Vụ MobiFone mua AVG: Thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước

Trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), việc khắc phục hậu quả thiệt hại và trách nhiệm thu nộp, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phối hợp tiến hành quyết liệt, triệt để.

Đây là vụ án thu hồi được tài sản nhiều nhất từ trước đến nay, với tổng số tiền thu hồi là 8.845 tỷ đồng trên tổng số 8.697 tỷ đồng của vụ án. Trong đó thu hồi 8.774 tỷ đồng từ hành vi "vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" của các bị can, thu hồi được 71 tỷ đồng từ hành vi "nhận hối lộ" của 4 bị can trong vụ án.  

Thu hồi toàn bộ số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước

Chú thích ảnh
Bị can Phạm Nhật Vũ. Ảnh: TTXVN phát

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, từ ngày 28/12/2015 đến ngày 15/1/2016 (19 ngày), MobiFone đã thanh toán hơn 8.445 tỷ đồng (tương đương 95% tổng giá trị hợp đồng) cho các cổ đông AVG. Để có được số tiền lớn trong vòng chỉ 19 ngày này, MobiFone đã phải rút trước thời hạn các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng, làm thiệt hại 115 tỷ đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG. Như vậy, tổng số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước là hơn 8.560 tỷ đồng.

Số tiền hơn 8.445 tỷ đồng nói trên được chuyển cho các cổ đông AVG, trong đó Phạm Nhật Vũ thay mặt các cổ đông nhận 30% giá trị hợp đồng (5.850 tỷ đồng), bà Hoàng Thanh Hằng nhận 1.037 tỷ đồng, bà Nguyễn Thùy Trang nhận hơn 578 tỷ đồng, bà Phạm Thu Trang nhận hơn 178 tỷ đồng, ông Nguyễn Duy Thái Dương nhận hơn 153 tỷ đồng, ông Nguyễn Công Dự nhận gần 61 tỷ đồng, Công ty cổ phần An Viên nhận hơn 386 tỷ đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp tích hợp công nghệ cao nhận gần 200 tỷ đồng (IHTS).

Ngày 28/3/2018, MobiFone và đại diện các cổ đông chuyển nhượng cổ phần của AVG đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.

Ngày 16/4/2018, các cổ đông AVG đã lập Biên bản thống nhất giao, ủy quyền cho Phạm Nhật Vũ ký kết các văn bản liên quan đến việc hủy bỏ Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần số 2512/2015/MOBIFONE-AVG ngày 25/12/2015 và Phạm Nhật Vũ được toàn quyền tham gia đàm phán, ký kết các giao dịch khác.

Trên cơ sở thỏa thuận nguyên tắc đã ký, đến ngày 29/8/2018, MobiFone nhận được hơn 8.774 tỷ đồng từ đại diện cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG. Bao gồm: số tiền MobiFone đã thanh toán cho nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần là hơn 8.445 tỷ đồng và hơn 329 tỷ đồng là số tiền trả cho các chi phí liên quan đến dự án và khoản lãi tính cho số tiền MobiFone đã thanh toán.

Phạm Nhật Vũ khai nhận: Việc sử dụng số tiền MobiFone thanh toán cho AVG về cơ bản theo yêu cầu của Phạm Nhật Vũ để phục vụ cho kinh doanh và trả nợ. Về trách nhiệm hoàn trả cho MobiFone là do Phạm Nhật Vũ tự thu xếp toàn bộ từ nguồn tiền của Phạm Nhật Vũ và tiền vay của các cá nhân, công ty. Về trách nhiệm dân sự giữa Phạm Nhật Vũ với nhóm cổ đông AVG đã có biên thỏa thuận, trong nội dung biên bản thỏa thuận giữa Phạm Nhật Vũ và các cổ đông đã nêu rõ số tiền trả cho MobiFone là do Phạm Nhật Vũ tự thu xếp toàn bộ, giữa Phạm Nhật Vũ và các cổ đông không có bất cứ khiếu kiện gì. 

Như vậy, đối với thiệt hại hơn 8.560 tỷ đồng của Nhà nước do hành vi “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” của các bị can gây ra trong vụ án, hiện đã thu hồi được 8.774 tỷ đồng. Khoản tiền thu hồi này đã khắc phục được toàn bộ số tiền mua bán 95% cổ phần AVG (8.445 tỷ đồng), số tiền lãi do rút tiền gửi trước kỳ hạn (115 tỷ đồng) và bị can Phạm Nhật Vũ tự nguyện khắc phục những khoản chi phí phát sinh, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước (214 tỷ đồng).

Các bị can tự giác nộp lại số tiền đã chiếm đoạt

Chú thích ảnh
Bị can Nguyễn Bắc Son (trái) và bị can Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án và sau khi MobiFone thanh toán tiền, Phạm Nhật Vũ đã đưa cho Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD tương đương hơn 66 tỷ đồng, Lê Nam Trà số tiền 2,5 triệu USD tương đương 55,5 tỷ đồng, Cao Duy Hải số tiền 500.000 USD tương đương hơn 11 tỷ đồng, Trương Minh Tuấn số tiền 200.000 USD tương đương hơn 4,4 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Phạm Nhật Vũ đã đưa cho 4 bị can là khoảng 137 tỷ đồng.

Quá trình điều tra và truy tố, các bị can có hành vi đưa, nhận hối lộ đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội và có trách nhiệm trong việc khắc phục số tiền đã chiếm đoạt, cụ thể bị can Lê Nam Trà đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD tương đương số tiền 55.592.500.000 đồng; bị can Cao Duy Hải đã tác động gia đình nộp số tiền 11,6 tỷ đồng tương đương 500.000 USD; bị can Trương Minh Tuấn nộp 4.120.000.000 đồng tương đương gần 200.000 USD.

Riêng bị can Nguyễn Bắc Son xác định số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ là tiền bất hợp pháp nên Nguyễn Bắc Son đã nhiều lần viết đơn xin nộp lại. Tuy nhiên, Nguyễn Bắc Son không nhận được sự phối hợp của gia đình trong việc nộp lại số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ. Nguyễn Bắc Son đề nghị được sử dụng số tiền 591.902.772 đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm đứng tên Nguyễn Bắc Son tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để trả lại một phần số tiền đã chiếm đoạt.

Như vậy, ngoại trừ bị can Nguyễn Bắc Son mới chỉ nộp gần 600 triệu đồng trên tổng số 66 tỷ đồng chiếm đoạt bất hợp pháp từ hành vi nhận hối lộ; còn lại 3 bị can: Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn đều đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Tổng số tiền thu hồi được của 4 bị can trong nhóm hành vi “nhận hối lộ” là 71 tỷ đồng.

Nhằm đảm bảo việc khắc phục hậu quả thiệt hại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu nộp vào tài khoản tạm giữ tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng do các bị can và gia đình giao nộp. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn kê biên nhà đất của bị can Nguyễn Bắc Son tại số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), kê biên nhà đất của bị can Trương Minh Tuấn tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội). Đồng thời, phong tỏa tài khoản của Nguyễn Bắc Son có số dư gần 592 triệu đồng, phong tỏa tài khoản của Trương Minh Tuấn có số dư hơn 2,1 tỷ đồng…

Trên cơ sở thu hồi số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước và ý thức tự giác khắc phục hậu quả của các bị can, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị khi xem xét quyết định hình phạt đối với các bị can cần có sự phân hóa về vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả, áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị can nhất là các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt.

Kim Anh (TTXVN)
Vụ MobiFone mua AVG: Động cơ cá nhân 'giúp' hợp thức hóa mọi thủ tục đầu tư công
Vụ MobiFone mua AVG: Động cơ cá nhân 'giúp' hợp thức hóa mọi thủ tục đầu tư công

Trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, động cơ cá nhân của các bị can được thể hiện rất rõ từ khi kết nối thương thảo, ký kết cho đến lúc thanh toán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN