Một lần viếng mộ Đại tướng

Tôi gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo cách gọi thân thương là: Bác Giáp - cách mà người dân Việt Nam đã dành sự tôn kính với Bác Hồ, Bác Tôn. Tôi biết về cuộc đời và chiến công của Đại tướng nhờ sự đam mê lịch sử, sự tìm tòi các tài liệu quý và qua lời kể của ông bà. Bên cạnh Bác Hồ, Đại tướng là thần tượng của gia đình tôi. Ông tôi và ba tôi đều là lính Cụ Hồ nên việc tôi xem một người dũng tướng oai nghiêm như Đại tướng là thần tượng là lẽ tất nhiên. Trước ngày tôi cùng nhà trường có chuyến tham quan Vũng Chùa - Đảo Yến, ông tôi bảo: “Về thuật lại quang cảnh nơi yên nghỉ của Đại tướng cho ông nghe”.

Chúng tôi đến Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Trạch, Quảng Bình) vào một ngày nắng trong veo, mây xanh ngắt. Màu đất đỏ vàng nơi đây mặn mà, chất phác như tấm lòng của người dân xứ Quảng Bình. Dòng người đi du lịch, viếng mộ đông nghẹt như hồi Đại tướng mới vừa nằm xuống lòng đất mẹ.
Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.

Khu vực an nghỉ của Đại tướng nằm trên ngọn núi Thọ (Thọ Sơn) trong quần thể Vũng Chùa, cách đèo Ngang khoảng chừng 7 km. Nơi Đại tướng nằm xuống thật thanh bình, yên ả: có núi, đảo, biển, cây xanh và cả tiếng chim hót quanh năm. Không gian nhẹ nhàng, trìu mến như chính con người của Đại tướng. Nằm yên dưới lòng đất mẹ, Đại tướng được nghe tiếng sóng biển Đông vỗ rì rào vào bờ như lời mẹ quê hương ru khúc dân ca Quảng Bình.

Cây cối được gió lay uyển chuyển, đã cùng lũ chim nghệ sĩ tạo nên những âm điệu trầm bổng, du dương. Dòng người đi viếng đông nghịt. Mọi người rất ý thức chấp hành nội quy, lặng lẽ thành kính thắp nén nhang cho Đại tướng và khấn nguyện vài lời mong mỏi: cầu cho nước nhà mãi được bình yên, giàu mạnh để không phụ lòng của Đại tướng và Hồ Chủ tịch kính yêu. Ai cũng tiếc nuối vì sự ra đi của Người, dẫu biết rằng quy luật của tạo hóa: “sinh lão bệnh tử” buộc phải tuân theo.

Một giáo viên dạy môn lịch sử đi cùng đoàn với tôi cố gắng chụp rất nhiều hình nơi an nghỉ của Đại Tướng để về làm tư liệu giảng dạy học sinh. Cô nói: “Chuyến đi này cô thu hoạch được rất nhiều điều ý nghĩa”. Cô còn cho biết thêm, chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) để lại dấu ấn khó phai trong lòng mọi người, vị Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp tài ba, đáng kính. Ấy thế mà nội dung môn lịch sử 12 không nhắc gì về chiến công của Đại Tướng, đó là một sự thiếu sót lớn. Đây là dịp để cô giúp học sinh nhớ về nguồn cội, những người con tuyệt vời đã làm rạng danh đất nước Việt Nam. Chắc chắn trong mỗi buổi lên lớp của cô, sẽ không thiếu những tấm ảnh sinh động về địa danh Vũng Chùa - Đảo Yến.

Đoàn chúng tôi rời khu mộ Đại tướng khi ánh nắng mặt trời đã dịu nhẹ. Buổi chiều đến trong luyến tiếc. Ai cũng muốn ở lại thêm giây lát để thành kính trước một vĩ nhân kiệt xuất. Dù chưa một lần gặp mặt Người khi còn sống, nhưng trong tâm trí của cả đoàn đều vẽ ra những ước mơ cao xa.


Đặng Trung Thành

Những người canh giấc Đại tướng
Những người canh giấc Đại tướng

Trăng tháng chín sáng rừng rực phủ trùm núi Thọ Sơn. Những bóng xanh trong lễ phục đặc chủng chỉ dành cho chiến sĩ giữ mộ Đại tướng vẫn lặng lẽ đi tuần trong tư thế nghiêm trang của người lính đang làm nhiệm vụ rất đặc biệt và vinh quang là canh giữ mộ phần của người anh hùng dân tộc...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN