Nhớ mẹ mùa Vu Lan

Mẹ sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà ông ngoại của con là một nhà nho mẫu mực. Ông mẫu mực trong những quan niệm nho giáo với những bài học dạy các con cháu về luân thường đạo lý, tứ đức tam tòng. Nhà ông bà ngoại đông con, nghèo khó. Các dì các cậu đều phải ly tán kiếm ăn từ Bắc vào Nam. Đất nước thống nhất anh em mới được đoàn tụ trong mừng mừng tủi tủi.

May mắn nhất trong đàn con đông đúc của ông bà là mẹ được đi học, được thi vào Trường trung cấp sư phạm, trở thành cô giáo năm mẹ 21 tuổi. Mẹ về làm dâu khi chưa tốt nghiệp trường trung cấp. Ba hồi đó là một anh bộ đội tuấn tú, điển trai. Ba hơn mẹ 10 tuổi. Cả cuộc đời của mẹ, ba là người đàn ông duy nhất mà mẹ yêu thương, ngưỡng mộ, tôn thờ.

Minh họa. Ảnh: Trần Thắng


Mẹ tốt nghiệp Trung cấp sư phạm là lúc con gái đầu lòng ra đời. Mẹ bồng con về quê ba dạy học. Suốt đời quân ngũ, ba đi biền biệt, chỉ về thăm mẹ khi đi công tác hoặc nghỉ phép. Một mình mẹ vừa dạy học vừa nuôi con. Nghe mẹ kể 2 đứa con gái đầu lòng chỉ toàn ăn cháo trắng với muối. Bữa ăn ngon nhất của mẹ hồi đó là cơm trắng và 2 con cá trích. Nhiều khi đi qua chợ thèm một lá bún chấm mắm tôm mà không có tiền để mua. Tuổi 20 đẹp và sung sức nhất của mẹ cũng là những năm tháng ba mẹ xa nhau triền miên.

Giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, mẹ bồng 2 đứa con về ở với ông bà ngoại. Ngày 1/9 âm lịch năm 1965, mẹ đang đứng dạy trên lớp học sau vườn ổi của ông ngoại thì máy bay Mỹ từ hạm đội 7 ngoài Thái Bình Dương đem bom dội vào lớp học. Đó là một ngày tang thương nhất của gia đình và cũng là một ngày đau thương của cả làng. Ông ngoại bị một mảnh bom vào đầu vì ông đã xuống hầm trễ để lo cho 2 cháu ngoại vào hầm trước. Căn nhà của ông bà bị sập một mái. Trên lớp học mẹ bị một mảnh bom vào trán.

Một cô học sinh đã xé áo băng vết thương cho mẹ trong khi máu chảy xối xả trên mặt mẹ. Mười mấy học trò trong lớp học chết nằm la liệt trước mặt mẹ. Đám tang ông ngoại trong buổi chiều hôm đó cùng với rất nhiều đám tang của học trò mẹ. Hành động ném bom của đế quốc Mỹ vào trường học lúc đó đã làm chấn động dư luận của cả trong nước và nước ngoài. Suốt 50 năm sau vết thương trên trán của mẹ lúc trở trời trái gió lại đau nhức. Những ngày cuối đời của mẹ chính vết thương đó đã làm cho mẹ lúc nhớ, lúc quên, lúc mê, lúc tỉnh. Và cũng 40 năm sau đó mẹ mới được công nhận là thương binh.

Ba nhận điện tín mẹ bị thương và ông ngoại mất sau đó một tuần. Từ Hải Phòng ba đạp xe gần 500km mới về đến nhà viếng ông, chăm sóc vết thương và gội đầu cho mẹ sau gốc khế bên nhà ông bà ngoại.

Suốt cuộc đời của mẹ, những lá thư ba viết, những tấm thiệp ba gửi, mẹ giữ như báu vật cuộc đời. Cả ba và mẹ đều sống vì một tình yêu và một lý tưởng của thời đại. Chính vì vậy những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất cũng chính là năm tháng mà mẹ đã phấn đấu để trở thành một cô Hiệu trưởng. Mẹ đi dạy và đem các con đi sơ tán hết từ làng này sang làng khác, để vừa công tác, vừa nuôi con học hành cho xứng đáng với ba.

