Trạm xử lý nước thải 'đắp chiếu' 10 năm, người dân bịt mũi sống với ô nhiễm

Trong khi vấn đề môi trường, nước thải tại các khu, cụm công nghiệp làng nghề đang là vấn đề nhức nhối thì trạm xử lý nước thải tập trung tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) được xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay chưa một lần được vận hành…

Chưa một lần vận hành

Có mặt tại cụm làng nghề tập trung xã Tân Triều lúc 11 giờ trưa mới thấy thực tế đáng buồn nơi đây vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là hàng ngày, có hàng nghìn m3 nước thải đổ ra kênh mương N1.

Nước thải của các cơ sở đều thải ra con kênh này, khiến sông có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Đã sống gần bờ mương này gần chục năm nay, bà Lê Thị Huệ, công nhân vệ sinh môi trường của Cụm sản xuất làng nghề tập trung Tân Triều cho biết, hàng ngày các cơ sở sản xuất đều thải nước ra con kênh này. Đúng lúc chúng tôi có mặt, là thời điểm 11 giờ trưa, cả một đoạn kênh có màu đỏ loang lổ, bốc hơi nghi ngút, kèm theo đó là mùi chất tẩy, nhuộm khiến ai cũng phải bịt mũi.

Nước thải bốc hơi và màu đỏ loang lổ tại cống thải.

“Hôm nào cũng vậy bất kể ngày hay đêm, cứ ngày 2-3 lần, lúc thì nồng nặc mùi thuốc tẩy, lúc thì nước màu xanh đỏ tím vàng. Có nhiều hôm khói nghi ngút khắp kênh, mùi thì ai đi qua cũng không chịu nổi, nhiều người bị khó thở”, bà Huệ cho hay.

Nghịch lý ở chỗ ngay gần con kênh này là trạm xử lý nước thải tập trung của cụm làng nghề Tân Triều đã bị bỏ hoang 10 năm nay, cỏ mục um tùm. Tất cả các hạng mục đều bị gỉ sét, thậm chí cánh cửa của phòng đặt máy biến áp theo thời gian đã bị vỡ cửa kính, các khung cửa cũng bị gãy, lởm chởm...

Trong khi đó trạm xử lý nước thải tập trung lại bị bỏ hoang 10 năm nay.

Theo các hộ kinh doanh ở đây, từ khi cụm làng nghề Tân Triều đi vào hoạt động đã 10 năm nay thì trạm xử lý nước thải tập trung này chưa từng được vận hành. Do đó, các hộ sản xuất ở đây phải tự xử lý nước thải của cơ sở mình rồi thải ra kênh mương N1.

Đùn đẩy trách nhiệm

Trao đổi về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền cho biết: Cụm sản xuất tập trung làng nghề Tân Triều với ngành nghề sản xuất đa dạng, bao gồm: phụ gia ngành may, nhựa tái chế, sản xuất giấy, đồ gỗ, máy hàn xì, in, cơ khí, khung nhôm kính, nước tinh khiết, bảo hộ lao động…

Để giải bài toán xử lý nguồn nước từ hoạt động sản xuất tại đây, từ năm 2007, trạm xử lý nước thải tập trung của cụm sản xuất làng nghề đã được xây dựng với công suất 500m3/ngày đêm với vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, sau 10 năm, trạm xử lý nước thải này vẫn “đắp chiếu”, chưa một lần được vận hành, đi vào sử dụng.

Cỏ mọc chắn lối đi bên trong khuôn viên trạm xử lý nước thải.

Nguyên nhân của việc này, theo ông Quyền là do nhiều yếu tố, một số cơ sở sản xuất không có nhu cầu đấu nối, còn đơn vị được bàn giao quản lý thì sau khi bàn giao, giám đốc đơn vị này bị bệnh nặng nên mọi việc bị trì trệ. Trạm xử lý nước thải tập trung chưa được vận hành nên nước thải trong quá trình sản xuất và nước thải sinh hoạt, các doanh nghiệp tự xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường...

Từ tháng 10/2016, việc quản lý Cụm sản xuất làng nghề Tân Triều đã được bàn giao cho một đơn vị khác là Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận.

Khi được hỏi, với sự việc như vậy, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Phó chủ tịch xã Đặng Ngọc Quyền cho hay, bản thân ông và Chủ tịch xã đều là những người mới nhận nhiệm vụ trong thời gian ngắn nên việc này không thể bình luận được.

Những cánh cửa đã bị hỏng.

Trao đổi với Phó giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận Vũ Thị Minh Phương cho biết, đơn vị tiếp nhận chuyển nhượng dự án vận hành trạm xử lý nước thải tập trung này và một số hạng mục khác. Tuy nhiên, việc vận hành trạm xử lý nước thải này gặp nhiều khó khăn do trạm xây dựng đã lâu và không được vận hành, toàn bộ các hạng mục công trình đều đã xuống cấp, không thể hoạt động.

“Bây giờ trạm xử lý nước thải này có hoạt động cũng không thể đáp ứng được về công nghệ, công suất cũng như bảo đảm chất lượng nước thải… Bởi khi trạm xây dựng có công suất thiết kế là 500 m3/ngày đêm nhưng nay cơ sở sản xuất tại cụm làng nghề này đã tăng đáng kể, ước tính nước thải xả ra 2.000 m3/ngày đêm”, bà Phương cho hay.

Những máy móc này chưa từng được vận hành trong 10 năm qua.

Theo bà Phương, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, công ty Vạn Thuận chỉ có trách nhiệm tiếp nhận trạm xử lý nước thải này và vận hành xử lý nước thải, còn trách nhiệm việc công trình này “đắp chiếu” vẫn thuộc về đơn vị quản lý cũ và chính quyền địa phương.

Bà Phương cho biết thêm, công ty Vạn Thuận đã có văn bản kiến nghị UBND huyện, thành phố xem xét, có biện pháp khắc phục, nâng cấp hoặc đầu tư xây mới các hạng mục nêu trên để môi trường của Cụm sản xuất làng nghề Tân Triều sớm được cải thiện.

Theo kết quả rà soát, thống kê của Ban Đô thị HĐND Thành phố Hà Nội, toàn thành phố có 43 cụm công nghiệp (CCN), trong đó tính đến hết năm 2016 có 19 CCN chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, có 21 CCN đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung có 12 trạm xử lý nước thải hoạt động dưới công suất thiết kế, 2 trạm xử lý nước thải không vận hành, bỏ hoang, máy móc thiết bị xuống cấp là CCN Tân Triều và cụm tiểu thủ công nghiệp Duyên Thái...


Trung Hiếu/Báo Tin Tức
Thúc tiến độ nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát
Thúc tiến độ nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát

Chiều 21/10, đến thăm Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát và làm việc với chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN