Xin ông cho biết tiềm năng mặt nước của khu vực Tây Bắc, đặc biệt là các khu hồ thuỷ điện đối với việc phát triển thuỷ sản?ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy Sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). |
Tây Bắc có 95.000 ha diện tích mặt nước với hệ thống sông, suối, khe nước hay mó nước, hồ thủy điện, hồ tự nhiên khá dày, thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản theo nhiều hình thức như: nuôi lồng, ao nuôi và nuôi trong bể.
Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản ở khu vực này đã phát triển khá tốt, diện tích nuôi ước đạt 37.500 ha, sản lượng ước đạt 70.000 tấn, tăng trung bình 12%/năm. Nhiều mô hình trang trại chăn nuôi và nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) đang được phát triển, ngoài ra còn một số đặc sản như: baba, ếch… cũng đang được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La….
Bên cạnh đó, tiềm năng mặt nước của các hồ chứa thủy điện là một trong những thế mạnh để phát triển thủy sản tại khu vực Tây Bắc. Hồ chứa tuy không được xây dựng cho mục đích phát triển thủy sản nhưng khi hoàn thành, hầu hết các hồ chứa đều được tiến hành nuôi và khai thác thủy sản dưới các hình thức nuôi và khai thác trên mặt nước lớn, nuôi lồng bè…
Hơn nữa, các hồ thủy điện có diện tích rất lớn. Ví dụ: Lai Châu có hồ thủy điện Bản Chát: 6.050 ha mặt nước, hồ thủy điện Lai Châu: 3.960 ha, Hồ thủy điển Huổi Quảng: 870 ha…, tại Sơn La có đập thủy điện Sơn La tạo ra trên 20.000 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản…Yên Bái có 30.000 ha mặt nước….nếu được khai thác tốt, các hồ chứa này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sinh sống quanh các hồ chứa này.
Hiện nay, người dân khu vực Tây Bắc đang khai thác tiềm năng này như thế nào, thưa ông? Việc khai thác, nuôi trồng thủy sản ở các hồ chứa thủy điện đang được khôi phục và phát triển. Đặc biệt là nuôi cá lồng bè tại các chồ chứa lớn như: Sơn La, Thác Bà, Hòa Bình…với những loại cá mới có giá trị kinh tế cao như: cá tầm, cá hồi, cá lăng…
Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện thì việc phát triển thủy sản ở các hồ chứa này vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng của các hồ chứa. Việc thiếu các cơ chế quản lý phù hợp cho từng hồ chứa dẫn tới sự lãng phí nguồn tài nguyên mặt nước.
Bên cạnh đó, công tác quản lý khai thác thủy sản hồ chứa lỏng lẻo, phần lớn các phương tiện khai thác không được kiểm soát, tự do khai thác với cường độ cao, kích cỡ mắt lưới nhỏ. Ví dụ, hồ thủy điện Sơn La được coi là kho tàng quý báu về thủy sinh vật và nguồn lợi thủy sản của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản của hồ chưa được coi trọng, các bãi đẻ tự nhiên không được bảo vệ, dẫn tới một số loại cá có hiệu quả kinh tế cao như: các Chiên, cá Anh Vũ, cá Dầm xanh… đang có nguy cơ tuyệt chủng. Không những thế, một số loại thủy sản như: tôm, cá Dầu, cá Ngão, cá Mương… số lượng giảm đáng kể.
Theo ông, các tỉnh này cần làm gì để khôi phục nguồn lợi thủy sản và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững?
Trước hết, chúng ta phải đánh giá lại diện tích mặt nước hồ chứa toàn khu vực, hiệu quả quản lý của các hồ chứa. Từ đó, xem xét giao các hồ chứa có diện tích vừa và nhỏ cho cộng đồng quản lý, khai thác theo hình thức “đánh tỉa, thả bù”. Đối tượng nuôi là các loài cá truyền thống như: trắm, trôi, mè, chép…
Đối với các hồ chứa lớn, hồ chứa thủy điện nên phát triển nuôi lồng, bè, theo mô hình tổ nhóm để dễ quản lý. Đối tượng nuôi là các loài cá truyền thống, các loài cá đặc sản bản địa như: cá lăng, rô phi, cá điêu hồng…
Với vùng đầu nguồn sông, suối cần được nghiên cứu để bảo tồn, bảo vệ các bãi đẻ, các nguồn gen, nguồn giống bản địa quý hiếm. Vùng suối cao, có nước lạnh, mát quanh năm nên giao cho các công ty tư nhân, phát triển mô hình cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao như: cá tầm, cá hồi. Ngoài ra, có thể phát các loài thủy sản có giá trị kinh tế khác như: các ngạnh, cá lăng, cá chiên, cá bỗng…Tuy nhiên, việc nuôi trồng cần triển khai theo mô hình chuỗi, đảm bảo đầu ra, tránh phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát gây ảnh hưởng tới môi trường.
Xin cảm ơn ông!