Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2021, toàn ngành Thuế đã xử lý được 29,3 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế (trong đó xử lý khoanh nợ 25,8 nghìn tỷ đồng, xóa nợ thuế không còn khả năng thu hồi 3,5 nghìn tỷ đồng), theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Để kéo giảm nợ thuế về dưới 5% trên tổng thu ngân sách, ngành Thuế đang dồn lực rà soát, đôn đốc thu kịp thời các khoản thuế hết thời gian được gia hạn vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
Năm 2021 các đợt dịch COVID-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chưa nộp kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN.
Để kéo giảm nợ thuế, các địa phương đã chủ động rà soát, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng. Tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị liên quan trong xử lý các khoản nợ liên quan đến đất. Mới đây, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục công khai nợ thuế đối với 369 người nộp thuế có số nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất. Trong danh sách này có 6 người nộp thuế nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất kỳ khóa sổ 30/9/2021, với số nợ còn lại đến 1/11/2021 là 264,5 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, mặc dù dịch phức tạp nhưng nhiều khoản thu sắc thuế thu đạt và vượt dự toán. Tổng thu NSNN lũy kế 11 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.180 nghìn tỷ đồng, bằng 105,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,5% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố gia hạn và một số khoản thu đột biến thì bằng 104,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 38.104 tỷ đồng, bằng 164,2% so với dự toán, bằng 120% so với cùng kỳ, thu nội địa ước đạt 1.135.587 tỷ đồng, bằng 103,8% so với dự toán, bằng 107,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 900.567 tỷ đồng, bằng 102,1 % so với dự toán, bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2020.
So với dự toán có 14/18 khoản thu, sắc thuế đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 91%), trong đó một số khoản thu lớn như: doanh nghiệp Nhà nước ước thu đạt 101,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 99,5%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 107,8%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 107,7%; tiền sử dụng đất ước đạt 121,5%; tiền thuê đất ước đạt 125,9%. Số thu thuế, phí nội địa đạt khá so với dự toán là do các địa phương đã mở cửa trở lại, kinh tế dần phục hồi, trong đó có một số khối ngành như: Ngân hàng thương mại, hoạt động kinh doanh đất động sản, hoạt động chuyển nhượng vốn và đầu tư vốn, hoạt động kinh doanh chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho NSNN.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021. Ước tính tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số đơn đề nghị gia hạn là 139.190 đơn, trong đó có 119.708 doanh nghiệp và tổ chức và 19.482 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn 92.825 tỷ đồng. Giải pháp này đã tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo nguồn thu cho ngân sách.
Thời gian tới, ngành thuế sẽ đẩy mạnh công tác quản lý thu trên nền tảng số, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, đẩy mạnh điện tử hóa trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý thu NSNN, bám sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của các doanh nghiệp; đặc biệt là tại những địa bàn ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, những địa bàn đã mở cửa trở lại, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, những doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực được hưởng lợi trong thời gian đại dịch (thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng…).