Kính tặng mẹ Trương Thị Hoa, Anh hùng LLVTND tỉnh Hậu Giang
Đoàn làm phim của tỉnh vừa vượt qua cây cầu xi măng cao ngất ngưởng nằm cạnh con rạch nhỏ thì trời đổ mưa tầm tã. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Sấm chớp đì đùng. Trời tối âm âm. Gió rít qua mấy ngọn dừa cao lêu nghêu phát ra những âm thanh rú rít rợn người.
- Phải trú mưa thôi. “Ổng” làm kiểu này thì tiêu tán đường rồi. Tiếng Quang - trưởng đoàn cằn nhằn.
Cả đoàn phim lục tục kéo nhau vào trú ở cái quán cóc ven đường. Máy móc để dồn vào một góc. Mặt ai cũng có vẻ sốt ruột, lo lắng.
- Mấy chú, mấy cô uống tạm mấy ly trà nóng rồi hẵng đi. Mà đoàn mình đi đâu vậy? Nói đi, tui biết tui chỉ cho. Tiếng người phụ nữ chủ quán nhỏ nhẹ.
- Tụi tui đi làm phim về mẹ Hoa, anh hùng lực lượng vũ trang, nghe đâu nhà cũng ở xóm này nè. Chị biết người này hôn?
- Tưởng ai. Hỏi bà Hoa thì xóm này, huyện này từ con nít tới người già ai mà hổng biết bả. Trời đất. Nói thiệt nghe, xóm này nhớ tới cái “chiện” bả chạy xuồng năm lá qua mặt mấy thằng lính gác chở bom, mìn đánh sập cầu Phụng Hiệp mấy lần ngon ơ, ai cũng nổi da gà hết. “Bả” gan cùng mình, cùng mẩy, tụi tui phục sát đất, mấy chú ơi!
- Thì vậy tụi tui mới vác đồ về đây làm phim. Mà gần tới nhà mẹ Hoa chưa chị?
- Qua cầu này chạy một đỗi, nhìn bên phải thấy cái nhà tường thụt vô mé trong, đằng trước có mấy cây bông giấy là tới.
Mưa dịu dần. Cả đoàn rời quán lên đường trong cái lạnh thâm thâm. Nghe tin đoàn làm phim của tỉnh Hậu Giang tới, mẹ đang nằm thiêm thiếp trên chiếc giường nhỏ, hơi thở khó nhọc cố gắng ngồi dậy, đôi mắt sáng lạ thường ở cái tuổi tám mươi của mình. Trên đôi tay gầy guộc đầy vết đồi mồi, gân xanh nổi rõ. Quang và cả đoàn nghe sóng mắt cay cay. Cũng chính đôi tay này mẹ đã hàng trăm lần tải thương, tiếp tế lương thực cho bộ đội công đồn. Đôi tay ấy bao lần chèo ghe đưa bộ đội qua sông trong đêm đen mờ mịt, trong sự truy soát gắt gao của kẻ thù.
Và cũng chính đôi tay gầy guộc ấy, mẹ đã vận chuyển hàng chục quả bom để đánh sập bảy cây cầu kiên cố luôn được Mỹ - Ngụy canh phòng cẩn mật ngày đêm trên quốc lộ 1 từ Cần Thơ về Sóc Trăng như Phụng Hiệp, Cầu Trắng, Long Thạnh, Kinh Cùng, Cái Tắc… Sau mỗi lần như vậy, bọn địch đã treo giải thưởng rất lớn cho những ai phát giác, bắt sống được tên Việt Cộng nào đã qua mắt chúng làm những chuyện kinh thiên động địa đến như vậy. Chúng đã thất vọng. Mẹ vẫn ung dung sống giữa lòng địch trong sự chở che đùm bọc của đồng chí, đồng bào.
Những ký ức hào hùng năm xưa lại kéo về trong tâm thức của mẹ, một bà mẹ chân chất đời thường nhưng đã làm nên những kỳ tích và huyền thoại. Tiếng mẹ kể tuy khó nhọc và đôi lúc bị đứt quãng nhưng trong đó ẩn chứa sự phấn khởi, tự hào. Cũng phải thôi. Một nữ chiến sỹ vùng ven Phụng Hiệp đã vinh dự được nhà nước tôn vinh, ghi nhận sự gian lao, anh dũng, mưu trí, dũng cảm bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm ấy, trong cuộc họp chi bộ Đảng tại căn cứ tỉnh ủy Phương Bình. Tiếng Bí thơ chi bộ đầy sự phẫn nộ:
- Bọn giặc lại tiếp tục leo thang chiến tranh, tăng cường lực lượng và vũ khí vào chiến trường Nam Bộ. Lệnh trên yêu cầu chúng ta phải ra sức ngăn chặn, tạo áp lực làm địch hoang mang và tạo tiếng vang phấn khởi cho ta. Trước mắt là đánh sập cho bằng được cầu Phụng Hiệp trong tuần này.
- Tưởng gì. Chuyện “uýnh” cầu để tui lãnh. Dễ còn hơn lấy đồ trong túi. Tiếng mẹ Hoa cười khanh khách.
- Không được. Lúc này địch canh gác giữ lắm. Nguy hiểm vô cùng. Chị là đàn bà đã có năm đứa con rồi. Lỡ có gì thì tội nghiệp xấp nhỏ. Để tui. Nếu có hy sanh thì cũng có một mình. Tiếng Hai Tánh chen vô.
- Tui đề nghị không cho chị Hoa và anh Tánh đánh cầu lần này. Nhà tui gần cầu tui rành chuyện đổi gác của chúng, tui mới mười sáu tuổi nên tụi nó ít để ý tới. Để tui “mần” tụi nó cho. Tiếng Thà khẩn khoản.
- Mấy cha nghĩ sao vậy? Bộ đàn bà hổng biết “uýnh” giặc hả? Năm sáu đứa con thì mắc mớ gì? Một chục đứa tui cũng bỏ lại để đi “uýnh” cầu. Mà nè, nói thiệt, tui đã “uýnh” cả chục trận rồi, có sao đâu. Kinh nghiệm đầy mình rồi. Thôi đề nghị không bàn nữa. Để tui.
Thấy mẹ Hoa kiên quyết, mọi người lặng thinh. Mà suy cho cùng, chỉ có mẹ mới có kinh nghiệm và đủ mưu lược đảm đương nhiệm vụ đặc biệt này.
- Thôi được. Chị Hoa về lên phương án đánh cầu và báo cáo lại cho tui. Để an toàn, tui cho thằng Tánh, thằng Thà chạy ghe phía sau hỗ trợ, có gì thì tùy nghi chiến đấu. Mà nè. Tui đưa chị mười lăm ngàn đồng để hộ thân. Lỡ có “bể” chuyện, chị lấy tiến này lo lót cho tụi lính gác để qua truông, hổng được hy sinh vô ích nghe.
- Tui chấp hành. Tui nhứt định “uýnh” cầu ngon lành và mang đủ số tiền này để trả lại cho đơn vị. Tiếng mẹ Hoa dứt khoát, đanh gọn.
Đêm ba mươi sâu mênh mông. Mưa rả rích trên bảy con sông chảy về Ngã Bảy. Gió lạnh thổi phần phật. Trên chiếc xuồng năm lá, mẹ Hoa chất đầy chuối và khoai lang sống. Đằng sau xuồng là chị Phận, nữ đặc công đảm nhiệm lái chiếc máy Kô Le 04 chạy phom phom. Mặt chị lạnh lùng không nói một lời. Nết của chị trước mỗi trận đánh là vậy. Trong khoang ghe là con Lai - Đứa con gái thứ năm của mẹ đang ngủ ngon lành trên tấm đệm bằng lát. Trong tay nó còn cầm củ khoai lang Thanh Ngọc màu tim tím. Nhìn con mà mẹ vừa thương vừa lo. Dưới lườn chiếc ghe, mẹ Hoa đã buộc chặt hai trái bom của Mỹ đã được hẹn giờ nổ lúc một giờ khuya. Giờ con nước lớn đầy sông. Hồi chiều khi thấy mẹ Hoa chuẩn bị đem con Lai theo, thằng Thà thắc mắc:
- Nguy hiểm vầy mà chị đem nó theo làm chi. Lỡ có gì rồi tính sao?
- Tui biết chớ. “uýnh” nhiều lần tụi nó sanh nghi chiêu cũ. Lần này tui đem nó theo là có sự “tính tán” của tui. Mà có gì thì mẹ con tui hy sanh vì nước vì dân, chồng tui và mấy đứa nhỏ chắc hổng trách móc gì đâu. Mẹ trả lời.
Chiếc xuồng cứ tiến dần đến phía cầu Phụng Hiệp. Phía sau là chiếc tắc ráng chở đầy mía cây do thằng Thà cầm lái, hai Tánh ngồi trước mũi, hai khẩu súng đạn đã lên nòng nhét gữa đống mía cao nghều nghệu.
- Ê. Con mẹ kia. Khuya lơ khuya lắc vậy mà bà đi đâu vậy? Ê đừng có chở bom đánh cầu nghe bà nội. Tiếng người trung sỹ Ngụy đang gìm súng đứng trên chiếc giang thuyền neo đậu giữa sông quát lớn khi xuồng mẹ Hoa tiến dần đến.
- Mấy anh thông cảm. Tui ở ngoài cù lao Ông Thiệu chở chuối với khoai tính vô Búng Tàu bán, nhưng dọc đường đứa nhỏ đau bụng quá nên mới quay ra kiếm thầy thuốc. Thôi mấy anh cho tui đi để nó rên la quá trời.
- Rên la thì chuyện của bà. Tấp xuồng vô đây để kiểm tra. Đêm nay bà ngủ tại đây. Sáng mai nếu không có bom mìn nào nổ thì tui cho bà đi. Nếu có thì… mấy người xuống âm ty mà ở. Vô lẹ. Chậm là tui bắn chìm xuồng đó.
Nói xong, hắn cầm súng lên đạn nghe rốp rốp. Trong đêm tối. Trán mẹ Hoa và chị Phận rịn mồ hôi. Làm sao bây giờ? Bom đã cài giờ nổ không thể thay đổi. Phía sau, trên chiếc tắc ráng, Hai Tánh và Thà đã luồn tay vào đống mía nắm chặt súng chuẩn bị chiến đấu, họ đang chờ mẹ Hoa ra lệnh.
Bỗng dưng, tiếng con Lai khóc thét thật thảm thương, thật đau xót, thật nao lòng trong cơn quằn quại giữa đêm vắng tối om.
- Đau quá mẹ ơi! Con đau quá trời.
Tên trung sỹ dung đèn pin rọi sang xuồng và bắt gặp khuôn mặt đầy nước mắt, xanh lét vì đau đớn của con Lai. Ngẫm nghĩ, dò xét hồi lâu, hắn buông giọng:
- Thôi đi đi bà nội. Bán buôn sóng gió mà chở con nít bệnh hoạn đi làm chi cho nó lu bu. Lỡ có chết thì có mà chết theo. Đi lẹ đi.
Chỉ chờ có vậy. Chiếc xuồng tách ra chỗ đậu của chiếc giang thuyền tiếp tục lao về phía cầu. Nước đang ròng chảy rất xiết. Mẹ Hoa ôm con mà nước mắt tuôn trào. Mẹ có lỗi với con mình nhiều quá. Trong tình thế hiểm nghèo, mẹ đã luồn tay vào chiếc mền con Lai đang đắp và nhéo thật mạnh vào bắp đùi của nó làm nó giật mình khóc thét lên vì bất ngờ và đau đớn. Phía sau xuồng Phận cũng khóc theo. Duy chỉ có con Lai là vô tâm không hiểu sao mình lại bị đòn oan.
