Cây cao su trên địa bàn huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã bắt đầu được khai thác mủ. Ảnh: Quang Duy/TTXVN |
Từ các bản làng vùng thấp đến vùng núi cao tỉnh Lai Châu, đi đến đâu cũng bắt gặp màu xanh của rừng được bao phủ khắp núi đồi. Rừng được giữ và bảo vệ tốt, góp phần chống xói mòn, phủ xanh đất trống
đồi núi trọc, cân bằng sinh thái, mang lại nhiều nguồn thu nhập cho
người dân. Đồng bào nơi đây coi rừng như “món quà” quý báu trong việc giữ gìn môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, tăng thu nhập từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, các bản đều lập quy ước, hương ước để bảo vệ rừng, vì thế ý thức và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng thôn bản được phát huy. Ngoài bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, công tác trồng rừng mới được tỉnh Lai Châu chú trọng. Cũng nhờ giữ màu xanh hay gắn kết giữa người dân với những cánh rừng, thu nhập từ các lâm sản dưới tán rừng ngày càng cao, góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Tính đến hết tháng 6/2017, tỉnh Lai Châu có hơn 2.437 ha rừng đã chuyển mục đích sử dụng và các chủ đầu tư dự án cũng phải có trách nhiệm trồng rừng thay thế số diện tích này. Đến nay, tỉnh Lai Châu đã triển khai trồng trên 5.336 ha rừng (vượt gần 3.000 ha rừng đã chuyển mục đích sử dụng).
Theo ông Lê Trọng Quảng, tỉnh Lai Châu đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, giúp người dân tái cơ cấu nền nông nghiệp, có nhiều nguồn thu từ rừng. Các dự án trồng rừng được vận dụng theo thực tế của tỉnh, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào dân tộc, nhằm gắn việc trồng rừng với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thông qua việc hình thành các vùng tập trung với cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có 49.173 ha rừng. Để làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, thống kê diện tích rừng hiện có và giao khoán cộng đồng thôn bản quản lý. Đồng thời, huyện tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm các cấp, ngành và người dân trong quản lý, bảo vệ rừng; xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trọng tâm là chính sách hưởng lợi và trách nhiệm chủ rừng. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã trồng mới 83,62 ha rừng thay thế, 30 ha cây sơn tra theo Đề án phát triển cây sơn tra; thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng 41.844ha. Tổng số 15.306 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn 182 thôn, bản và 23 nhóm, 41 hộ thuộc 18 xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Thành Đô, Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng trong tuyên truyền đặc biệt chú trọng vai trò cộng đồng bản trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, đơn vị hỗ trợ cộng đồng bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng; phát động phong trào trồng cây, trồng rừng, xây dựng các mô hình kinh tế nông lâm kết hợp, gắn với các chương trình ổn định tổ chức sản xuất, xóa đói giảm nghèo; sử dụng tốt nguồn vốn theo chương trình dự án 30a, bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp người dân hưởng lợi để bảo vệ rừng tốt hơn.
Là địa phương có diện tích rừng lớn nhất toàn huyện Phong Thổ, xã Sin Suối Hồ đã giao khoán 5.481ha rừng phòng hộ cho bà con các bản bảo vệ và chăm sóc. Theo hỗ trợ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và khoanh nuôi rừng tự nhiên Chương trình 30a, toàn xã hưởng lợi khoảng 4,6 tỷ đồng (năm 2017). Tức là khoản chi trả này sẽ được chia đều cho bà con có đóng góp trong quá trình, bảo vệ rừng. Đây cũng là lợi ích kinh tế không nhỏ bà con vùng cao.
Ông Giàng A Vư, Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ chia sẻ, để giữ rừng hưởng lợi, xã củng cố các tổ, đội xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở. Đồng thời, xã thực hiện giao rừng, hỗ trợ người dân vùng cao trồng rừng nhằm góp phần bảo vệ rừng bền vững, hạn chế tình trạng xâm hại rừng trái phép; nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng và đề nghị chính đáng của người dân, gần gũi, bám sát địa bàn phát hiện, xử lý vấn đề phát sinh tại hiện trường, tạo mọi điều kiện bà con tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Từ thực tế, người dân không chỉ giữ màu xanh cho những cánh rừng mà còn tăng thêm thu nhập bền vững từ rừng. Ý thức của đồng bào dân tộc trong việc bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu.