Mới đây, Cục CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã nhận được đề nghị phối hợp từ cơ quan chức năng Trung Quốc trong việc điều tra, xác minh đường dây mua bán 10 trẻ sơ sinh từ Việt Nam. Những tình tiết hé lộ từ đường dây tội phạm này đã cảnh báo tội phạm mua bán trẻ em từ Việt Nam ra nước ngoài có nhiều diễn biến phức tạp.
Liên quan đến đường dây mua bán trẻ sơ sinh trên, Thượng tá Trần Đình Huấn, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm mua bán người và tội phạm liên quan tới trẻ em (Phòng 6, C45, Bộ Công an) cho biết, tháng 7 vừa qua, theo đề nghị phối hợp từ cơ quan chức năng Trung Quốc, đoàn công tác của Cục C45 Bộ Công an đã sang làm việc với Bộ Công an Trung Quốc. Qua làm việc được biết đường dây tội phạm này được phía Công an Trung Quốc tiến hành triệt phá từ tháng 7/2011.
Một đối tượng buôn bán trẻ sơ sinh bị đưa ra xét xử. | |
Trước đó, cơ quan chức năng của Trung Quốc nhận được nguồn tin có một đường dây đưa trẻ sơ sinh từ Việt Nam sang Trung Quốc qua sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh), nghi vấn buôn bán trẻ em. Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc đã chỉ đạo Công an 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây xác minh, lập án đấu tranh.
Sau khi nhận được chỉ đạo trên, Tổng đội hình sự Công an Quảng Tây đã xác lập chuyên án đấu tranh, đến ngày 15/7/2011 đã phá án, bắt giữ 43 đối tượng trong đường dây buôn bán trẻ sơ sinh, khởi tố 24 đối tượng, trong đó có 10 đối tượng là người Việt Nam. Cơ quan chức năng đã tiến hành giải cứu 10 cháu bé, trong đó cháu nhỏ nhất mới 10 ngày tuổi, lớn nhất 7 tháng tuổi (tính đến thời điểm lúc đó). Toàn bộ 10 cháu bé đều là con trai. Tính đến thời điểm hiện nay, cháu nhỏ nhất được trên 1 tuổi, cháu lớn trên 2 tuổi.
Thượng tá Huấn cho biết, sau khi được giải cứu, tất cả các cháu bé được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây. Bộ Công an Trung Quốc và cơ quan chức năng của Việt Nam đang xúc tiến các thủ tục để trao trả, tiếp nhận các cháu.
Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng trong đường dây tội phạm trên khai nhận: chúng buôn bán trẻ em từ khu vực phía Nam Việt Nam bằng đường bộ và tàu hỏa ra phía Bắc, vượt biên trái phép qua sông Ka Long (Móng Cái) sang Trung Quốc. Trong vòng một năm tính đến lúc bị phát hiện, đường dây này đã đưa được khoảng 20 cháu bé sang Trung Quốc.
10 đối tượng người Việt Nam đã khai nhận 10 địa chỉ đã bán trẻ ở Trung Quốc, tập trung ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Từ đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành giải cứu 10 cháu bé. Phần lớn các cháu được bán vào các gia đình liên quan. Cả 10 đối tượng người Việt Nam này đều là nữ, trong đó có 2 đối tượng trước đây từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Các đối tượng này là người ở các địa phương thuộc các tỉnh phía Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Giang. Cầm đầu đường dây là một phụ nữ khai tên Lan, trên 30 tuổi, ở Cà Mau.
Khai nhận bước đầu của các đối tượng cho thấy có một số đối tượng chuyên thu gom trẻ ở khu vực Bến xe miền Đông (TP HCM) với những "bí danh" như "cô Lan", "ông Sáu", "ông bà Năm"… rồi giao trẻ cho đường dây này mang sang Trung Quốc. Các đối tượng phân công nhiệm vụ vận chuyển trẻ theo từng chặng như có đối tượng đưa trẻ từ TP HCM ra Hà Nội, có đối tượng đưa trẻ từ Hà Nội ra Móng Cái rồi chuyển cho đối tượng tiếp theo đưa từ Móng Cái sang Trung Quốc… Để tránh sự phát hiện, nghi ngờ của cơ quan chức năng, quá trình đưa trẻ sang Trung Quốc, chúng thay đổi người vận chuyển liên tục, tìm những "gương mặt mới".
Đến nay, trong số 10 trẻ được giải cứu nêu trên, đã xác định được mẹ cho 2 cháu. Điều đáng buồn là mẹ của 2 bé này là 2 bị can trong đường dây tội phạm trên gồm Thiên Trúc Bảo Trân, 25 tuổi, ở Quảng Ngãi và A Bình, 33 tuổi. Hai đối tượng này khai nhận đều thuộc diện lang thang, do hoang thai nên được môi giới sang Trung Quốc đẻ rồi bán luôn con. Như vậy, ngoài hình thức buôn bán trẻ sơ sinh được sinh ra ở Việt Nam, không loại trừ đường dây này còn buôn bán trẻ sơ sinh dưới hình thức buôn các bà mẹ đang mang thai.
|
Giải cứu một trẻ sơ sinh bị bắt cóc trong Bệnh viện. Ảnh có tính chất minh họa. |
Theo Thượng tá Huấn, việc xác định nguồn gốc của các cháu bé cũng rất khó khăn do còn phải xác minh lời khai các đối tượng. Trong 10 đối tượng bị bắt, đa số vẫn chưa chịu hợp tác hoàn toàn. Có đối tượng chỉ khai đúng một phần, đối tượng khác lại khai man nên khi xác minh các địa chỉ, sự việc không có thật nên việc điều tra vẫn phải tiếp tục.
Thượng tá Huấn cũng cho biết, sau khi đăng tải thông tin về việc tìm người nhà đối với 10 cháu bé này, có nhiều cuộc điện thoại gọi đến báo mất con nhưng chưa có thông tin nào trùng khớp. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp điện thoại đến tha thiết đề nghị được nhận các cháu bé trên làm con nuôi, trong trường hợp nếu không tìm được cha mẹ cho các cháu.
Do thời điểm bị bắt, thông tin về các cháu bé hầu như không có nên việc xác minh sẽ được tiến hành bằng cách đối chiếu kết quả xét nghiệm ADN. Hiện tại, 8 cháu bé đang được chăm sóc và chờ xét nghiệm ADN. Dự kiến tháng 12 tới, phía Trung Quốc sẽ trao trả 2 cháu bé đã rõ lai lịch, số còn lại chỉ gửi kết quả thử ADN để khi nhân thân phía Việt Nam trình báo sẽ tiến hành lấy mẫu, giám định.
Để đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em, đồng thời đảm bảo việc trao trả và tiếp nhận đúng các thủ tục pháp luật, Cục CSĐTTP về TTXH (C45) Bộ Công an thông báo: Ai có con bị cho, bán, mất tích trước ngày 15/7/2011 hoặc biết về các vấn đề liên quan, cần liên hệ C45 Bộ Công an (14/38 ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội; ĐT: 06944763, Fax: 0437236454).
Sau khi xác định được chính xác cha, mẹ của các cháu, Cơ quan Công an sẽ tạo điều kiện để các cháu trở về với cha mẹ của mình, đồng thời đảm bảo giữ thông tin bí mật về sự việc và người cung cấp thông tin.
Có hay không việc buôn bán trẻ em lấy nội tạng?
PV: Thưa Thượng tá Trần Đình Huấn, trong vài năm gần đây, tại các địa phương trên toàn quốc liên tiếp xảy ra hiện tượng tin đồn bắt cóc trẻ em bán sang Trung Quốc lấy nội tạng. Có nơi người dân đã bắt giữ đối tượng nghi vấn. Về phía Cơ quan Công an đã phát hiện vụ án nào liên quan đến vấn đề này?
Thượng tá Trần Đình Huấn: Cho đến nay, Cơ quan Công an chưa phát hiện vụ việc bắt cóc trẻ em hoặc buôn bán trẻ em với mục đích bán nội tạng ra nước ngoài. Tất cả chỉ là tin đồn. Tuy nhiên, cách đây 3-4 năm, trong một chuyến công tác tại Lào Cai, đoàn công tác của C45 Bộ Công an nhận được thông tin nghi vấn từ trường hợp người Trung Quốc sang mua một cháu bé khoảng 5 tuổi mắc bệnh bại não tại khu vực Mường Khương.
Do hoàn cảnh khó khăn, nhận thức đơn giản, gia đình đã bán cháu bé đó với giá chỉ vài triệu đồng. Trường hợp này đã đặt ra nghi vấn về khả năng các đối tượng mua cháu bé về với mục đích lấy nội tạng, bởi cháu bé bị liệt não như vậy thì khả năng mua về với mục đích nhân đạo rất hiếm khi xảy ra. Mặt khác, hiện tượng mua bán nội tạng người lớn đã xảy ra (như ở Cần Thơ đã phát hiện) nên không loại trừ tội phạm mua bán trẻ em với mục đích lấy nội tạng.
PV: Qua một số vụ việc sai phạm xảy ra tại một số trung tâm nuôi trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ xã hội, dư luận cũng dấy lên hồ nghi về việc tội phạm lợi dụng để buôn bán trẻ em ra nước ngoài vào các mục đích xấu, trong đó có việc lấy nội tạng?
Thượng tá Trần Đình Huấn: Dự thảo tổng kết công tác năm 2012, trong phần cảnh báo tội phạm liên quan đến buôn bán người nói chung và buôn bán trẻ em nói riêng, chúng tôi cũng đề ra giải pháp phòng ngừa loại tội phạm này trong thời gian tới, trong đó có việc phối hợp các ban, ngành chức năng khảo sát, điều tra việc cho - nhận con nuôi, đồng thời tăng cường công tác quản lý đối với các trung tâm này.
Ngoài ra, chúng tôi kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa tại những nơi cho - nhận con nuôi (kể cả bệnh viện) để nâng cao nhận thức của người dân, cảnh giác, phát hiện kịp thời hiện tượng mua bán trẻ em bởi đã xảy ra một số vụ việc đối tượng vào tận bệnh viện mua bán, chiếm đoạt trẻ em.
PV: Xin cảm ơn đồng chí! |
Theo cand.com.vn