Thống kê giao dịch cụ thể, xét về khối lượng, khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng mạnh nhất các cổ phiếu bất động sản như: VIC, NLG, DXG, KDH, HPX, PDR. Xét về giá trị, cổ phiếu DXG, BCM, KDH, AAA bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt gần 32,6 tỷ đồng, 15,5 tỷ đồng, 8,2 tỷ đồng và 4,25 tỷ đồng… Ở chiều mua, các mã STB, HPG, SSI được bộ phận tự doanh các CTCK mua hàng triệu đơn vị.
Xét về giá trị, các cổ phiếu được mua ròng trên 10 tỷ đồng gồm có mã: HPG, STB, SSI, TCB, VCB, VHM và HSG.
Còn phía Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đang nỗ lực triển khai các công việc để công bố số liệu giao dịch tự doanh theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). “HNX cần thêm thời gian để chuẩn bị về mặt kỹ thuật, vì số liệu này trước đây Sở chưa tách dữ liệu; tuy nhiên, mọi công việc đang được triển khai khẩn trương và chắc chắn HNX cũng sẽ công bố đảm bảo thời hạn mà UBCKNN giao là ngày 23/5)”, lãnh đạo HNX cho biết.
Trước đó, UBCKNN đề nghị Sở GDCK Việt Nam (VNX) chỉ đạo HoSE, HNX thực hiện công bố thông tin cuối ngày giao dịch về tổng khối lượng và tổng giá trị giao dịch mua, bán tự doanh đối với từng mã chứng khoán.
Bên cạnh đó, HoSE, HNX yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Sở GDCK đồng thời công bố nội dung báo cáo giải trình của tổ chức niêm yết/tổ chức đăng ký giao dịch trên trang thông tin điện tử của Sở.
Trước đó từ đầu tháng 3/2022, HoSE đã dừng cung cấp gói dữ liệu tự doanh của công ty chứng khoán để "phục vụ việc rà soát, phát triển sản phẩm mới". Các chuyên gia cũng ngỡ ngàng vì trong bối cảnh thị trường chứng khoán cần sự minh bạch, nhà đầu tư càng có nhiều thông tin càng tốt nhưng giao dịch của khối tự doanh lại bỏ ngỏ một cách bất ngờ.
Trên thực tế, trong đợt giảm sốc của thị trường, đã có rất nhiều nhà đầu tư bị các CTCK force sell cổ phiếu (bán giải chấp) vì chạm ngưỡng vay, dẫn đến mất trắng hoặc "cháy" tài khoản. Mã nào sẽ bị bán, mã nào cho vay nhiều và tỷ lệ vay của các tài khoản bao nhiêu, bộ phận quản lý tài khoản của các công ty chứng khoán đều nắm rõ.
Liên quan đến vấn đề báo chí phản ánh về hiện tượng CTCK quản lý tài khoản, tư vấn lại vừa đầu tư chứng khoán, "vừa đá bòng vừa thổi còi", Bộ Tài chính đã có phản hồi thông tin và cho rằng điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật. Cụ thể: Tại Khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán đã quy định, CTCK được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Theo Bộ Tài chính, CTCK được cấp phép hoạt động nghiệp vụ tự doanh, quản lý tài khoản khách hàng và tư vấn đầu tư chứng khoán có thể có xung đột lợi ích giữa CTCK và khách hàng. Do vậy, để ngăn ngừa, Luật Chứng khoán (Điều 89) và các văn bản hướng dẫn đã quy định hạn chế xung đột lợi ích giữa khách hàng và CTCK theo đó, CTCK có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng.
UBCKNN thực hiện giám sát thường xuyên liên tục qua báo cáo hoặc kiểm tra tại chỗ hoạt động của các CTCK nhằm bảo đảm các CTCK hoạt động tuân thủ quy định pháp luật.