Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa phiên tòa. Ông Dương Tuấn Dũng được phân công làm thư ký phiên tòa. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa gồm 2 kiểm sát viên: Đỗ Hồng Hải và Lê Hữu Ngọc.
Ngoài ra, do tính chất nghiêm trọng của vụ án, tại phiên tòa, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội còn bố trí thêm 8 thẩm phán dự khuyết, 5 hội thẩm nhân dân dự khuyết, 2 thư ký phiên tòa dự khuyết.
Bốn bị cáo trong vụ án này gồm: Trần Trung Chí Hiếu (sinh năm 1963, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTEX), Đỗ Văn Hồng (sinh năm 1967, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC), Đào Ngọ Hoàng (sinh năm 1978, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX), Vũ Phương Nam (sinh năm 1979, nguyên Kế toán trưởng PVTEX) cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Riêng bị cáo Trần Trung Chí Hiếu còn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 254, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Có 8 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Trong đó, bị cáo Trần Trung Chí Hiếu có 2 luật sư bào chữa, bị cáo Đào Ngọ Hoàng có 3 luật sư bào chữa, bị cáo Đỗ Văn Hồng có 2 luật sư bào chữa, bị cáo Vũ Phương Nam có 1 luật sư bào chữa.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên PVTEX, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy (nguyên Tổng Giám đốc PVTEX) đã quyết định lựa chọn, ký hợp đồng với nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm; tự ý thay đổi thiết kế và tổ chức thi công xây lắp trái với hồ sơ khi lập, phê duyệt, thiết kế cơ sở dự án và phê duyệt của UBND thành phố Hải Phòng. Trong việc tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng, Trần Trung Chí Hiếu, Vũ Đình Duy, Đào Ngọ Hoàng, Vũ Phương Nam, Đỗ Văn Hồng đã có hành vi cố ý làm trái quy định tại khoản 6, Điều 17 Nghị định 48/NĐ-CP của Chính phủ về Hợp đồng xây dựng dẫn đến hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 19 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhận định, hành vi của các bị cáo còn để lại hệ lụy rất lớn đó là toàn bộ dự án dừng thi công, dở dang từ năm 2012, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành quyết định thu hồi đất của dự án, trên 92 tỷ đồng của Nhà nước đầu tư nhà ở chung cư cho công nhân khu công nghiệp bị sử dụng sai mục đích sang xây nhà liền kề, gây lãng phí nghiêm trọng.
Ngoài ra, khi PVTEX liên kết góp vốn thành lập PVTEX Kinh Bắc, Vũ Đình Duy và Trần Trung Chí Hiếu còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sự lệ thuộc của Đỗ Văn Hồng, buộc Đỗ Văn Hồng phải chi cho mỗi người 3 tỷ đồng.
Trong số 4 bị cáo, Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Trần Trung Chí Hiếu chịu trách nhiệm chính về hoạt động của PVTEX đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án không đủ năng lực, kinh nghiệm, đồng ý thay đổi thiết kế đã được phê duyệt và để nhà thầu triển khai thi công khu nhà ở từ nhà chung cư thành nhà liền kề, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về tạm ứng trong hợp đồng xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo cán bộ dưới quyền làm thủ tục tạm ứng 20 tỷ đồng cho PVC.KBC trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19 tỷ đồng. Hành vi của Trần Trung Chí Hiếu còn gây ra hệ lụy rất lớn, dự án bị dừng thi công từ năm 2012 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, bị thu hồi đất, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng đến chính sách nhà ở cho công nhân lao động.
Sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện, Vũ Đình Duy đã bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày.