VN-Index vượt mốc 1.270 điểm, chuyên gia kỳ vọng sẽ nối dài đà phục hồi

Nếu như phiên trước, áp lực bán dâng cao khiến các chỉ số chính nới rộng đà giảm, thì tới phiên giao dịch chứng khoán chiều 23/8, VN-Index bật tăng hơn 10 điểm với 1.270,81 điểm.

Chú thích ảnh
Hàng trăm mã đảo chiều tăng giá giúp VN-Index tăng mạnh vào nửa cuối phiên chiều 23/8.

Điểm nhấn của phiên chiều 23/8, VN-Index đảo chiều bật tăng trở lại, trong đó có một số mã tăng đáng kể như: BCM tăng 3,4%; VNM tăng 0,9%; MWG tăng 0,9%; BID tăng 0,7%; MSN tăng 0,6%. 
Về cuối phiên cùng ngày, nhóm chứng khoán là tâm điểm với VCI tăng 6,7% với 38.300 đồng/cổ phiếu; VDS +5,6% lên 15.000 đồng/cổ phiếu; CTS +4,8% lên 24.000 đồng/cổ phiếu; AGR +4,7% lên 13.500 đồng/cổ phiếu; BSI +3,1% lên 31.400 đồng/cổ phiếu….

Ở chiều ngược lại, SAB -2,1% xuống 190.000 đồng/cổ phiếu; VIC -1,5% xuống 65.000 đồng/cổ phiếu, các mã như: BVH, VRE, VPB, VJC  giảm nhẹ.

Tại sàn HoSE, 5 cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất là SSI (hơn 32,42 triệu đơn vị), VND (hơn 25,37 triệu đơn vị), HAG (hơn 17,27 triệu đơn vị), HPG (hơn 16,68 triệu đơn vị), HCM (hơn 11,44 triệu đơn vị); 5  cổ phiếu tăng giá nhiều nhất là: TNC (6,99%), VPH (6,99%), AAT (6,99%), CKG (6,99%), TCD (6,95%). Ngoài ra, 5 cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là SVC (-6,96%), TPC (-6,28%), GTA (-5,75%), TCR (-4,64%), NAV (-4,56%).

Đóng cửa, sàn HoSE có 308 mã tăng và 140 mã giảm, VN-Index tăng 10,38 điểm (+0,82%), lên 1.270,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 564,7 triệu đơn vị, giá trị 14.056,77 tỷ đồng, giảm gần 9% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43,9 triệu đơn vị, giá trị 1.532,8 tỷ đồng.

Chốt phiên chiều 23/8, sàn HNX có 141 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 4,41 điểm (+1,5%), lên 299,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 89,5 triệu đơn vị, giá trị 1.907,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,19 triệu đơn vị, giá trị 59 tỷ đồng.

Trước đó, nhận định diễn biến phiên chứng khoán ngày 23/8, đại diện Công ty Chứng khoán BIDV cho biết, VN-Index có thể chinh phục ngưỡng 1.285 điểm. Còn đại diện Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng: Áp lực điều chỉnh sẽ còn tiếp diễn với dòng tiền và tâm lý thị trường đang ngày một yếu đi.

Trong các phiên gần đây, số lượng cổ phiếu chịu áp lực giảm đang ngày một nhiều hơn và điều này cho thấy số người giao dịch ngắn hạn T+ có lãi đang dần ít đi trong khi số người bị mất tiền gia tăng. Một yếu tố bất lợi cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là TTCK quốc tế cũng đang có những diễn biến kém thuận lợi so với vài tuần trước nên TVSI nhận định: Áp lực điều chỉnh sẽ còn tiếp diễn và nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thuận lợi cho việc giải ngân.

Nhận định về TTCK Việt Nam, ông Trần Đức Anh - Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết: TTCK đã trải qua nhịp phục hồi tương đối tích cực trong nửa đầu tháng 8/2022, nối tiếp đà tăng từ cuối tháng 7/2022. Động lực tăng của thị trường trong giai đoạn vừa qua đến từ cả các yếu tố trong nước cũng như ngoại biên

“Tôi thiên về kịch bản VN-Index sẽ nối dài đà phục hồi và chinh phục ngưỡng 1.300 điểm vào cuối tháng 8/2022 khi các điều kiện thị trường đang tiếp tục được cải thiện. Một chiến lược mua và nắm giữ trung hạn ở các nhóm cổ phiếu nền tảng tốt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin…và chờ đợi dòng tiền tìm đến sẽ là chiến lược tốn ít chi phí và hiệu quả hơn”, ông Trần Đức Anh dự báo.

Theo ông Trần Đức Anh, thanh khoản TTCK hiện hồi phục tương đối tốt, song song với đà hồi phục của VN-Index khi tâm lý nhà đầu tư đã hứng khởi hơn. Giai đoạn hiện tại các thông tin trong nước tương đối trầm lắng, ngoại trừ số liệu vĩ mô tháng 8/2022. Trong nước, một số thông tin đang được chờ đợi về động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vào cuối quý III/2022, đầu quý IV/2022; Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; biến động một số loại hàng hóa và tác động lên lạm phát…

Đối với thông tin quốc tế, trọng tâm vẫn là tình hình lạm phát, biến động giá các loại hàng hóa, sức khoẻ nền kinh tế Mỹ và châu Âu cùng rủi ro suy thoái, tình hình COVID-19 tại Trung Quốc.

Đại diện Quỹ AFC Vietnam Fund cho rằng, khó có thể kỳ vọng thanh khoản quay lại mức trước khi Chính phủ thanh tra giám sát TTCK khoán và bắt tạm giam một số đối tượng đã lũng đoạn thị trường. Bản chất các dòng tiền này đã bị cuốn ra khỏi thị trường, các giao dịch tay trái, tay phải cũng giảm đi đáng kể nên thanh khoản buộc phải giảm so với đỉnh cao. Tuy nhiên, vẫn ở mức rất cao trong nhiều năm trở lại đây.

Về mặt chỉ số VN-Index, nếu các thông tin về lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện sẽ hỗ trợ lớn cho TTCK, tiếp theo đó là các thông tin từ bên ngoài như lạm phát tại Mỹ, EU hay tình hình chiến sự Nga - Ukraine. Nếu các yếu tố bên ngoài này được dàn xếp tốt, TTCK sẽ được hưởng lợi lớn về mặt tâm lý, giúp chỉ số thị trường tăng cao.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Thị trường chứng khoán: Sức hấp dẫn từ tăng trưởng bất ngờ của kinh tế nội địa
Thị trường chứng khoán: Sức hấp dẫn từ tăng trưởng bất ngờ của kinh tế nội địa

Giá trị và khối lượng giao dịch của khối ngoại duy trì tích cực gần một tháng qua đã góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giữ đà phục hồi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN