Theo đài Sputnik, ông Matviychuk cho biết cách tiếp cận này – còn được gọi là chiến lược tấn công “thác đổ” – kết hợp các cuộc tấn công hỏa lực phối hợp theo thời gian và địa điểm với các cuộc tấn công trên bộ nhắm vào hậu phương và hai bên sườn của đối phương.
Ông Matviychuk cho biết trước khi dùng đến chiến thuật này, quân đội Nga đã cố gắng mở các cuộc tấn công trực diện vào đối phương, nhưng điều này gây tổn thất về nhân sự.
“Giờ đây, chiến lược này cho phép quân đội Nga cô lập đối thủ về mặt chiến thuật, sau đó tăng cường hoặc đe dọa tăng cường bao vây toàn diện. Và đối thủ chỉ còn lại hai lựa chọn: đầu hàng hoặc chết”, ông Matviychuk cho biết.
Ông nhắc lại rằng chiến thuật này đã được sử dụng trong cuộc tấn công Ugledar và trong các diễn biến mới nhất theo hướng Donetsk. Sau khi những thành công trên chiến trường mở đường cho việc tiếp cận Pokrovsk, ở phía tây Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Nga đã dựa vào các chiến thuật này một cách có hệ thống.
Theo Đại tá quân đội Nga đã nghỉ hưu và là nhà phân tích quân sự dày dạn kinh nghiệm Viktor Litovkin, thuật ngữ “tấn công thác đổ” có thể chỉ nhiều đợt tấn công, bảo vệ vị trí cùng lúc, với mỗi đợt di chuyển liên tiếp.
“Cuộc tấn công thác đổ không nhất thiết phải là một cuộc tấn công trực diện. Có thể bao gồm các cuộc cơ động đánh vào sườn hoặc được thực hiện trên toàn bộ tuyến đầu”, ông lập luận.
Ông Litovkin cũng xác định những thách thức đáng kể mà lực lượng Ukraine phải đối mặt - bao gồm thiếu đạn dược và nhân lực, thiếu hỗ trợ trên không và pháo, cũng như không có khả năng tăng cường lực lượng.
Ông chỉ ra rằng lực lượng Nga vẫn liên tục tấn công vào các tuyến đường tiếp tế của đối thủ, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, ông cảnh báo nhiều binh sĩ Ukraine “thiếu ý chí chiến đấu và không được huấn luyện đầy đủ”.
“Chiến thắng trong cuộc xung đột này phụ thuộc vào tinh thần chiến đấu của binh sĩ trên chiến trường. Nếu quân đội Ukraine không còn tinh thần chiến đấu, họ sẽ không thể tiếp tục chiến đấu nữa”, ông Litovkin kết luận.