Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố (đặc biệt là các huyện giáp biên giới Campuchia) tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là đối với những người thường xuyên qua lại khu vực biên giới giữa hai nước, khách du lịch và người chăn nuôi nắm rõ diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi để chung sức thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẩn trương thực hiện Kế hoạch chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2018, xây dựng Kế hoạch năm 2019; trong đó phải tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với lợn có dấu hiệu bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ hoặc trong quá trình vận chuyển, các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, giăm bông, xúc xích… và dự trù kinh phí chống dịch khi dịch bệnh xảy ra.
Đồng thời chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y, hệ thống nhân viên thú y xã phường, thị trấn kiểm tra, giám sát thường xuyên dịch bệnh trên đàn lợn nuôi tại địa phương. Tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại, vệ sinh tiêu độc khử trùng người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
Trạm Kiểm dịch Cửa khẩu biên giới, Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn. Kiên quyết xử lý đối với những trường hợp nhập lậu lợn qua tuyến biên giới và vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc.
Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố phối hợp với ngành chức năng địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thành lập các Đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, An Giang là tỉnh có đường biên giới dài, nên nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc trong tỉnh thông qua việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu qua các đường mòn, lối mở tại các vùng tiếp giáp biên giới là rất cao, do đó, ông Trần Anh Thư yêu cầu Sở Công Thương tỉnh An Giang (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389) chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tăng cường việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tổ chức lấy mẫu xét nghiệm khi có nghi ngờ bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng thời tổ chức tiêu hủy đúng theo quy định.
ỦBND tỉnh cũng yêu cầu đơn đơn vị thông tin tuyên truyền tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người dân về tác hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi, khi phát hiện lợn nuôi nghi bệnh hoặc phát hiện buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới thì thông báo với chính quyền địa phương, thú y cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời.
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người nhưng lây lan mạnh trên đàn lợn. Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), từ đầu năm 2017 đến 31/10/2018 đã có 19 quốc gia báo cáo phát hiện các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại Trung Quốc phát hiện trên 54 ổ dịch ở 13 tỉnh; trong đó đã xuất hiện tại Simao của thành phố Phổ Nhĩ cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150 km.
Hiện nay, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc là rất cao; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa vi rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.