Chiếc xuồng chỉ còn cách cầu Phụng Hiệp năm mươi thước. Trên mặt nước là chiếc dây thừng lúc nổi, lúc chìm giăng ngang cả lòng sông. Nó làm nhiệm vụ rà “bom, mìn” của Việt cộng xung quanh cầu. Chị Phận giảm ga rồi trườn mình ra phía mũi xuồng. Cả hai dùng lắc nhịp nhàng cho mũi xuồng lún sâu xuống mặt nước để hai trái bom dưới lườn xuồng đi qua sợi dây rà trót lọt. Ba mươi… hai mươi… rồi mười thước… Cầu Phụng Hiệp ngày càng gần và lớn hơn. Mẹ Hoa nhanh chóng cắt dây treo bom. Bom chìm nghỉm xuống chân cầu như đã định. Chị Phận tăng tốc.
Chiếc xuồng chạy băng băng theo con nước ròng đang chảy xiết về phía sông cái. Mười phút sau. Một tiếng nổ long trời lở đất kèm theo những tia sáng phun vọt lên bầu trời đêm. Những tiếng kêu răng rắc kéo dài. Ầm. ..Ầm… Một khối đen khổng lồ đổ sụp xuống lòng sông rộng. Cầu đã sập. Tiếng động cơ của máy bay trực thăng bắt đầu quần đảo. Hỏa châu bắn từng đợt sáng cả bảy ngã sông. Thuyền địch hú còi tới lui chân cầu để chở xác và lính gác cầu bị thương. Hàng trăm chiếc ghe buôn đang neo đậu bừng tỉnh giấc vội vàng nhổ neo tháo chạy tứ tung bất kể phương hướng. Xa xa, trên chiếc tắc ráng, Hai Tánh và Thà cười khoái chí. Trên chiếc xuồng của mình mẹ Hoa đang ôm con gái của mình vào lòng khóc sướt mướt và xin lỗi rối rít:
- Con tha lỗi cho mẹ con ơi. Vì nhiệm vụ mà con bị đòn oan. Còn còn nhỏ quá, lớn lên con sẽ hiểu và cảm thông cho mẹ…
Tiếng Quang đưa mẹ Hoa trở về thực tại:
- Sao mẹ đặt tên chị đó là Lai?
- Tao với ổng mong muốn có hòa bình, thống nhứt, hổng còn chiến tranh, nên mới đặt tên cho xấp nhỏ là: Hoàn Toàn, Thảnh, Thơi, Thắng Lợi, Tương Lai, Thống Nhất, có vậy thôi mà.
- Thôi mẹ chuẩn bị để tụi con làm nhiệm vụ. Quang nhắc khẽ.
- Nhiệm vụ gì? tao hổng rành.
- Thì tụi con sẽ ghi hình, dựng cảnh, làm phim về mẹ.
- Trời đất quỷ thần ơi! Thôi đi. Kêu tao kể chuyện “uýnh” cầu thì tao kể ngọt sớt, có sao nói vậy. Chớ làm ba cái vụ “phim ảnh”, “triền hình” thì tao hổng mần đâu. “Chiện” đó thiếu gì người khác còn ngon hơn tao nhiều. Tức giặc nên tao liều mạng với nó thôi. Công cán gì lớn lao đâu bây. Thôi cho tao xin cái vụ này nghe.
Nới xong mẹ Hoa gọi con dâu đỡ mình nằm xuống chiếc giường nhỏ cạnh cửa sổ nhìn ra con rạch nước đang lớn dần theo với tiếng bìm bịp rền vang.
Ngoài sân, đoàn làm phim lục tục xếp dụng cụ ra về. Không một thước phim, không một hình ảnh nào được ghi lại nhưng trong họ, thành công lớn nhất là đã được gặp mẹ, nghe mẹ kể chuyện, dặn dò. Trên khung cửa sổ, hình ảnh mẹ như lồng vào tấm bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với nụ cười đôn hậu đến lạ thường. Có lẽ mẹ nhớ về những đứa con mình dù đang ở xa vẫn đang quanh quẩn đâu đây, nhớ về đồng đội một thời cùng chung lưng đấu cật diệt thù trên sông nước quê hương, nhớ về những trận đánh tử sinh…
Tam Anh