Vụ phá rừng trên đèo Pha Đin: Tạm đình chỉ Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo

Theo thống kê ban đầu của lực lượng chức năng, tại khu vực bản Hua Sa A đã có gần 530 gốc cây thông bị chặt hạ, đo đếm được 1.023 lóng gỗ với khối lượng gần 60m3 (còn lại khoảng 200 gốc đã bị chặt hạ và trên dưới 100 lóng, khúc đang trong quá trình kiểm đếm)...

Liên quan đến vụ việc phá rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin (địa phận xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) mà báo chí đã phản ánh trong thời gian vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên vừa ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo từ ngày 19/7/2021 đến hết ngày 6/8/2021, nhằm làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra phá rừng thông trái quy định tại khu vực bản Hua Sa A (xã Tỏa Tình), trên Di tích lịch sử cấp quốc gia đèo Pha Đin. 

Chú thích ảnh
Để có diện tích mặt bằng làm bãi tập kết gỗ đã khai thác, đơn vị thu mua gỗ đã huy động các loại máy móc chuyên dụng san lấp, bạt ủi hàng trăm m2 trên đèo Pha Đin. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Theo thống kê ban đầu của lực lượng chức năng, tại khu vực bản Hua Sa A đã có gần 530 gốc cây thông bị chặt hạ, đo đếm được 1.023 lóng gỗ với khối lượng gần 60m3 (còn lại khoảng 200 gốc đã bị chặt hạ và trên dưới 100 lóng, khúc đang trong quá trình kiểm đếm). Tổng diện tích san ủi mở đường vào rừng dùng để vận xuất là hơn 5.100m2 gỗ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái quy định pháp luật về lâm nghiệp; mức độ vi phạm như trên là rất nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ việc, trước đó ngày 15/7/2021, sau khi báo chí phản ánh về tình trạng rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin bị các đơn vị thu mua ngang nhiên khai thác từ nhiều tháng qua, đoàn công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên do ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên làm trưởng đoàn đã trực tiếp lên hiện trường kiểm tra thực địa và làm việc với các cấp chính quyền địa phương.

Trong buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến khẳng định diện tích rừng thông trên là rừng phòng hộ được bàn giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ. Người dân tự ý khai thác là vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác, quản lý và bảo vệ rừng. Đồng thời, ông Tiến yêu cầu huyện Tuần Giáo nhanh chóng tổ chức họp dân, khẳng định toàn bộ diện tích rừng muốn khai thác cần làm thủ tục khai báo để truy xuất nguồn gốc rừng theo Thông tư 27 về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Huyện Tuần Giáo phải xem xét trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tập trung rà soát để đánh giá cụ thể diện tích bị thiệt hại và tạm đình chỉ công tác đối với kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Tỏa Tình. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải tập trung điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đã để xảy ra vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật…

Trước đó, như TTXVN đã phản ánh tình trạng rừng thông được trồng trên đèo Pha Đin (xã Tỏa Tình) theo Dự án 327 và Dự án 661 có diện tích hơn 100 ha, độ tuổi hàng chục năm bị khai thác trái phép. Điều này đã khiến cảnh quan môi trường tự nhiên trên đèo Pha Đin bị xâm hại, biến dạng nghiêm trọng.

Xuân Tiến - Xuân Tư (TTXVN)
Điều tra vụ phá rừng dưới chân Núi Voi theo phản ánh của báo chí
Điều tra vụ phá rừng dưới chân Núi Voi theo phản ánh của báo chí

Ngày 30/6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ra văn bản số 4346/UBND-LN, về việc khẩn trương điều tra, xử lý vụ phá rừng trái pháp luật dưới chân Núi Voi, thuộc tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, theo phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN