Quê hương nơi đầu sóng ngọn gió

(Cảm nhận sau khi đọc bài thơ: “Rau muống ở Trường Sa” của Nguyễn Hưng Hải)

Rau muống ở Trường Sa

Cũng xanh như thể vườn nhà

Đọt rau muống ở Trường Sa xanh rờn

Mấy khay đất hóa mảnh vườn

Treo trên sóng những vui buồn tháng năm

Nhọc nhằn cho mỗi bữa ăn

Ở nơi sóng gió quanh năm bất ngờ

Tôi và đồng đội thẫn thờ

Ngọn rau đã ngắt phải chờ bao hôm?

Mấy khay đất cứ xanh rờn

Xanh như từ gốc mảnh vườn ở quê

Đảo dù mặn chát bốn bề

Mưa - mồ hôi lính ngọt về cọng rau

Như là đồng đội thương nhau

Ở trong khay đất ngọn rau chẳng buồn

Lá mầm theo nắng mà vươn

Theo chân lính - những mảnh vườn cứ xanh

Bão qua khay đất chòng chành

Chẳng lay được rễ bám quanh tháng ngày

Dù cho cọng héo thân gầy

Dù cho bão sóng vẫn đầy sức vươn

Tháng 10/2011 (Rút trong tập: “Chiều mưa hai đứa đợi tàu”, NXB Quân đội Nhân dân, năm 2013)

 

Xanh mát vườn rau muống trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Lê Sơn

 

Ai đã một lần được đặt chân lên huyện đảo Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc sẽ càng thấu hiểu nỗi gian truân của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây: nắng gió, bão giông bất thường, nguồn nước ngọt vô cùng khan hiếm, kẻ thù luôn rình rập, điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt... Vậy mà các cán bộ chiến sĩ của chúng ta vẫn kiên cường bám trụ và thật bất ngờ, những ngọn rau vẫn xanh mướt, cây vẫn đơm hoa kết trái như tinh thần bất khuất của người Việt ta.


Để tăng cường nguồn rau xanh cung cấp cho bữa ăn hàng ngày, đất được chuyển từ đất liền ra đựng trong các hộp xốp phục vụ trồng rau trên các đảo chìm và đảo nổi. Mỗi ngọn rau xanh giữa trùng khơi đầy nắng gió được đổi bằng bao công lao khó nhọc và mồ hôi. Từ hiện thực ấy, bài thơ: “Rau muống ở Trường Sa” của Nguyễn Hưng Hải đã khái quát và nâng lên tầm nghệ thuật.


Nếu ba câu thơ đầu mới chỉ phác họa vườn “treo” độc đáo ở Trường Sa thì câu thứ tư đã ẩn chứa những suy tư trăn trở: “Treo trên sóng những vui buồn tháng năm”. “Những vui buồn tháng năm” ấy gợi rất rất nhiều suy tư, trăn trở và tâm trạng. Tác giả thấu hiểu được nỗi niềm của những người bám trụ lại nơi đây.


Cũng chính từ sự đồng cảm ấy mà tác giả cảm nhận được nỗi: “Nhọc nhằn cho mỗi bữa ăn” giữa trùng khơi. Câu hỏi tu từ ở cuối khổ thơ thứ hai: “Ngọn rau đã ngắt phải chờ bao hôm?” đầy sự cảm thông cho nỗi vất vả của người gieo trồng, chăm chút và hy vọng để có được thành quả không chỉ là vật chất thông thường. Tứ thơ được triển khai rất tự nhiên và khá đắt: “Mấy khay đất cứ xanh rờn/ Xanh như từ gốc mảnh vườn ở quê/ Đảo dù mặn chát bốn bề/ Mưa - mồ hôi lính ngọt về cọng rau”. Vị mặn của: “Mưa - mồ hôi lính” đã hóa vị “ngọt” của rau, phép tương phản “Mặn“ - “Ngọt” làm nổi bật giá trị của mỗi cọng rau bé nhỏ ở nơi đảo xa. Mấy khay đất nhỏ kia cùng mầu xanh mơn mởn mang hồn làng quê, hồn đất nước.


Bài thơ được đẩy lên một cung bậc mới khi tác giả so sánh sức sống của những ngọn rau vươn lên trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt với ý chí, tình đồng đội của những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây: “Như là đồng đội thương nhau/ Ở trong khay đất ngọn rau chẳng buồn/ Lá mầm theo nắng mà vươn”. Những vật tưởng như vô tri kia cũng thấu hiểu tình cảm, ý chí, tâm tư của con người, “nắng” kia đâu chỉ là ánh mặt trời mà hơn thế là niềm tin, vì vậy: “Theo chân lính - những mảnh vườn cứ xanh”, mầu xanh ấy không chỉ của những ngọn rau mà còn là của sức sống và hy vọng mãnh liệt, chữ “cứ” đặt trong dòng thơ này thật là đắc địa. Bài thơ mở ra một không gian rộng lớn hơn mầu xanh của những mảnh vườn đặc biệt kia khi tác giả khéo léo với những ẩn dụ: “Bão qua khay đất chòng chành”, bên cạnh những cơn thịnh nộ của tự nhiên thì “bão” ấy còn mang rất nhiều sức gợi, thì vẫn “Chẳng lay được rễ bám quanh tháng ngày/... Dù cho bão sóng vẫn đầy sức vươn”. Bài thơ được viết theo thể lục bát khá nhuần càng làm tăng giá trị biểu cảm.


Người viết bài này tháng 6/2010 may mắn được đi thăm sáu đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Dẫu đã từng là người lính trải qua bao khó khăn, nguy hiểm ở “chảo lửa” Quảng Trị năm 1972, vậy mà không thể không khâm phục ý chí kiên cường bám trụ của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa. Không chỉ có các vườn treo với rau muống mà còn bao loại rau, củ, quả, các sắc hoa cùng gia súc, gia cầm và cả những tiếng chim gù khoan thai, tiếng đàn, tiếng sáo và tiếng trẻ học bài âm vang trên sóng. Cũng chính vì vậy khi đọc bài thơ: “Rau muống ở Trường Sa” của Nguyễn Hưng Hải, tôi càng thấu hiểu, trong bao màu xanh ở Trường Sa, tác giả chọn hình ảnh rau muống đại diện cho mảnh vườn quê Việt, bởi dù đi đâu, ở đâu thì: “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” - (Ca dao). Mỗi ngọn rau cũng chứa bao tâm sự, quê hương thấp thoáng trong mỗi mảnh vườn xanh. Tổ quốc hiện hữu thật gần và rất tự nhiên.


Trần Vân Hạc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN