Bến sông Kiến Giang một chiều cuối hạ. Nắng đã nhạt dần nhưng trời vẫn còn oi bức khó chịu. Ông Hân lọc cọc nạng gỗ chậm rãi ra ngồi bên gốc bần to cuối mỏm lở bờ bắc buông cần câu. Cũng như mọi chiều, ông thanh thản buông cần, nhấp nhấp cái phao ni lông trắng không có vẻ chờ đợi một cái gì đó cụ thể. Hình như với ông Hân việc đi câu chỉ là một thú chơi. Từ xa, tiếng thằng cháu nội gọi rành rọt: "Ông nội ơi, cháu cuốc ở vườn nhà được mấy con giun, bà gói lại bảo đem ra cho ông làm mồi câu cá đây này. Ông nội ơi...". Ông Hân nhìn thằng cháu nội nhễ nhại mồ hôi, tay khư khư gói lá, mắng yêu: "Cha mi, chạy từ từ nghe. Mi chạy vậy coi chừng vấp ngã đó. Đưa gói mồi đây cho ông rồi về nói bà tắm cho mát. Chiều tối ông về!". Thằng cháu đưa mồi câu cá cho ông rồi chạy khuất bóng. Ông Hân quay lại với chiếc cần câu buông lững lờ, nghĩ mông lung về quá khứ: Chà, nhanh thật, thoáng đấy mà đã mấy chục năm trời...
Cuối tháng 11 âm lịch năm 1972, đơn vị C10 của ông chuẩn bị tham gia chiến dịch Bình Trị Thiên vào dịp mùa mưa. Rét cắt da cắt thịt. Từ đường 1 nối với đường 15 Trường Sơn bộ đội phải qua lại bến đò của gia đình cô Tư, bất kể ngày đêm. Đó là nhiệm vụ bất di bất dịch của HTX phó thác cho gia đình cô Tư lúc đó. Vùng đất eo thắt khu 4 này, không quân, hải quân Mỹ đều muốn biến nó thành "chảo lửa", nhằm hủy diệt con nguời và sự sống của vùng này. Thời gian đó, không ngày đêm nào, không làng xóm nào trên đất Quảng Bình vắng tiếng bom đạn Mỹ. Bom đạn từ máy bay gieo cái chết xuống, đạn pháo từ tàu chiến rình rập ngoài biển nã vào. Mức độ khốc liệt của chiến tranh, phá hoại của kẻ địch trên đất khu 4 có thể nói đã lên đến đỉnh điểm. Nhưng không một thủ đoạn dã man, tàn bạo nào của chúng có thể khuất phục được tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất của quân và dân Quảng Bình, quê vợ yêu dấu của ông.
Thằng cháu nội ra ngồi một bên với ông từ bao giờ không biết nữa. Thấy cái phao câu nhíu nhíu, thằng cháu la to:
- Cất cần câu nhanh lên ông nội ơi, cá cắn câu rồi kìa. Cá ăn mồi rồi ông ơi...
Bỗng dưng nó giật mạnh cần câu từ tay ông. Con cá lóc bự làm cần câu vít cong. Thằng cháu choài người thủ thế. Ông Hân giật mình, như bừng tỉnh sau những suy nghĩ quá khứ đang như thước phim quay chậm trong đầu. Nhìn con cá lóc đang quẫy đành đạch bên cạnh, ông Hân tấm tắc khen thằng cháu nội, còn nó thì cười như nắc nẻ: "Ông cháu ta thiệt giỏi... Bữa nay lại có cá để bà nấu canh rồi...". Ông Hân vui lây cái vui của thằng cháu nội nhưng tự trách mình vô tâm, đi câu mà cá cắn câu từ khi nào chẳng biết. Thực ra, tâm trạng của ông mấy bữa nay rất khác. Những năm tháng còn lại của ông là những chuỗi dài khát vọng. Tuổi xuân ông đã trôi đi trong máu lửa của cuộc chiến bảo vệ giang sơn đất nước. Nói đúng hơn là những trận đánh ác liệt nhất vẫn ở đất làng Quảng này. Một vùng đất chỉ hơn hai nghìn hộ dân mà xưởng máy, công sở, trường học được đưa xuống lòng đất; nông dân vẫn tay cày tay súng; trẻ em đội mũ rơm tránh đạn bom vẫn cần mẫn đến trường. Các trận địa pháo phòng không canh trực suốt ngày đêm, sẵn sàng vít cổ "thần sấm" "con ma", "pháo đài bay B52". Mạch máu giao thông luôn luôn thông suốt. Người và hàng hóa từ hậu phương miền Bắc vẫn tuôn chảy về "vùng eo núm rốn" khúc ruột miền Trung để rồi tỏa đi muôn ngả chi viện cho chiến trường "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Ngày ấy ông Hân là một chiến sỹ 24 tuổi, lính cao xạ bám trụ ở phía bắc Quảng Bình, đã chứng kiến nhịp sống, chiến đấu, lao động và học tập của quân và dân nơi đây, đặc biệt nhất là những ngày mùa đông giá buốt. Ông rất cảm phục ý chí, nghị lực của những người dân chân chất, mộc mạc ở vùng quê này nên đã gắn chặt đời mình với mảnh đất nghĩa tình đó.
Dòng Kiến Giang lặng lờ trôi, thi thoảng một ngọn gió mát lành thổi về làm mấy dề lục bình có những cánh hoa tim tím xuôi dòng thơ mộng, gợi nhớ những kỷ niệm đẹp của người chiến binh ngày nào. Cần câu buông yên bình, phao câu trăng trắng nhấp nháy như một mũi tên vạch một đường sóng nước lăn tăn. Ông Hân móc thuốc hút, thong thả nhấp nhấp cần câu lấy lệ và trầm ngâm suy nghĩ. Ngày chủ nhật, được nghỉ học, thằng cháu nội 11 tuổi lại cầm thêm một cần câu nữa ra ngồi góp chuyện với ông. Nhìn ông nội lơ đãng buông câu, thằng nhỏ rất thắc mắc nhưng lúc này nó chẳng hỏi được ai đành gói những ý nghĩ đó lại định bụng về hỏi bà. Không biết có phải công việc câu cá được thằng bé toàn tâm toàn ý không mà số phận hai con cá lóc to bự đã được định đoạt. Xách cá về nhà, thằng nhỏ lại ra bờ sông ngồi câu với ông. Bên kia ông nội vẫn lim dim đôi mắt hướng nhìn lơ đãng. Và thước phim vẫn tiếp tục quay lại quá khứ trong tâm tưởng của người thương binh, cựu chiến binh 72 tuổi. Gia đình, vợ con, cháu, bạn bè... mọi người sum họp yên vui. Được như vậy thật đáng quý, nhưng có được điều hưởng phúc cắm lại mảnh đất lành chim đậu đến ngày hôm nay ông Hân càng biết ơn gia đình, đồng đội...
Thước phim quay lại quãng thời gian 1972. Đơn vị C10 được lệnh vào Nam gấp. Dịp ấy là mùa xuân, đánh chiếm thành cổ Quảng Trị. Đã mấy ngày nay, những cơn sốt rét liên tục hành hạ khiến chiến sỹ Hân không ra khỏi căn hầm của gia đình bác Hậu. "Quân với dân như cá với nước", bác Hậu đề nghị: "Các chú cứ vô trước, chú Hân ở lại đây, gia đình tui chăm lo thuốc thang, khi mô lành bệnh sẽ vô sau". Tình thế không thể chần chừ, Đại đội trưởng đồng ý ngay. Nhà bác Hậu có hai căn hầm, một để vợ chồng bác và mấy em nhỏ, bác bố trí Hân ở cùng hầm với cô Tư đang ôn thi hết cấp 3. Bác Hậu gái giãy nảy: "Không được mô, con Tư không ở chung với chú bộ đội được..". Bác Hậu chặc lưỡi: "Sao không được, mụ nói sao không được? Bộ đội có kỷ luật sắt".
Ngoài căn bệnh sốt rét, chú bộ đội còn bị ghẻ lở đầy người. Trai Hà Nội không quen thông thổ nên phá ghẻ lở, hắc lào tùm lum. "Phi ghẻ lở, hắc lào bất thành lính tráng", câu cửa miệng thật đúng với chú bộ đội Hân. Một hôm em Tư trước khi đi học được bọ gọi lại bảo: "Mi đi học, qua rú vặt lá muồng trâu về làm thuốc cho chú bộ đội". Có lá muồng trâu, bác Hậu gái chất củi đốt bếp đun một nồi to nước lá với nắm muối. Chiều đó, bác Hậu kéo chú bộ đội ra cửa hầm, bắt nằm sấp, tuột quần, vén áo vạch lưng lên để nhể ghẻ. Ghẻ cái, ghẻ đực, con to con nhỏ đào thành rãnh giao thông hào trên cơ thể người lính trẻ chưa dứt hết các cơn sốt. Mũi kim nhể tới đâu, chú bộ đội, thích thú đến đó. Thật không có cái gì thoải mái quá đã như nhể ghẻ. Mà lại được bàn tay giàu kinh nghiệm nhể nữa chứ. Quá đã. Quá sướng. Cảm giác tình thương mến thương đó chắc đến già chú bộ đội cũng không thể nào quên được. Tắm lá muồng trâu, nhể ghẻ đang có chiều hướng tốt thì gặp “sự cố”. Đấy là việc bác Hậu không bố trí được thời gian nhể ghẻ, tắm chà xát cho chú bộ đội vì còn phải trực chở đò ngoài bến. Tính đi tính lại, chỉ em Tư là ít nhiều có thời gian.
Vả lại, thời gian ở chung căn hầm, hai người cũng đã tự nhiên. Dẻo chuyện như trai Hà Nội, tự nhiên như gái Quảng. Những giây phút chạm chân, chạm tay, em Tư và bộ đội Hân bén hơi nhau lúc nào chẳng rõ. Vết lở loét của ghẻ, của hắc lào dần hết thì tình cảm hai người ngày một sâu nặng. Một hôm tỉnh lại sau cơn sốt, hình ảnh em Tư đập vào tâm trí bộ đội Hân làm người lính trẻ không quên được. Ngày tháng trôi qua, lá muồng trâu thơm thơm ngai ngái, tình yêu của đôi trẻ đến thật tự nhiên. Các cơn sốt lui dần, lui dần, da dẻ chú bộ đội đã hồng hào trở lại, và cũng có một lần... Bọ mạ bận việc ngoài bến, mấy đứa nhỏ đi học. Căn hầm chỉ có hai người... Cái hương tóc người con gái ấy đã hòa dần vào tâm hồn anh bộ đội. Họ đến với nhau thật tự nhiên như hương đồng gió nội, như đói ăn khát uống. Sự việc xảy ra tự nhiên nhưng không phải không có những cái lo lắng, bồng bột của tuổi trẻ. Trong hơi thở gấp gáp, Tư ghé tai người yêu thì thầm: "Anh ơi, chiến tranh sao ác độc vậy kìa. Ngày mai ngày kia anh vào mặt trận, ở ngoài này em biết xoay xở ra sao. Mình sẽ chờ nhau anh nhé. Nhỡ rồi đây em có con thì làm sao?" "Em có bọ mạ, có anh đây, em đừng lo gì cả. Mọi người không bỏ quên em đâu...". "Anh đi chân cứng đá mềm....". "Ngày mai anh sẽ xin phép bọ mạ. Hết giặc anh sẽ quay lại mảnh đất này cùng em xây dựng gia đình. Anh thề... ". Tư đưa bàn tay nhỏ nhắn bụm miệng Hân rối rít: "Khỏi thề thốt, em tin anh mà... Anh yêu của em...".
Thế rồi, chẳng bao lâu bộ đội Hân theo một đơn vị đi vào mặt trận. Vài tháng sau, em Tư cứ mơn mởn phốp pháp tay chân, cái bụng cứ to phởn ra. Không giấu được nữa, mạ lại kêu: "Bọ mi ơi! Đến mà xem, con Tư nó có chửa rồi đó." Bác Hậu lại chặc lưỡi: "Ừ thì sao! Chửa với bộ đội, tình quân dân như cá với nước có chi mà sợ". Thế rồi đúng 9 tháng 10 ngày sau Tư sinh một cậu con trai kháu khỉnh. Mạ lại gọi: "Bọ mi ơi! Vào mà xem con Tư nó sinh cháu trai to khỏe đây nè". Bọ lại chặc lưỡi: "Chiến tranh mà, biết sống chết thế nào. Thấy chú bộ đội đó cũng được đấy, chúng nó thương nhau là đúng thôi. Dạo trước nó có nói nhỏ với tui rồi. Nó xin lỗi tui vì vào trận gấp quá, xin bọ nhận con làm con rể, cho con nhận em Tư làm vợ... Tui đã đồng ý rồi mà...". Cả nhà không biết đặt tên thằng bé là gì nên cứ gọi là cu Hân. Khi đất nước yên bình, cả nhà cứ ngóng đợi chú Hân. Bọ mạ và cả nhà chẳng ai biết chú Hân họ, tên, quê quán ở mô. Trong bầu không khí chiến thắng, mẹ con thằng cu Hân cứ ra bến đò đợi mãi. Đoàn này qua, đoàn khác lại. Mẹ con cu Hân vẫn không nản chí.
Ngờ đâu, một đêm trăng sáng của tháng Tám, linh tính báo trước cho mẹ con cu Hân mần răng mà cả hai mẹ con đưa nhau ra bến đò. Rứa là nghe tiếng kêu "Đò ơi...". Mẹ con cu Hân mừng quá lớn, theo đò sang sông đón người. Rứa là chú Hân, một thương binh mất mắt trái và chân phải ở chiến trường Quảng Trị. Hai người đã nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi. Họ đưa nhau về nhà, trong tiếng chào nấc nghẹn của người lính và tiếng khóc nức nở của Tư. Tuy hai người chưa có gì chấp nhận là vợ là chồng, dù chỉ một lời hứa hẹn trước lúc chia tay vào trận nhưng có một thằng cu Hân bọ mạ vẫn "bảo toàn lực lượng" cho chú đấy. Vài ngày sau, chú thương binh xin bọ mạ "thứ lỗi cho con trăm ngàn lần, cho con gửi lại mạ con cu Hân và khuyên em Tư đi lấy chồng khác, đừng thương con nữa. Nếu thương con thì Tư nặng gánh lắm bọ mạ ơi. Răng chú bộ đội nói mần rứa tội nghiệp. Chừ bọ mạ nói cho con nghe nè, gia đình bọ mạ có ba đứa anh trai, vào trận hy sinh hết rồi. Chừ con may mắn về đây, con Tư bọ mạ gả cho con từ ngày đó rồi.
Thằng cu Hân bọ mạ phụ che chở cho con đầy đủ đó. Chừ con về Hà Nội thưa với cha mẹ ngoài nớ đi, vô trong ni ở với bọ mạ. Chừ bọ mạ không còn ai nữa, bọ mạ nói rứa con có ưng thì nói cho bọ mạ biết, chứ đừng ngại chi hết. Thương binh thì thương binh, cứ ở với bọ mạ là bọ mạ vui sướng lắm rồi. Hân cảm động giơ cả hai tay lên trời: "Con cảm ơn bọ mạ nhiều lắm. Gia đình con ngoài Khâm Thiên, Hà Nội bị bom trận “Điện Biên Phủ trên không” chết hết rồi. Con đã được thằng cu này là cục vàng mà bọ mạ chắt chiu củ khoai, củ sắn nuôi cháu nên người. Thật đáng quý. Đó là niềm hạnh phúc quá lớn lao của đời con. Nhưng con xin bọ mạ và em Tư một điều, hãy để cho con quay về trại an dưỡng của Quân khu để Nhà nước chăm sóc. Vì con đã tàn phế rồi bọ mạ ơi. Nếu con ở lại chỉ làm một gánh nặng cho em Tư và gia đình ta thôi." Bỗng từ phía cuối sân, gốc cây ổi, tiếng của Tư vang lên tha thiết: "Không ! Em rất cần anh, con cũng rất cần ba...". "Đừng ngại, đã có bọ mạ và vợ con con đây mà...". Tiếng thằng cu Hân reo to: "Ba của con. Ba của con mà...".
Đã gần bốn mươi mùa xuân đi qua, người thương binh tên Hân và cô Tư ngày ấy, nay đã trở thành ông bà nội, ngoại. Họ sống vui khỏe, hạnh phúc. Cu Hân con ngày đó bây giờ là Bí thư Đảng ủy xuất sắc của quê nhà. Chiều chiều ông Hân lại cùng cháu nội ra mỏm sông bên gốc cây bần to và những bụi lá muồng trâu xanh um thong thả buông cần câu với biết bao kỷ niệm vui buồn của làng Quảng anh hùng.
Dương Thiên Lý