Nhức nhối ô nhiễm cụm công nghiệp - Bài cuối

"Việc quy hoạch, định hướng thu hút các dự án đầu tư vào CCN cần theo hướng ưu tiên quy hoạch những dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo khoảng cách giữa CCN và khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng đối với sinh hoạt của người dân".

TĂNG CHẾ TÀI XỬ LÝ

Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển, tuy nhiên cần có những giải pháp cả về quản lý cũng như công nghệ để hài hòa yếu tố môi trường và kinh tế, để phát triển bền vững. 

Quy hoạch tổng thể 

TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thừa nhận, các KCN, CCN thời gian qua phát triển khá nhanh, song lại chưa đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường. Nhiều KCN, CCN vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, không tuân thủ thiết kế ban đầu và không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Cùng với đó, không khí các KCN, CCN cũ đang bị ô nhiễm do các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Đối với những CCN này, cần có quy định cụ thể, có ban quản lý chuyên trách về hoạt động của CCN và tăng cường cải thiện công nghệ sản xuất.

Sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ các cụm công nghiệp thải ra.

Đối với các CCN được quyết định thành lập mới hoặc được mở rộng đầu tư thì cần được quy hoạch tổng thể dựa vào quy hoạch chung của địa phương, sớm có quy hoạch đồng bộ, trong đó phải quan tâm đến vấn đề môi trường.

Hiện nay, việc đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh tại các CCN so với các KKT, KCN còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Do CCN thường có quy mô diện tích nhỏ (có CCN chỉ từ 1 - 3 ha), chủ yếu nằm ở địa bàn nông thôn, vị trí địa lý không thuận lợi. Đối tượng thu hút vào sản xuất kinh doanh trong CCN chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá thể... có năng lực tài chính và trình độ quản lý yếu. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN tại các địa phương đa số không đảm bảo theo đúng tiến độ, do khó khăn về tài chính. Do đó cần lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng có năng lực, đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Việc quy hoạch phải được phân theo loại hình sản xuất để dễ dàng quản lý về xử lý nước thải, khí thải.

Thượng tá Lê Văn Tâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội đề xuất, việc quy hoạch, định hướng thu hút các dự án đầu tư vào CCN cần theo hướng ưu tiên quy hoạch những dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo khoảng cách giữa CCN và khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng đối với sinh hoạt của người dân.

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế của Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường tại các CCN, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường di dời vào CCN.

Hoàn thiện chính sách quản lý

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, với gần 600 CCN chưa có hệ thống hạ tầng về bảo vệ môi trường, cần rà soát, làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm của chủ đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương (đặc biệt là UBND cấp huyện). Xây dựng kế hoạch cụ thể và khả thi nhằm xã hội hóa, huy động nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường tại các CCN này.
Cùng với đó, sớm thực hiện các quy định về lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục đối với nước thải, khí thải và truyền số liệu về các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP để tăng cường giám sát đối với các KCN, CCN, các loại hình sản xuất gây ô nhiễm...

Đối với việc quản lý khí thải, cần rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về môi trường không khí, cụ thể, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014, phí BVMT đối với khí thải… Hoàn thiện tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý môi trường không khí ở cấp Trung ương và địa phương. Đối với các bộ, ngành địa phương phải bổ sung, sửa đổi quy chuẩn Việt Nam về phương pháp quan trắc khí thải. Xây dựng các quy chuẩn khí thải riêng cho từng ngành, từng loại hình cụ thể và có cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin về quản lý khí thải giữa các bộ, ngành và các địa phương, giữa các khu, CCN.

Cùng với đó, hiện nay hệ thống các văn bản về công tác quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến CCN khá nhiều, tuy nhiên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Công tác phân công, phối hợp thực hiện bảo vệ môi trường trong CCN giữa các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hạ tầng CCN và cơ quan quản lý môi trường ở địa phương chưa cụ thể, còn chồng chéo. 

Bên cạnh đó, số lượng văn bản hướng dẫn về công tác quản lý và bảo vệ môi trường tuy nhiều nhưng vẫn có nội dung bỏ trống. Đơn cử, việc hướng dẫn nội dung, quy trình thẩm định, thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Đề án quy hoạch tổng thể phát triển CCN chưa có. Do đó, để việc phát triển các CCN đem lại hiệu quả như mong muốn cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường đối với CCN, hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cần thường xuyên được rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung; cần có chế tài đủ mạnh để xử phạt các trường hợp chủ đầu tư hạ tầng CCN, các doanh nghiệp trong CCN không tuân thủ công tác bảo vệ môi trường.

Thu Trang
Nhức nhối ô nhiễm cụm công nghiệp - Bài 2
Nhức nhối ô nhiễm cụm công nghiệp - Bài 2

Không chỉ ô nhiễm từ nguồn nước thải, vấn đề ô nhiễm không khí tại các cụm công nghiệp (CCN) hiện nay cũng là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, xử lý vi phạm do ô nhiễm khí thải lại chưa được quan tâm thích đáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN