Những “dự án ma”
Điển hình phải kể đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Thái Luyện cùng Nguyễn Thái Lĩnh thành lập ra Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên (quy mô hơn 2.600 nhân viên) đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ ra 43 “dự án” không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
Cụ thể là các “dự án ma” Alibaba Tân Thành Riverside, Tân Thành Homy City, Tân Thành Center City 5, Alibaba Tóc Tiên Residence, Alibaba Phú Mỹ Central City, Alibaba Long Phước, Alibaba Long Phước Industry, Alibaba Diamond City 2, Phước Bình Central Park, Alibaba Long Thành, Long Thành Capital, Phước Thái Capital, Alibaba An Phước, Ali Aqua Nhơn Trạch, Ali Mega Xuân Lộc, Alibaba Bàu Cạn Riverside, Alibaba Song Long Riverside, Alibaba Thắng Hải New City, Khu dân cư quốc tế Lilama…
Các dự án này chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép. Thế nhưng, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã quảng cáo là đất nền dự án, lừa bán cho hơn 6.700 khách hàng, thu được 2.500 tỷ đồng. Về bản chất, Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử). Các đối tượng thu tiền đặt cọc, góp vốn của người sau để trả lãi cho người trước.
Cùng chiêu thức nói trên, bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Angel Lina (trụ sở tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Đất vàng Hoàng Gia (trụ sở tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã tự vẽ dự án phân lô bán nền trên đất công, đất quy hoạch cây xanh, công trình công cộng, lừa bán cho khách hàng dưới hình thức góp vốn, thu hàng trăm tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an TP Hồ Chí Minh, vào năm 2017, thông qua hành vi sử dụng pháp nhân của Công ty Cổ phần đầu tư Angel Lina và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Đất vàng Hoàng Gia, bà Phạm Thị Tuyết Nhung đã ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc hứa hẹn mua bán các nền đất của 9 dự án không có thật tại nhiều quận huyện ở TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể là các “dự án ma” Khu dân cư Triều An (phường An Lạc, quận Bình Tân), khu dân cư Tây Lân, (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), khu phân lô đường Liên khu 5-6 (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), khu dân cư Nguyễn Thị Tú (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân), khu dân cư đường Bùi Thanh Khiết (Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), khu dân cư phường Linh Trung (quận Thủ Đức), khu dân cư Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, Quận 9), khu dân cư phường Đông Hưng Thuận (Quận 12), khu nhà ở đường Phạm Văn Sáng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn).
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung tìm những người có nhu cầu bán đất (đất có diện tích lớn) là đất ở, đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản... sau đó thỏa thuận lập ký biên bản đặt cọc. Tuy việc mua bán chỉ dừng lại ở giai đoạn thỏa thuận nhận tiền cọc, chưa hoàn tất thủ tục sang tên chuyển nhượng cho Phạm Thị Tuyết Nhung và chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép nhưng Phạm Thị Tuyết Nhung đã thuê người tập bản vẽ thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500, phân lô, đặt tên cho dự án, tổ chức quảng cáo bán cho khách hàng.
Tất cả những khu đất do Công ty Cổ phần đầu tư Angle Lina rao bán đều không thể chuyển thành đất ở vì thuộc quy hoạch cây xanh, công trình công cộng, đất công do các công ty Nhà nước đang quản lý hay khu dự án chờ bồi thường giải phóng mặt bằng. Thậm chí đất công có một phần là trạm trung chuyển rác tại phường Hiệp Thành, Quận 12, TP Hồ Chí Minh, khu đất thuộc dự án Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đất Quận 9 thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng được Phạm Thị Tuyết Nhung “phân lô”, rao bán cho khách hàng.
Bước đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra xác định có hơn 200 người bị Phạm Thị Tuyết Nhung lừa mua đất, trị giá gần 300 tỷ đồng. Hiện Phạm Thị Tuyết Nhung đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Rao bán cả đất ruộng
Một “dự án ma” khác đang bị cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ là việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hưng Thịnh Phát có trụ sở tại Quận 9, TP Hồ Chí Minh vẽ dự án đất nền ở Bình Thuận, rao bán cho khách hàng nhưng không ra được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt, chưa cấp phép.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm My (nạn nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hưng Thịnh Phát), vào ngày 17/6/2019 tại Văn phòng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hưng Thịnh Phát (ở địa chỉ 447 Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, TP Hồ Chí Minh), bà đã ký hợp đồng đặt cọc mua nền đất lô A1 (diện tích 130m2) tại dự án “đất nền Phong Nẫm Residence” tọa lạc tại thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận với số tiền 754 triệu đồng.
Phía Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hưng Thịnh Phát xác nhận đất nói trên là đất ở nông thôn, nằm trong quy hoạch khu dân cư, không thuộc quy hoạch đền bù giải tỏa của Nhà nước. Công ty này còn bán sản phẩm đất nền dưới tên gọi dự án Diamond Town tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho bà Nguyễn Thị Diễm My với nền đất 131,8m2, giá bán 514 triệu đồng.
Tuy nhiên, thực tế đây là đất ruộng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nằm gần kề trụ sở UBND huyện và trụ sở Công an huyện Hàm Thuận Bắc. Do không có đất giao cho khách hàng nên dẫn tới khiếu nại, tố cáo, phía Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hưng Thịnh Phát đã hoàn trả một phần tiền đã thu của bà Nguyễn Thị Diễm My, còn nợ gần 364 triệu đồng.
Lý giải về vụ việc này, ông Nguyễn Hữu Kha, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hưng Thịnh Phát cho biết, Công ty mua đất tại Bình Thuận thuộc quy hoạch đất dân cư, làm thủ tục chuyển lên đất ở, phân lô bán nền chứ không phải thành lập dự án có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500.
Thời gian qua, do cơ quan chức năng thanh tra đất đai trên địa bàn tỉnh nên phía công ty chưa làm thủ tục được để chuyển mục đích sử dụng đất, dẫn tới không ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng. Phía Công ty đã tiến hành trả một phần tiền cho khách hàng. Tuy nhiên,tài khoản Công ty đang bị phong tỏa trong một vụ kiện của đối tác nên việc hoàn trả tiền cho khách hàng gặp khó khăn.
Theo thông tin phóng viên TTXVN thu thập được, ông Nguyễn Hữu Kha đang bị tố cáo nhận tiền đặt cọc của khách hàng mua đất nền nhưng không có đất được giao tại tỉnh Bình Thuận. Công an tỉnh Bình Thuận đã đề nghị tạm thời phong tỏa tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Hữu Kha để phục vụ điều tra, xác minh làm rõ.
Ngoài ra, Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hàm Thuận Nam và Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận tạm dừng tất cả các giao dịch dân sự liên quan đến các thửa đất tại huyện Hàm Thuận Nam đang đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là Nguyễn Hữu Kha để phục vụ công tác xác minh, điều tra đơn tố cáo.
Bài 2: Doanh nghiệp "cầm đèn chạy trước ô tô"