Ba được quân đội cử đi học nước ngoài 5 năm cũng là 5 năm vất vả nhất của cuộc đời mẹ. Mẹ chạy ăn từng bữa để nuôi đàn con thơ dại. Những lúc mẹ ở trên lớp, bà ngoại ở nhà thay mẹ nhai cơm mớm cho các em. Các con không bao giờ quên được những lần một mình mẹ đi bệnh xá sinh nở, bà ngoại xách cái làn và cái đèn phòng không lẽo đẽo theo sau. 8 đứa con chỉ có hai lần mẹ  sinh nở là có ba bên cạnh. Còn lại mẹ phải vượt cạn một mình.

Thế mà mẹ vẫn phấn đấu để trở thành một cô giáo, một Hiệu trưởng suốt 20 năm, đào tạo bao thế hệ học trò trưởng thành. Khi mẹ mất đi các thế hệ học trò lần lượt trở về đứng trước bàn thờ của mẹ báo cáo với mẹ sự trưởng thành của họ và gọi tên cô Vy.

Sau giải phóng miền Nam cả đất nước gặp nhiều khó khăn. Đồng lương giáo viên và bộ đội của ba và mẹ không đủ để mua gạo cho con. Cả một đàn con 7 đứa đang tuổi lớn, ăn như tằm ăn rỗi. Các con không có một bữa ăn no. Nhìn đàn con nheo nhóc không đành, mẹ xin thôi không làm Hiệu trưởng để vừa đi dạy vừa đi buôn lạc từ nhà ra Hà Nội.

Những ngày không có giờ trên lớp mẹ mua lạc thồ trên xe đạp lên ga Cầu Giát theo các tàu hàng ra Hà Nội, chen chúc trong các toa than, toa chở hàng, ăn cơm nắm để bán được mấy bì lạc, kiếm chút tiền chênh lệch đem về mua gạo cho con. Các con đi học, cuốc bộ 5,6km về nhà, nhìn nồi cơm có một vắt bột mì làm thành bánh, một bát mì sợi mẹ để dành cho, hôm nào cũng ứa nước mắt vì thèm một bữa ăn no.

Các con không khi nào quên được bữa cơm của gia đình mình: Một đàn con lít nhít ngồi xung quanh một cái mươn tre, trên chất đầy rau diếp thái nhỏ cùng với một bát nước chấm là một quả trứng vịt  được hòa trong nước cơm. Không có đủ gạo để nấu cả một nồi cơm, mẹ phải bỏ gạo vào miếng vải màn cho chung vào nồi khoai lát để đến khi khoai chín rút miếng vải màn lên có được một bát cơm nhai cho đứa con nhỏ nhất.

Mẹ tần tảo nuôi các con và nghĩ ra hết việc này đến việc khác để nuôi con. Các con không có một tuổi thơ được ăn no và ngủ đẫy giấc. Đứa thì dệt vải, đứa cào rác, đứa đi hốt mùn cưa, đứa đem rau ra chợ bán. Đói nghèo đeo đẳng từ năm này đến năm khác. Là một cô giáo nhưng mẹ phải bước qua sĩ diện của mình để gánh một gánh hàng xén ra chợ. Một buổi đi dạy, một buổi ngồi ngoài chợ, để kiếm tiền nuôi con. Những năm tháng mà cả dân tộc ai cũng đói nghèo nhưng nhà đông con thì nỗi cơ cực, vất vả, cay đắng của mẹ lại càng thêm chồng chất.

Các con cũng không bao giờ quên được khi mẹ đi chợ về một trái chuối cắt thành 5-6 lát, mỗi đứa chỉ được một lát. Cũng không bao giờ quên được những lúc bão tố nhà toàn đàn bà con gái, ba không có nhà mẹ hò hét đứa này đứa kia đem nồi niêu đi hứng nước dột. Những đêm hôm con cái bệnh tật, phải ẵm vào Vinh cấp cứu, xe cộ không có mẹ nằm lăn ra đường để chặn xe kêu van người ta cho lên xe để kịp đưa em đi bệnh viện. Cũng nhờ tình yêu con mà mẹ cứu được một đứa con.
 
Lúc con cái lớn lên, ba mẹ lại lo nghề lo nghiệp, dựng vợ gả chồng. Trong tủ của mẹ toàn là những cuốn sổ để ghi chi tiêu hàng ngày, tiền chợ búa, quần áo, giỗ, chạp cưới xin… mẹ cặm cụi ghi chép lo sợ hụt đầu này đầu kia. Nghèo đói, đông con khiến cho mẹ lúc nào cũng nơm nớp cất đặt, sắp xếp, tằn tiện chắt chiu. Cho đến khi mẹ ra đi, trong ngôi nhà của mẹ chỗ nào cũng thấy mẹ tận dụng cất đặt không dám vứt đi, bỏ đi một cái gì. Ngay một cái bóng điện thắp cho sáng nhà sáng cửa, mẹ cũng phải bắt thay bằng bóng tiết kiệm điện. Được đồng nào mẹ gom góp lo cho thuốc thang khi bệnh tật, cho cháu này cháu kia khi chúng đi lấy chồng,

Tuổi già, bệnh tật, mẹ quên đi nhiều thứ nhưng có những ngày mẹ không bao giờ quên đó là ngày 20/11, là ngày hiến chương các nhà giáo, 22/12 là ngày thành lập quân đội, ngày cưới của ba mẹ và ngày giỗ em Quân cùng với sinh nhật các con cháu. Cả ba và mẹ đều là những đảng viên 40, 50 năm tuổi Đảng, vì vậy các con không ngạc nhiên là những ngày tháng ốm đau trước khi ra đi, ba và mẹ vẫn đòi đi họp chi bộ và đó cũng là những lần sinh hoạt Đảng cuối cùng của những người đảng viên tôn thờ lý tưởng của mình.

Đi chơi ở đâu ở nhà đứa nào, mẹ cũng chỉ được vài ba tháng rồi mẹ lại đòi về nhà. Vì trong căn nhà của mẹ có bàn thờ của ba, xung quanh mẹ có anh em, bà con chòm xóm và tình yêu của mẹ với làng quê đã lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ của mẹ.

Ngày ba về hưu, mẹ vào tận Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đón ba về. Niềm hạnh phúc của ba mẹ lúc tuổi già chưa được bao lâu thì ba lại bệnh tật. 8 năm trời ba đau ốm là 8 năm mẹ lẽo đẽo theo ba đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, sớm hôm nâng giấc lo thuốc men, cơm cháo cho ba.

Ba ra đi đem theo hết cả sinh lực của cuộc đời mẹ. Mẹ suy sụp rất nhanh từ khi ba mất. Gặp lại mẹ ai cũng không ngờ mẹ già và yếu nhanh đến vậy. Mẹ yêu ba đến suốt cả cuộc đời. Còn chút sinh lực cuối cùng khi từ bệnh viện về nhà, mẹ giành giật thời gian sống để kêu con cháu đẩy mẹ trên xe lăn ra ngồi trước bàn thờ của ba và khóc.

Mùa Vu Lan này chúng con ngấm dần nỗi đau mất mẹ. Một đàn con của mẹ đã trở thành gia thất nhưng trong căn nhà này thiếu bóng mẹ chúng con như đàn gà mất mẹ. Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng con khi bước chân vào căn nhà này là không được nhìn thấy mẹ. Khi còn mẹ chúng con còn một điểm tựa để sum vầy. Khi còn mẹ quê hương làng xóm là tiếng gọi thôi thúc, bước chân để quay về với mẹ. Mẹ đi rồi tất cả là nỗi trống vắng, không bao giờ, không có gì có thể thay thế được hình ảnh của mẹ.

Hồ Tú Anh
Vu Lan vắng mẹ
Vu Lan vắng mẹ

Mẹ không thuộc về thế giới trần tục. Vì vậy mà nửa đời còn lại, mẹ không sống cùng gia đình. Mẹ xây một cái am nhỏ ngoài đê, thỉnh Phật về thờ, ngày ngày gõ mõ tụng kinh. Lúc đầu nghe mẹ bàn chuyện ra riêng để tu tại gia, ba phản đối kịch liệt:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN