Cộng đồng cần được hưởng lợi từ rừng

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV để thảo luận và xem xét thông qua. Trong nội dung Dự thảo Luật cũng đã đặt ra việc cần thiết phải đảm bảo các quyền của hộ gia đình và cộng đồng đối với rừng, đất rừng và tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Vấn đề hưởng lợi từ rừng của các đối tượng tham gia, nhất là hộ gia đình và cộng đồng sống dựa vào rừng phải được coi là một trong các chính sách cốt lõi của ngành lâm nghiệp, nhằm tạo ra động lực kinh tế khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), cũng như đẩy mạnh phát triển nghề rừng trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Su thuộc xã Van Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang, là khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái tiêu biểu, độc đáo vùng đồng bằng sông Cửu Long.



Quyền sở hữu chưa rõ ràng

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết, Việt Nam hiện có từ 24 - 30 triệu người dân có sinh kế sống dựa vào rừng, trong đó số lượng người dân được tiếp cận, nhận giao đất, giao rừng chỉ khoảng 2 triệu hộ. Vì vậy, các nhóm còn lại chủ yếu là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế sống dựa vào rừng từ lâu đời, vô tình trở thành những người ngoài cuộc và là đối tượng xâm lấn rừng tiềm tàng đối với các diện tích rừng tự nhiên đã được giao phần lớn cho các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng hay các chủ rừng khác.

Xác định chủ thể quản lý, bảo vệ rừng hay chủ rừng nhằm đảm bảo “mỗi khu rừng phải có chủ thực sự” do đó đã trở thành một vấn đề căn bản gắn liền với tiến trình phát triển và cải cách ngành lâm nghiệp Việt Nam trong 30 năm qua. Một loạt các chính sách như giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng, cho thuê rừng và môi trường rừng... lần lượt được ra đời, thúc đẩy trao quyền, khuyến khích sự tham gia của các chủ thể, đặc biệt là chủ thể ngoài Nhà nước (hộ gia đình, cộng đồng, cá nhân) vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ rừng và góp phần xóa đói giảm nghèo vùng cao.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, dù Luật BV&PTR ban hành năm 2004 đã đánh dấu một bước tiến lớn khi thể chế hóa “quyền sở hữu rừng” cho chủ rừng sản xuất là rừng trồng, nhưng nhìn tổng thể, quyền sở hữu rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên ở Việt Nam vẫn chưa được thừa nhận một cách đầy đủ. Tư duy lý luận về quyền sở hữu rừng, quyền kinh doanh rừng, quyền hưởng các nguồn lợi từ rừng... chưa rõ ràng, minh bạch, khi phần lớn diện tích rừng và đất rừng vẫn do các tổ chức Nhà nước quản lý và sử dụng.

Với khung pháp lý hiện nay, các chủ rừng chỉ có quyền chiếm hữu và sử dụng rừng, đất rừng trong khi quyền định đoạt vẫn thuộc về Nhà nước. Các chủ rừng đặc dụng, phòng hộ không có quyền định đoạt đối với rừng mà chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng về lâm nghiệp. Các quyền chuyển nhượng, trao đổi, cầm cố hay góp vốn quyền sử dụng rừng cũng không được cho phép hoặc thừa nhận kể cả khi ban quản lý rừng được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các chủ rừng sản xuất là rừng tự nhiên cũng chỉ được trao quyền thế chấp, bảo lãnh phần giá trị gia tăng của trữ lượng gỗ đã tạo thành do công sức đầu tư của họ.

Trên thực tế, hầu như không có khả năng xác định được phần giá trị gia tăng này trong trữ lượng gỗ tăng trưởng tự nhiên của rừng vì vào thời điểm giao rừng, giá trị của rừng không được xác định. Nói cách khác, những quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể quản lý rừng hay chủ rừng chưa tường minh, cơ hội thực hành quyền trong thực tế rất hạn chế, do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến động lực tham gia bảo vệ và phát triển rừng của các chủ thể liên quan, trong đó có các hộ gia đình, cộng đồng - những người đã và đang có nguồn sinh kế dựa chủ yếu vào rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm liên huyện An Biên - An Minh (Kiên Giang) kiểm tra công tác bảo vệ rừng tràm của hộ Trần Văn Lung.



Chủ rừng phải có lợi ích xứng đáng

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến hết tháng 12/2016, hơn 2,5 triệu ha rừng tự nhiên đã được giao cho các chủ thể ngoài Nhà nước gồm hộ gia đình, cộng đồng và các tổ chức kinh tế thông qua các chương trình giao đất, giao rừng từ những năm 1990. Trải qua hàng chục năm, các diện tích này từ các diện tích đất trống, rừng nghèo kiệt đã được các chủ thể quản lý, đầu tư trồng mới hoặc khoanh nuôi tái sinh tự nhiên trở thành rừng non, thậm chí là rừng trung bình... Tuy vậy, chiểu theo quy định hiện nay thì tài nguyên rừng thuộc sở hữu toàn dân. Trong suốt quá trình nhận giao rừng, dù các chủ thể này có quyền khai thác “giá trị gia tăng của trữ lượng gỗ đã tạo thành do công sức đầu tư của họ”, song lại không thể thực hiện được quyền này trong thực tế.

Tại Hội thảo “Quyền hưởng dụng của các chủ rừng, hộ gia đình và cộng đồng trong Luật BV&PTR sửa đổi”, do Trung tâm Con người và Rừng (RECOFTC), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) tổ chức mới đây, các nhà quản lý và các chuyên gia đều khuyến nghị: Cách tiếp cận và định nghĩa về sở hữu cùng quyền hưởng lợi liên quan đối với rừng tự nhiên cần phải được áp dụng thống nhất như đối với trường hợp các loại tài nguyên thiên nhiên cùng nhóm khác, như khoáng sản, đất đai hay nước thiên nhiên. Khi Nhà nước đã cấp phép, cấp quyền khai thác khoáng sản hay cấp quyền sử dụng đất, cấp quyền khai thác nước thiên nhiên thì các loại tài nguyên này đều trở thành “sở hữu” của chủ thể được cấp.

Cụ thể đối với trường hợp khoáng sản, nếu khoáng sản nằm trong lòng đất thì thuộc sở hữu toàn dân, nhưng khi Nhà nước đã tiến hành cấp phép, đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì khoáng sản đó phải thuộc sở hữu và toàn quyền sử dụng của chủ thể được cấp... Từ thực tế này, cần xem xét bổ sung các điều khoản liên quan đến quyền hưởng lợi đối với rừng dành cho các đối tượng người dân không phải chủ rừng, nhưng có đời sống phụ thuộc vào rừng. Sau hơn 10 năm thực hiện, tháng 12/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành rà soát, đánh giá và trình hồ sơ sửa đổi Luật BV&PTR 2004 lên Chính phủ. Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Dự thảo Luật lần này là đã đặt nội dung hưởng lợi từ rừng ở vị trí trung tâm nhằm tạo động lực trong BV&PTR, cũng như đẩy mạnh phát triển nghề rừng trong nền kinh tế thị trường.

Những quy định và nội dung sửa đổi về sở hữu, quyền và nghĩa vụ đối với tài nguyên rừng và đất rừng trong Dự thảo Luật này phải đáp ứng được nhu cầu sinh kế của người dân sống gắn bó với rừng, hướng tới các mục tiêu rõ ràng hơn là bảo vệ rừng, cũng như hài hòa các mối quan hệ xã hội, thể chế quản lý đối với tài nguyên rừng, đất rừng trong thực tiễn, trở thành một nền tảng quan trọng, giúp bảo hộ quyền của các chủ thể, đặc biệt là hộ gia đình và cộng đồng, từ đó giúp thúc đẩy quản trị rừng theo hướng minh bạch, công bằng hơn, đảm bảo hiệu quả về cả kinh tế, môi trường và xã hội.

Bà Ma Thị Thúy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang: 

Rừng có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống thiên tai

Công tác trồng và quản lý bảo vệ rừng có đóng góp rất lớn thiết thực về phòng, chống thiên tai. Một trong những giải pháp tốt nhất để phòng, chống thiên tai là cần làm tốt công tác quản lý và bảo vệ phát triển rừng vì rừng là lớp che phủ rất quan trọng có tác dụng giữ điều hòa nước, chống trơn, trượt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khi mất đi lớp thảm thực vật che phủ này, dù có thay thế bằng lớp thảm khác gồm những cây công nghiệp, cây ăn quả được trồng sau đó hiệu quả giữ nước này cũng sẽ không đảm bảo, đặc biệt với địa hình đồi núi dốc như ở các tỉnh miền núi phía Bắc.


Ông Nguyễn Sỹ Cương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận:

 Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng

Việc phá rừng ở một số tỉnh thời gian qua ngày càng nghiêm trọng minh chứng cho tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương đã nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. Nếu như không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy. Nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng, để phá rừng với lý do tận thu là một trong những nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của rừng trong tương lai. Để xử lý triệt để tình trạng phá rừng, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích; kiên quyết ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm.


GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: 

Vẫn còn khoảng trống về sở hữu rừng đặc dụng

Nghiên cứu kỹ Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) trong Điều 3 về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp tôi thấy thiếu trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại khoảng trống về sở hữu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng trồng. Điều này sẽ bó hẹp việc xã hội hóa rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sau này. Về quy định thu hồi rừng, nên quy định thêm theo tinh thần Nghị quyết 30 - NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, trong Chương 8 (quyền và nghĩa vụ của chủ rừng) cần có quy định về quyền hưởng lợi của các đối tượng có liên quan như người nhận giao khoán, người liên kết (đồng quản lý), cộng đồng dân cư gắn với rừng nhưng không phải là chủ rừng.


Ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa phát triển, Liên minh đất rừng (FORLAND): 

Làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra mất rừng

Theo tôi, trong khâu giao đất, giao rừng cần sự tham gia quyết liệt của người dân địa phương và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước trong chuyển đổi rừng tự nhiên, giao đất giao rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Cần làm rõ trách nhiệm của chủ rừng nếu bị mất rừng, trách nhiệm của kiểm lâm khi bị mất rừng. Nếu không quy định rõ thì rừng sẽ tiếp tục bị mất và không biết quy trách nhiệm cho ai. Cùng với đó là có chính sách khuyến khích người dân trong bảo vệ rừng, hệ sinh thái rừng. Thực tiễn đã có nhiều người dân tự bỏ tiền ra bảo vệ rừng tự nhiên nhưng không được hưởng chính sách này. Đối với những người tự bỏ tiền, công sức ra đầu tư từ rừng nghèo cần có quyền hưởng lợi sự phục hồi đó. Cần làm rõ hơn trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, trách nhiệm của kiểm lâm khi bị mất rừng. Bên cạnh đó, nên tách bạch trách nhiệm của kiểm lâm là theo dõi giám sát, chấp hành với quản lý bảo vệ rừng. Hiện nay, chủ rừng, người dân cũng tham gia bảo vệ rừng. Kiểm lâm đóng vai trò như cảnh sát rừng để theo dõi việc thực hiện luật, theo dõi các chủ rừng quản lý bảo vệ rừng như thế nào. Tránh việc giao kiểm lâm vừa theo dõi thực thi luật, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng. Như vậy “vừa đá bóng vừa thổi còi”.


Văn Hào - Viết Tôn
Vẫn chưa quy định rõ trách nhiệm bảo vệ rừng của các bên
Vẫn chưa quy định rõ trách nhiệm bảo vệ rừng của các bên

Sáng 19/6 tại hội trường Nhà Quốc hội, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Nhiều ý kiến băn khoăn khi dự thảo chưa quy định rõ trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng thời thống nhất đề nghị đổi tên dự luật thành Luật Lâm nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN