- Chị Lan ơi, tối nay có văn công dưới xuôi lên biểu diễn đấy. Chị em mình đi xem nhé.
- Thôi, chị không đi đâu. Chị sốt ruột quá. Đứa học sinh cả tuần nay bỏ học, không biết có chuyện gì không. Chỉ nghe lũ trẻ bảo nó bị ốm. Tối nay chị đến nhà nó xem ốm đau thế nào.
- Gớm, đúng là cô giáo miền xuôi nhiệt tình quá. Coi chừng quên tuổi xuân đấy. Hương - cô giáo cùng trường nhí nhảnh bông đùa. Cô thừa hiểu tính chị nhiệt tình tâm huyết với các em học sinh, chỉ cần có em nào đó nghỉ học là bồn chồn lo lắng đến mất ngủ.
Mặt trời buông xuống ngọn đồi chỉ còn lại những vết son đỏ ối phía chân trời. Mới ngày nào đến bản Nậm Luông, vậy mà thấm thoát đã một năm có lẻ. Một năm có bao chuyện buồn vui, vậy mà cái bản nghèo khó này chẳng có gì đổi mới ngoài những đứa trẻ quá tuổi được phổ cập tới trường. Nhìn xa xăm phía chân trời đỏ ối, chị nhớ lại cái buổi đầu tiên dạy chữ cho lũ trẻ trong căn phòng trống hoác gió lùa lạnh thấu xương. Nghe ông chủ tịch xã nói, trước đó cũng có một cô giáo miền xuôi được phân công lên dạy học, nhưng chưa đầy 3 tháng, cô đã phải rời bỏ bản làng trở lại thành phố vì không chịu được khó khăn gian khổ ngày 2 buổi vượt suối băng đồi đạp xe đến lớp, để rồi mỗi đêm trở về trong căn phòng tập thể, làm bạn với tắc kè và ôm nỗi cô đơn. Với chị thì khác, chị đã quen cảnh chân lấm tay bùn từ bé. Ngày ở quê, buổi đi học, buổi theo mẹ ra đồng cầy cấy bùn ngập đầu gối chẳng nề hà gì. Tối về xoa chân phủi cát rồi lăn lên giường ngủ. Gần chục năm dạy học ở thành phố, cuộc sống phồn hoa đô thị cũng không làm chị mất đi bản chất thôn quê. Không phải chị không biết ăn diện, thời trang, mà chị nghĩ đến sự mẫu mực của người giáo viên đứng trên bục giảng. Với vội chiếc áo dạ, chị đi nhanh về phía bờ sông.
- Đò ơi! Đò ơi. Có ai lái đò không cho tôi qua sông với. Tiếng gọi đò như bị nuốt vào không gian tĩnh mịch. Ánh trăng đầu tuần lễnh loãng mặt sông. Cơn gió mùa đông cộng với mưa phùn càng thêm giá buốt.
- Ai đấy, ai gọi đò đấy. Tôi sang liền, chờ tôi tí nhá. Chiếc đò nhỏ như lá tre từ bên kia bờ sông hiện dần, giọng người lái đò khàn đặc.
- Ai sang sông đấy. Trời mưa tối thế này còn đi đâu nữa?
- Cho tôi sang bản Nậm Pao. Qua đò đến Nậm Pao có xa không anh?
- Không xa nhưng đường khó đi, phải qua một ngọn đồi và một con suối nhỏ nữa.
Chị bước lên đò. Lần đầu tiên chị đi thăm học sinh tối thế này. Chị không lo đường xa, mỏi chân, mà chị lo em học sinh đang ốm nặng.
- Chị không phải là người ở bản này à? Tiếng người lái đò cắt ngang dòng suy nghĩ.
- Vâng, tôi chỉ đến đây công tác mới hơn một năm.
- Chắc chị đi thăm người thân hay bà con ở Nậm Pao?
- Không, tôi đi thăm một học sinh bị ốm. Hơn một tuần rồi em ấy không đến lớp.
- Á, vậy chị là cô giáo. Ở bản Nậm Luông này trước đây cũng có một cô giáo miền xuôi về dạy học, nhưng nghe nói không trụ được nên về thành phố rồi. Ở vùng khó khăn gian khổ này ít cô giáo nào miền xuôi lên trụ được lắm. Chiếc đò lặng lẽ lướt đi, tiếng mái chèo khua trong nước. Dưới ánh trăng, dáng người lái đò đổ xuống mặt sông theo bóng cây sào.
- Tôi xin gửi anh tiền đò.
- Của chị hết hai ngàn.
Chị bước lên bờ đi nhanh về phía bản Nậm Pao. Hình ảnh em học sinh bị ốm ẩn hiện trong đầu chị. Đốm sáng le lói trong ngôi nhà tranh phía chân đồi hiện dần trước mặt.
- Quân ơi, có ai ở nhà không? Tiếng chị lọt thỏm vào hư không, chị gọi to lần nữa. Quân ơi, có phải nhà em đây không?
- Ai đấy?
- Xin lỗi, đây có phải là nhà em Quân không ạ?
- Phải rồi. Cô là ai đấy? Tiếng người phụ nữ ngái ngủ.
- Dạ, cháu là cô giáo của em Quân. Nghe em bị ốm cả tuần không đến lớp, cháu đến thăm em ạ.
- Ôi trời, cô giáo. Quân ơi, mày dậy đi.
Người đàn bà trạc tuổi 50 vén màn ngồi dậy. Bà lần đầu giường với bao diêm, châm đèn đi về phía cửa.
- Cô giáo nhiệt tình quá. Đêm tối mưa rét thế này. Mời cô vào nhà. Quân ơi, cô giáo đến thăm mày đây này.
Trong ánh đèn dầu loang loáng, căn nhà của em học sinh hiện lên vài chiếc chum cũ, hai chiếc giường bằng tre, bên phải kê chiếc bàn học bị gãy một chân chắp bằng ống nứa.
- Em bị ốm thế nào? Cả tuần nay Quân không đi học, cô và các bạn đều lo.
- Thưa cô em bị sốt ạ, em không kịp viết giấy xin phép cô. Quân nhìn cô giáo đón sự cảm thông.
- Chả giấu gì cô giáo, chủ nhật tuần trước hai mẹ con lên rẫy trỉa bắp gặp trời mưa to, nó bị cảm lạnh. Nó đỡ rồi. Ở giữa rừng này, thuốc chủ yếu là lá rừng thôi. Thứ 2 tuần tới nó sẽ đi học được mà.
Nhìn Quân, nhìn mẹ em và căn nhà trống trải, chị chạnh lòng xúc động. Thì ra những đứa trẻ chị gặp trên lớp đã thấy rất thương, nhưng tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của các em còn đáng thương hơn nhiều. Nhìn đồng hồ đã 9 giờ đêm, không biết anh lái đò còn thức không? Tạm biệt em học sinh và người mẹ, chị vội vã trở về. Mưa bắt đầu nặng hạt, chị vừa đi vừa chạy ra bến đò.
- Anh gì ơi. Anh lái đò ơi.
- Ai đấy?
- Tôi là cô giáo đây.
- Trời ơi, mưa thế này mà cô cũng về. Sao không nghỉ lại nhà học sinh mai về sớm? Vào đây, nhanh lên, mưa ướt hết rồi. Người lái đò cầm tay chị kéo vào chiếc chòi lá.
- Chị mặc chiếc áo này đi cho ấm, mưa lạnh dễ ốm lắm. Cử chỉ của người lái đò chân thành như giữa hai người đã quen biết từ lâu. Đèn ắc qui bật sáng, anh lái đò cởi chiếc mũ len gần như che kín một phần khuôn mặt.
- Tôi tên là Thành. Trời mưa to quá, chẳng biết chị có về được không.
- Tôi phải về ngày mai còn đến lớp nữa. Tôi tên Lan. Anh lái đò ở đây lâu chưa?
- Hơn ba năm rồi, cái nghề chở khách qua sông như cái duyên, chứ trai tráng như tôi ai làm nghề này bao giờ.
- Anh là người bản này à?
- Không, tôi từ Thanh Hóa tới.
- Tôi thì người Khánh Hòa. Cũng vì yêu nghề giáo nên đến đây dạy học.
- Ồ thế à. Trước đây tôi cũng là giáo viên cấp tốc ở huyện nhà, nhưng rồi đành bỏ dở để phục vụ quân đội. Đời người lái đò như con thuyền không bến đỗ, người này qua đò, người khác lại tới, họ chỉ nhớ đò chứ mấy người nhớ ông lái đò là ai.
Ngoài trời mưa như trút nước, khúc sông bỗng chốc mịt mù, chiếc đò lá tre chứa đầy nước mưa. Lan như ngồi trên đống lửa, kim đồng hồ đã chỉ 10 giờ đêm. Chẳng nhẽ cơn mưa kéo dài suốt đêm nay? Rồi công việc ngày mai đến lớp? Lan càng mong trời tạnh thì mưa càng lớn.
- Chị đừng sốt ruột quá, nếu trời không tạnh chị cứ nghỉ lại đây.
- Không, tôi chỉ thấy không tiện cho anh. Mưa tôi cũng phải về. Nói là vậy, nhưng Lan biết chắc chắn không thể qua sông nếu mưa không tạnh, nhưng không thể ở đây cả đêm với người đàn ông xa lạ. Lan như cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng kỳ thực trong lòng Lan đang lo lắng. Một tiếng trôi qua, mặt sông dâng đầy nước. Nước từ thượng nguồn đổ về ầm ầm, cây cối tả tơi, ánh trăng lễnh loãng mặt sông biến mất, thay vào đó là bầu trời đen kịt. Biết không thể qua sông, Lan thở dài thườn thượt. Trong ánh đèn ắc qui, dưới mái tóc dài thướt tha là khuôn mặt tròn trĩnh như ánh trăng rằm. Giấu nét e lẹ, Lan nhìn quanh chòi lá. Chiếc nồi cơm nhỏ lăn lóc trong góc bếp, một chiếc tủ cá nhân, bộ quần áo sờn màu trên móc. Dừng lại ở chiếc mũ hải quân, chị hỏi người lái đò.
- Lúc nãy anh nói anh đi bộ đội à? Có phải anh lính hải quân không? Không trả lời có hay không, người lái đò nhìn ra khoảng mưa trước chòi còn nặng hạt, giọng anh trầm buồn.
- Tôi xung phong ra Trường Sa xây đảo. Cái ngày ấy nói đi Trường Sa đồng nghĩa với sinh tử biệt ly không hẹn ngày về, dẫu biết gian khổ nhưng ai cũng háo hức. Tôi cùng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 công binh hải quân xây đảo Gạc Ma, và Cô Lin. Sự kiện Trường Sa năm 88 rất khốc liệt. Tôi mất một chân ngay trong trận chiến đấu ấy. Người lái đò kéo cao ống quần để lộ chiếc chân trái giả bằng nhựa ngả mầu vàng ố theo dòng chảy của thời gian. Anh nhìn lên chiếc mũ hải quân treo trên mắc áo. - Chiếc mũ ấy thấm máu bao đồng đội đã ngã xuống. Trận chiến đấu ở đảo Cô Lin cả đời tôi không bao giờ quên được.
- Em xin lỗi, vô tình em chạm vào nỗi đau của anh. Lan dịu dàng đổi cách xưng hô. Cô không ngờ ngồi trước mặt mình là người lính hải quân đầy nghị lực đã một thời vác đá xây Trường Sa và chịu nhiều hi sinh mất mát. Cuộc đời anh gắn liền với Trường Sa và xây những công trình trên đảo, để rồi sau sự kiện Trường Sa 88, một phần thân thể của anh vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Lan không muốn hỏi thêm gì nữa, cô sợ chạm vào ký ức đau thương của anh. Trong tim Lan dâng trào niềm xúc cảm chân thành. Cô muốn sẻ chia nỗi buồn mà người lái đò đang gánh chịu. Còn Thành buồn buồn, anh chẳng biết nói gì ngoài châm hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, nhìn ra khoảng trống vô hình miên man hồi tưởng về năm tháng ở Trường Sa...
Hơn 10 năm ở Trường Sa, tuổi trẻ qua mau, Thành trở thành trai già ế vợ. Ngày tuổi thiếu niên, một buổi đi học, một buổi theo cha chèo đò chở khách qua sông. Ước mơ lớn nhất của Thành là trở thành thầy giáo trường làng. Ngày nhận quyết định biên chế thành giáo viên chính thức sau gần một năm thỉnh giảng, cũng là ngày Thành nhận lệnh gọi nhập ngũ. Bữa cơm liên hoan nghèo tiễn biệt người thân, Thành bưng bát cơm sắn nhiều hơn gạo mà ứa nước mắt. Mẹ Thành bảo: Đời lính nhiều vất vả nay đây mai đó, con hãy chọn nghề giáo viên cho yên phận, nhưng Thành quả quyết: “Tổ quốc cần con, Trường Sa đang cần những người lính trẻ, con phải đi khi đồng đội đang chờ”. Tiễn Thành lên tận huyện giao quân, người mẹ già cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Xe chuyển bánh, bóng mẹ xa dần, Thành quay đi giấu giọt nước mắt. Mới đó mà đã hơn 13 năm kể từ ngày nhập ngũ. Thời gian như mũi tên bắn đi, chẳng đợi chờ ai.
- Anh ơi, trời sáng rồi, em phải về để đến lớp nữa. Tiếng Lan gọi cắt ngang dòng hồi tưởng của Thành.
- Em cứ ngồi đấy để anh ra đổ nước trong thuyền. Chiếc đò lá tre loáng cái được Thành vét cạn nước mưa. Lan bước lên đò nhanh chóng qua sông, họ chỉ kịp trao cho nhau dòng địa chỉ rồi nói lời tạm biệt. Phía bên kia sông, mấy bà đi chợ sớm í ới gọi đò ơi.
*
* *
- Cháu ơi, cho chú hỏi thăm nhà cô giáo Lan ở bản Nậm Luông đi đường nào? Lũ trẻ nhìn Thành từ đầu đến chân, nhìn chiếc xe đạp không gác đờ bu.
- Chú đi qua ngọn đồi kia, rẽ phải là tới. Một đứa lớn nhất trong lũ trẻ chỉ tay về phía ngọn đồi. Một đứa khác thì thầm: Hình như người yêu của cô giáo Lan đấy, chúng cười hóm hỉnh.
- Chú ơi, cô Lan là cô giáo của cháu đấy, chú là người yêu của cô Lan à?
- Không, chú là bạn cô Lan thôi. Chú đi nhé.
Con đường vào nhà Lan không gồ ghề nhưng ngoằn nghèo leo dốc. Bám theo vạt đồi, Thành rướn người trên chiếc xe đạp bỏ xa lũ trẻ lại phía sau. Ngôi nhà nhỏ phía cuối nương ngô rút dần khoảng cách. Nhà của cô giáo Lan đây sao? Ở một mình giữa vạt đồi rộng lớn này sao? Thành gọi lớn.
- Lan ơi, cô giáo Lan ơi.
- Ai đấy. Tiếng Lan vọng ra từ nương ngô. Cô như không tin nổi vào mắt mình, thật hay mơ.
- Anh là?
-Lan... Lan... anh... Lan giật mình quay lại. Thành muốn nói một điều gì đó không biết bắt đầu thế nào. Thành gãi đầu gãi tai.
- Có việc gì anh cứ nói đi.
- Sau cái buổi chúng ta gặp nhau ở bến đò tối ấy, hình ảnh em đã thao thức trong anh. Hôm nay anh đến đây để nói với em điều ấy.
Lan như bị điện giật, trái tim cô đập loạn xạ. Còn Thành, lần đầu tiên anh sẻ chia tình cảm chân thành với một người con gái tuổi chớm 30, cái tuổi của người đàn bà bắt đầu căng ứ nhựa. Thành đứng dậy cầm tay Lan và nhìn sâu vào đôi mắt.
- Lan... Lan... anh yêu em. Thành kéo tay Lan về phía mình, anh ôm chặt bờ vai.
- Anh Thành... Em... tiếng Lan thảng thốt. Nửa cô muốn gỡ tay Thành đang ôm bờ vai mình, nửa cô muốn Thành ôm cô thật chặt. Một luồng máu nóng chạy khắp người Lan, ánh trăng rằm nhô lên cuối chân đồi soi sáng bản nghèo Nậm Hóng.
Mai Thắng