Đi xem cào nghêu trên bãi biển

Chúng tôi đến vãn cảnh vịnh biển Nam Ô (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vào một ngày hè. Nơi đây, ngoài cảnh quan sinh động của một làng chài cổ nằm dưới chân đèo Hải Vân, chúng tôi có dịp mục kích cảnh cào nghêu trên bãi biển rất lý thú.


“Lão bà cào” đang cào nghêu trên bãi biển Hòa Hiệp Nam (khi bà 70 tuổi).


Vừa cào nghêu, ông Nguyễn Minh (57 tuổi, trú tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) vừa cho hay, ở phường  Hoà Hiệp Nam (Liên Chiểu - TP Đà Nẵng), nếu nói đến một người có thâm niên trong “làng cào” nghêu thì ai cũng nhắc đến bà  Nguyễn Thị Chạy (76 tuổi). Tuy nhiên những năm gần đây, do tuổi cao sức yếu nên bà “giải nghệ”.

“Dân cào nghêu thường gọi bà Chạy là “Lão bà cào”. Sở dĩ bà được nhận biệt danh này là vì cuộc đời cào nghêu “trên trời dưới nước” của bà từ thời còn con gái. Lúc bà còn “cào” nghêu cùng chúng tôi, bà cho hay, bà   già rồi, biết làm gì hơn khi cái tuổi thất thập cổ lai hi nhưng vẫn  kiếm được tiền chi tiêu, không trông mong vào sự trợ giúp của con cháu. Nghe đâu ở tổ của bà có đến 40 hộ hành nghề cào nghêu, họ đi đến nhiều bãi biển khác nhau để cào nghêu…”, ông Minh tâm sự.

Với dụng cụ thô sơ này, người cào nghêu có thể thu hoạch 1-2 kg nghêu/ngày.


Nghề cào nghêu diễn ra vào mùa nắng, cứ vào khoảng 13 giờ. Lúc bấy giờ, nước biển rút đi, những người dân ven các bãi biển ở TP Đà Nẵng rủ nhau đi cào nghêu. Dụng cụ chính để cào nghêu là cái cần cào. Đó là một  đoạn tre đặc dài khoảng 2,5 m, đường kính 0,6 m. Đầu gốc được chẻ làm hai thanh, mỗi thanh được buộc vào cái cào bằng sắt mỏng hình chữ u mỏng khoảng 2 mm, dài 0,50 m và bề ngang khoảng 0,10 m. Ngay đoạn 1/3 thân cào (tính từ dưới lên) có một sợi dây to bản như cái nịt dùng để quàng qua hông người cào.

Cào nghêu trên bãi biển Nam Ô.

Nghỉ giải lao hút thuốc, ông Võ Châu (61 tuổi, trú tại phường Thanh Khê Tây) cho hay, khi cào, hai tay giữ và điều khiển càng cào, người đi lui, lưới cào rà dưới mặt cát di chuyển “lui” với người qua sợ dây kéo quàng qua hông. Vào lúc biển yên không gió, không sóng lớn, người cào có thể cảm nhận được con nghêu lớn, nhỏ dưới cát chạm phải lưới cào sắt. Nếu không cảm nhận được, nghêu được cào nổi lên trên mặt cát có màu trắng sáng thì lấy tay mò và nhặt bỏ vào giỏ hoặc bao bị để đựng nghêu. Trên đầu cần cào có người còn buộc thuốc lá, cơm, bánh trong túi ni lông để ăn giữa buổi vì lội nước mau đói bụng. Trước khi di chuyển đến những bãi kế tiếp, nhóm ngồi lại trên bãi biển để hút thuốc, uống nước.

Cùm cụm - một “món quà” từ biển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Minh cho hay, ông và cả nhóm cào nghêu khoảng 10 năm nay, trung bình cứ mỗi chiều, mỗi người thu được 1-2 kg, giá mỗi ký 60.000 đồng. Nghề này rất vất vả vì phải dầm nước, phơi nắng và rất đau lưng vì phải kéo cần cào đi lùi. Con nghêu còn gọi là con ngao, là loại như con sò, có hai vỏ trắng, ruột mềm, sống ở ven cửa sông, cửa biển. Nghêu được chế biến các món ăn ngon như nghêu nướng, nghêu xào, nghêu hấp sả.

Chiến lợi phẩm thu sau mỗi buổi cào nghêu.

Trong lúc bắt nghêu, người cào còn bắt được các con cùm cụm, nhưng không nhiều để bán. Đó là một loại hải sản có họ hàng xa với cua, ghẹ. Con lớn nhất khoảng 5 cm, có vỏ rất cứng, mặt trên màu xám, mặt dưới màu trắng, hai càng kẹp và 2 que bơi màu vàng. Đặc biệt, dưới bụng con cái có mang hai buồng trứng có màu vàng cam rất đẹp. Khi trứng chín (gần nở) thì chuyển qua màu xám.

Ông Nguyễn Minh cho hay, cùm cụm được chế biến các món như nướng, chiên giòn… Món cùm cụm nấu canh chua với lá bứa non thì rất hợp và thơm ngon, là món ăn truyền thống của cư dân sống ven biển vì trên bờ có nhiều cây bứa.

Bát canh chua cùm cụm nấu dứa, cà chua thơm ngon, hấp dẫn.

Đi xem ngư dân cào nghêu rất thích. Bên cạnh việc xem cào nghêu, bạn còn tận hưởng không khí trong lành, nghe mơn man rì rào sóng vỗ, ngắm từng đàn hải âu bay lượn. Và thích nhất là ngắm lại dấu chân trần  của mình in  trên bãi cát hoang sơ.
Bài và ảnh: Tiên Sa
Cà Mau theo dõi chặt chẽ tình hình sau vụ tranh chấp khai thác nghêu
Cà Mau theo dõi chặt chẽ tình hình sau vụ tranh chấp khai thác nghêu

Trong những ngày gần đây, tại bãi nghêu Khai Long thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã xảy ra tranh chấp trong việc khai thác giữa người dân với Hợp tác xã nghêu Đất Mũi, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Từ đó, đã có nhiều thông tin trái chiều liên quan đến vụ việc trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN