Tuy nhiên, những vi phạm đất đai trên lại chưa được chính quyền địa phương thực hiện các quy trình xử lý hiệu quả theo quy định.
Báo động vi phạm khó ngăn chặn
Theo điều tra của phóng viên, địa bàn quận Long Biên còn nhiều vi phạm chưa được giải quyết, tồn tại ở dạng: Xây dựng công trình trên đất chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, sử dụng đất sai mục đích, làm biến dạng hiện trạng đất, tập kết vật liệu trái phép. Phần lớn những vi phạm này xuất hiện từ trước năm 2014, dưới dạng UBND phường lập phương án cho cá nhân, tổ chức thuê đất.
Kết luận Thanh tra chỉ ra, đối với phần đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64, hiện trên địa bàn quận Long Biên có 304 trường hợp với diện tích vi phạm 13,7144 ha. Trong đó, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép là 286 trường hợp với diện tích 13,2939 ha; chuyển nhượng trái quy định có 14 trường hợp với diện tích 0,1725 ha; các vi phạm khác là 4 trường hợp.
Đối với trường hợp vi phạm đất nông nghiệp công ích, đến nay, quận Long Biên còn 17 trường hợp với tổng diện tích vi phạm còn phải xử lý, khắc phục là 0,981 ha; trong đó xây nhà ở trái phép 12 trường hợp với diện tích vi phạm còn phải khắc phục, giải quyết là 0,1274 ha; xây dựng nhà xưởng, nhà kho trái phép 3 trường hợp với diện tích vi phạm là 0,0158 ha; sử dụng làm bến, bãi kinh doanh mặt bằng 1 trường hợp, diện tích vi phạm là 0,0325 ha.
Gần 300 trường hợp vi phạm phần đất công bao gồm bãi bồi ven sông, đất chưa sử dụng và các loại đất công khác do UBND cấp phường quản lý, tồn tại trước năm 2014 với 8,3226 ha. Vi phạm tập trung ở dạng, xây nhà ở trái phép, xây dựng nhà xưởng, nhà kho trái phép, sử dụng bến bãi kinh doanh mặt bằng; xây dựng cơ sở sinh thái, kinh doanh, dịch vụ trái quy định. Dù là đất công do UBND các phường quản lý nhưng việc xử lý sai phạm lại rất hạn chế, mới có 53 trường hợp được xử lý, còn lại 201 trường hợp, với diện tích 7,0578 ha gồm nhà ở trái phép, nhà kho, bến bãi, cơ sở sinh thái… đang tồn tại, chưa biết đến bao giờ bị tháo dỡ.
Đối với việc sử dụng đất vào mục đích kinh tế trang trại, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng được UBND quận phê duyệt, qua điều tra cho thấy, phần lớn phương án đất được quận phê duyệt không xác định loại đất; không có căn cứ pháp luật khi cho phép nhà đầu tư xây dựng công trình trên đất. Đáng chú ý, phần lớn các mô hình thuê đất trên, có “mũ” là sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay cơ bản sử dụng sai mục đích với việc xây dựng nhà xưởng, nhà hàng, kho bãi…
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Long Biên, do tính chất phức tạp của các vi phạm, sự chây ỳ của người sử dụng đất và sự không quyết liệt của UBND phường dẫn đến vi phạm kéo dài, khó xử lý. Hơn nữa, việc thay đổi mô hình quản lý trật tự đô thị cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn.
Hiệu quả xử lý sai phạm đất đai còn thấp
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội theo tinh thần Chỉ thị 04/CT - UBND năm 2014, những năm qua, quận Long Biên đã xử lý được 50% số vụ vi phạm, song diện tích vi phạm bị xử lý chỉ đạt 20,42%. Như vậy, diện tích vi phạm cần phải rốt ráo xử lý còn gần 80%. Kết quả này cho thấy việc xử lý vi phạm ở các phường có sai phạm chưa hiệu quả.
Tại phường Thượng Thanh, đến thời điểm này còn 7.746 mét vuông gồm 47 trường hợp ở tổ 13 tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng nhà ở trước năm 2000 nhưng UBND phường không lập hồ sơ xử lý vi phạm, không xác định được thời điểm xảy ra vi phạm, dẫn tới nhiều trường hợp xây nhà ở kiên cố, chuyển nhượng trái quy định. Song đến nay, các vi phạm chưa được lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh giãi bày: Kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố chỉ ra sai phạm ở địa phương là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, vi phạm tồn tại từ lâu, vắt qua nhiều thời kỳ, hiện nay chính quyền đang loay hoay trong xử lý sai phạm. Địa phương đang có công văn xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên trong xử lý sai phạm, vì vượt quá thẩm quyền.
Tương tự, tại phường Cự Khối, theo Kết luận Thanh tra 316 được Sở Tài nguyên Môi trường thành phố công bố, trên địa bàn có 10 trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, thời điểm xảy ra sai phạm trước năm 2014. Theo lý giải của lãnh đạo phường này, thời gian qua, địa phương chưa lập hồ sơ xử lý sai phạm là do nhận thức của cán bộ còn hạn chế và ngại va chạm. Hiện nay, phường đang thực hiện các phương án và xin ý kiến cấp trên về biện pháp xử lý đối với những công trình vi phạm trên đất. Những cách lý giải như trên cho thấy, trách nhiệm đang bị đùn đẩy, giữa quận và phường trong xử lý sai phạm.
Qua khảo sát trên địa bàn quận Long Biên, phần lớn diện tích đất nông nghiệp, đất công ích cho các cá nhân thuê nhưng không sử dụng vào mục đích nông nghiệp; thực hiện giao đất không qua đấu giá. Dẫn tới nhiều trường hợp sau khi thuê được đất đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng làm nhà xưởng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sinh thái nhưng không được UBND các phường lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định. Thực tế này được Kết luận Thanh tra 316/ KL - STNMT - TTr chỉ ra vi phạm ở các phường: Thượng Thanh, Bồ Đề, Giang Biên, Long Biên, Việt Hưng, Cự Khối, Đức Giang.