Được nói lời sau cùng, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) trình bày, trong suốt 17 tháng tạm giam, bị cáo rất ăn năn, hối hận với hành vi của mình. Ở trong trại tạm giam, bị cáo thấy được rằng tự do và gia đình là hai điều quý giá nhất. Nếu có cơ hội trở về, bị cáo Dũng có tâm nguyện trở thành tư vấn viên pháp luật cho con cháu, gia đình, bạn bè, khi thực hiện việc gì phải xem xét có đúng pháp luật không.
Bị cáo Dũng trình bày bản thân đã 63 tuổi, có mẹ già hơn 80 tuổi. Với mức án chung thân mà Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, bị cáo lo rằng bản thân không còn cơ hội gặp lại mẹ. Bị cáo Dũng xin Hội đồng Xét xử xem xét lại mức án để bị cáo sớm được đoàn tụ cùng gia đình. Dũng cũng xin giảm nhẹ án phạt cho bị cáo Trương Mỹ Lan và những bị cáo khác trong vụ án.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) cho biết bản thân rất xúc động khi biết tin 300 nhân viên của SCB thực hiện các thủ tục theo sự chỉ đạo của cấp trên, vô tình dẫn đến sai phạm pháp luật nhưng cuối cùng đã không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đây là đặc ân rất lớn của pháp luật. Dung cũng gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân sự SCB.
Bị cáo Dung cho biết, bị cáo luôn xem SCB như “ngôi nhà thứ hai” với hy vọng SCB luôn tồn tại và phát triển, do đó khi làm việc bản thân bị cáo không và cũng không cần hưởng lợi. Khi nhận ra sai phạm trong công việc, bị cáo đã nghỉ việc. Từ khi sự việc xảy ra, bị cáo luôn ân hận vì nhận thức được sai lầm của mình, xin Hội đồng Xét xử xem xét và giảm nhẹ mức án cho bị cáo cùng các bị cáo thuộc SCB, công ty thẩm định giá và đoàn thanh tra.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan) trình bày, suốt 18 tháng qua, bị cáo đã học được vô số bài học quý giá và nhận thức sâu sắc về những giá trị trong cuộc sống, nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật. Sau này bị cáo sẽ làm người tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Bị cáo Vân mong Hội đồng Xét xử khoan dung xem xét tất cả những hành vi, bối cảnh, phẩm chất của tất cả các bị cáo; đặc biệt là những bị cáo vi phạm pháp luật vì phải phụ thuộc, nghe theo lệnh của cấp trên.
Trương Huệ Vân mong Hội đồng Xét xử mở lòng khoan dung để xem xét thân phận pháp lý, xem xét tất cả các tình tiết giảm nhẹ cho Trương Mỹ Lan thoát án tử để tập trung giải quyết những hậu quả.
Bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phẩn Đầu tư Times Square, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) thừa nhận là “đồng phạm” trong vụ án này, dù bị cáo chỉ là vô tình vướng vào sai phạm nhưng hậu quả gây ra là không thể thay đổi. Mặc dù không hiểu tiếng Việt nhưng Cơ biết vợ đang gánh chịu hết tất cả trách nhiệm, thiệt hại tại Ngân hàng SCB. Cơ cho biết rất hối hận khi lúc trước đã không sát cánh cùng vợ, không hiểu sâu về những khó khăn trong công việc của vợ, nếu không bị cáo đã ngăn cản.
Bị cáo Chu Lập Cơ mong Hội đồng Xét xử xem xét mức án tử hình mà Viện Kiểm sát đã đề nghị đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và mức án của cháu gái Trương Huệ Vân cùng bản thân bị cáo bởi thời gian sống của bị cáo và vợ không còn nhiều, con cái thì còn quá non nớt để gánh vác hậu quả này.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) trình bày, trong quá trình thanh tra tại SCB, bị cáo thấy đoàn thanh tra phải làm việc cực nhọc trong nhiều tháng nên mới đề xuất tặng quà là tiền mặt nhằm mục đích động viên, chia sẻ chứ không có ý gì. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra thì bị cáo mới biết đây là hành vi sai trái. Bị cáo xin sự khoan hồng của Hội đồng Xét xử đối với các bị cáo là thành viên SCB và đoàn thanh tra. Văn cũng mong Hội đồng Xét xử xem xét khoan hồng cho Trương Mỹ Lan vì có nhiều đóng góp cho công tác xã hội.
Riêng với bản thân mình, Văn cho biết bị cáo đã học được bài học về thượng tôn pháp luật và mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp ở bên ngoài nhìn vào sự việc này, nhìn vào chính bị cáo để luôn tuân thủ pháp luật không những giúp kinh doanh bền vững và cũng là bảo vệ cho chính bản thân mình. Bị cáo cũng xin sự khoan hồng cho bản thân để bị cáo sớm được trở về với gia đình, con cái.
Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Trưởng Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trình bày, bị cáo chỉ là nhân viên làm công ăn lương, làm việc theo lệnh, không nhận thức được việc bản thân đã vi phạm pháp luật gây hậu quả lớn. Tâm cho biết hoàn cảnh gia đình của bị cáo hiện rất khó khăn, mong Hội đồng Xét xử xem xét hành vi bị cáo làm là do thiếu hiểu biết và không nhận thức hết được vấn đề để bị cáo có cơ hội quay về chăm sóc gia đình.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết vô cùng ân hận và xấu hổ về hành vi của mình, xấu hổ với truyền thống cách mạng và sự hi sinh xương máu của gia đình bị cáo, gia đình chồng bị cáo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đây là bài học sâu sắc cho bị cáo về việc thượng tôn pháp luật.
Nhàn cho biết trong quá trình điều tra và xét xử, bị cáo luôn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; những lời trình bày của bị cáo tại phiên tòa chỉ mong xem xét về bối cảnh, hoàn cảnh phạm tội, không mang ý thức ngoan cố chối tội. Nhàn xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo có cơ hội trở về làm lại cuộc đời; xin cho các bị cáo trong nhóm thanh tra Ngân hàng Nhà nước được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella cho biết hết sức day dứt, ân hận trước hậu quả từ hành vi sai phạm của mình. Trí cho biết, thời điểm bị cáo Lan bị khởi tố, tạm giam, bị cáo chịu áp lực rất lớn khi phải tìm giải pháp để tách bạch sự liên quan của hệ thống doanh nghiệp của bị cáo với bị cáo Lan. Chính vì tâm lý hấp tấp cùng sự trùng lắp trong các giao dịch giữa bị cáo với bị cáo Lan mà đã khiến Trí làm ra những hành vi sai phạm. Sau đó, bị cáo đã có nhiều kiến nghị để hoàn trả lại tiền cho Lan nhưng không được chấp nhận.
Trí cho biết bản thân mất gần 30 năm để xây dựng hệ thống công ty hoạt động thực chất, có sức ảnh hưởng trong nước lẫn quốc tế, được Chính Phủ và lãnh đạo địa phương tặng thưởng nhiều bằng khen, ghi nhận các đóng góp về kinh tế, xã hội, đặc biệt trong đại dịch COVID-19. Bị cáo đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét, đánh giá toàn bộ các tình tiết liên quan đến vụ án, trong đó cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân, những đóng góp cho xã hội, các quan điểm bào chữa của luật sư bào chữa cũng như tình trạng bệnh chấn thương cột sống của bị cáo để cho bị cáo mức án khoan hồng, cho bị cáo được miễn hình phạt hoặc mức hình phạt nhẹ nhất trong khuôn khổ pháp luật để bị cáo sớm trở về chăm lo cho gia đình, con nhỏ và điều hành hệ thống công ty, tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Thay mặt Hội đồng Xét xử, chủ tọa Phạm Lương Toản thông báo tất cả các bị cáo đã được phát biểu lời nói sau cùng (trừ 5 bị cáo bỏ trốn bị truy nã và 3 bị cáo vắng mặt). Hội đồng Xét xử bắt đầu nghị án và sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào sáng 11/4/2024.