, địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất trong hai đợt mưa lũ vừa qua có 26 nhà máy thủy điện được phê duyệt, trong đó 14 nhà máy đã đi vào hoạt động. Trong đó, lớn nhất là cụm 3 nhà máy của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Phúc Khánh với tổng công suất khoảng 43MW. Đây cũng là doanh nghiệp chịu tổn thất nhiều nhất trong đợt mưa lũ từ ngày 19-22/7 bởi cả 3 nhà máy phải ngừng phát điện. Ngoài ra, huyện còn một số dự án đang thi công như thủy điện Suối Chăn 1 (27MW); Nậm Xây Luông 4-5 (30MW); Minh Lương Thượng (13,6MW)...
Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, trong mùa mưa lũ 2018 tại Lào Cai có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu 5-6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, xuất hiện 6-8 đợt mưa lớn, nguy cơ sạt lở lớn ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn và Bắc Hà. Nguy cơ lũ quét, ngập lụt cao trong tháng 7-9 tại khu vực sông, suối có thể tăng hơn so với năm 2017.