Trong chiều nay, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng phiên thứ ba liên tiếp, hơn 1,89%, đạt 33.018,65 điểm, thiết lập mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 7/1990.
Tại Trung Quốc, cả hai chỉ số Hang Seng trên sàn giao dịch Hong Kong và Shanghai Composite trên sàn giao dịch Thượng Hải đều tăng, lần lượt là 0,68%, đạt 19.536,77 và 0,15%, đạt 3.233,67 điểm.
Giới quan sát cho biết chứng khoán Trung Quốc lấy lại được một số điểm đã mất ngay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) thông báo hạ lãi suất cho vay ngắn hạn, trong nỗ lực khôi phục niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, những lo lắng về kinh tế và rủi ro địa chính trị đã hạn chế đà tăng, khi dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy nhu cầu giảm, làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư.
Trên một số thị trường khác của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sắc xanh cũng chiếm phần lớn, các chỉ số như S&P 500 của Australia tăng 0,23%, IDX của Thái Lan tăng 0,74% và JSX Composite của Indonesia tăng 0,3%...
Dự kiến, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ sẽ được công bố ngày 13-14/6, cùng ngày với cuộc họp chính sách thường kỳ tháng Sáu của Fed. Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của hai sự kiện trên.
Trong khi niềm tin rằng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định ngày càng tăng cao, việc tăng lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA-tức Ngân hàng trung ương) và Ngân hàng Canada (BoC) vào tuần trước đã khiến các nhà đầu tư "cảnh giác" hơn với chu kỳ thắt chặt tiền tệ tại Mỹ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đưa ra quyết định về lãi suất vào ngày 15/6. Các nhà phân tích dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm, nâng lãi suất lên 3,5% từ mức 3,25% của tháng 5/2023.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến cũng sẽ công bố kế hoạch tiền tệ vào ngày 16/6, với phần lớn ý kiến cho rằng BoJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách cực kỳ lỏng lẻo của ngân hàng này.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 13/6, chỉ số VN-Index tăng 0,58%, lên 1.122,46 điểm, còn HNX-Index tăng 0,38%, đạt 230,25 điểm.